xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyên tắc “ứng xử sư phạm” của nghề dạy học

PGS-TS TRẦN HỮU TÁ

Với giáo viên nào nhất thời phạm lỗi vì thiếu tự kiềm chế thì tổ chức cần cân nhắc thận trọng khi quyết định mức độ, hình thức kỷ luật. Có như thế khi đứng trên bục giảng, họ mới không bị áp lực đè nặng mọi phía, mới yên tâm thanh thản làm tròn chức phận cao quý của mình...

Sự cố - xin tạm dùng từ này - của thầy giáo dạy toán  Võ Hải Bình ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3- TPHCM) đã vượt quá khuôn khổ một việc cụ thể trong một trường học. Nó được dư luận xã hội quan tâm và buộc mọi người phải nghĩ về nguyên tắc và phương pháp giáo dục trong nhà trường.


Trách nhiệm của người thầy


Theo dõi tình hình giáo dục gần đây, có thể giật mình trước hiện tượng các hình thức kỷ luật phản sư phạm đang có chiều hướng phát triển ở các trường phổ thông.

Nên lý giải hiện tượng này như thế nào? Vấn đề nên nhìn từ nhiều phía. Tốc độ phát triển vũ bão về số lượng (lớp học, giáo viên, học sinh) không tương xứng với chất lượng cần đạt.

Trong đội ngũ non 1 triệu giáo viên, có sự chênh lệch về nhiều phương diện: không đồng đều về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (khá phổ biến); chưa đạt chuẩn về phẩm chất đạo đức (tỉ lệ không lớn nhưng rất đáng quan ngại).

Một số người – vô tình hay cố ý? – đã chọn nhầm đường, ngồi nhầm ghế, thờ ơ thiếu trách nhiệm với công việc, vô cảm trước học trò, thực hiện những hành vi “quái chiêu” đáng lên án trong quá trình đứng lớp.

Đáng tiếc, số ít này chưa được thanh lọc triệt để. May mà đông đảo thầy cô là những người có lương tâm. Chỉ có điều việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay so với trước có những khó khăn phức tạp mới. Các em lanh lợi, hoạt bát hơn nhưng nhiều em hình như “quậy” hơn, cứng đầu hơn.

img
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong một giờ học tiếng Anh. Ảnh: H.LÂN


Các phương tiện giải trí nghe nhìn ngày càng nhiều, giúp các em mở mang sự hiểu biết nhưng cũng làm không ít em sa đà mê đắm, sao nhãng học tập và tiêm nhiễm thói hư tật xấu.

Các phụ huynh học sinh nhiều người hết sức quan tâm đến việc phối hợp với nhà trường giáo dục con cái nhưng cũng có một tỉ lệ không nhỏ “khoán trắng” cho trường – đặc biệt với các trường ngoài công lập. Các vị ấy cứ cho rằng mình đã đóng đủ tiền học thì mặc nhiên trường phải làm tròn nhiệm vụ nuôi dạy con mình.


Xã hội nên cảm thông, hỗ trợ


Đương nhiên về mặt nguyên tắc, dù có bị nhiều áp lực đến đâu nhưng bất cứ cách phản ứng thô bạo nào của giáo viên – bằng bạo lực hoặc bằng ngôn từ, xúc phạm đến nhân phẩm của học sinh đều không thể chấp nhận, xét cả về mặt pháp lý cũng như đạo lý.

Quy định của ngành giáo dục rất rõ: Học sinh nào phạm lỗi, tùy mức độ nặng nhẹ mà bị những hình thức kỷ luật từ thấp đến cao – từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm đến đình chỉ học tập một số ngày, cao hơn – cả năm học, thậm chí đuổi học.

Như thế về mặt pháp lý, người thầy có rất rộng đường xử lý. Với những người thầy có kinh nghiệm và có tấm lòng, sẽ kết hợp chặt chẽ nhuần nhuyễn hệ thống biện pháp hành chính ấy với hình thức gần gũi, phân tích, giảng giải thiệt hơn cho những em mắc sai lầm.

Trừ một số em quá cá biệt, còn nhìn chung chắc các em sẽ cảm nhận sâu sắc sự nghiêm khắc nhưng thấm đẫm tình thương của người thầy. Sự hối lỗi chắc chắn sẽ đến.


Ngẫm ra, trong cuộc sống làm gì cũng phải kiên trì, nhẫn nại. Nhưng có lẽ ít có việc nào lại yêu cầu rất cao phẩm chất này như nghề “trồng người”. Sự cố gắng âm thầm lặng lẽ của người thầy là cần nhưng chưa đủ. Xã hội nên cảm thông, hỗ trợ.

Nhà nước cần tạo cho họ điều kiện tinh thần và vật chất tối ưu. Nếu giáo viên nào nhất thời phạm lỗi vì thiếu tự kiềm chế thì tổ chức cần cân nhắc thận trọng khi quyết định mức độ, hình thức kỷ luật. Có như thế khi đứng trên bục giảng, giáo viên mới không bị áp lực đè nặng mọi phía, mới yên tâm thanh thản làm tròn chức phận cao quý của mình.


Áp lực nặng nề trong công việc và cuộc sống

Trách nhiệm của người thầy vốn đã nặng (vì chương trình học ngày càng quá tải, vì áp lực của thành tích học tập, thi cử...) càng thêm nặng nề. Chưa kể đến nợ cơm áo của bản thân và gia đình luôn làm oằn vai người thầy khiến họ phải dọc ngang bươn chải để bù đắp vào đồng lương còm cõi.

Ai đời, có nơi lương giáo viên mầm non chưa tới 600.000 đồng/tháng - thua xa lương một chị lao công, và giảng viên trẻ đại học được những... 1.500.000 đồng/tháng - gần bằng lương một nhân viên bảo vệ!? Họ phải bươn chải, bươn chải đến mức độ căng thẳng!

Vì thế hiện tượng mất bình tĩnh, không thể tự kiềm chế bản thân và có những biểu hiện hành xử thiếu tính nhân văn với học trò là điều dễ xảy ra, kể cả với những giáo viên giỏi, với những thầy cô yêu nghề, có trách nhiệm với công việc được giao, mà bạn đồng nghiệp ở Trường THPT Lê Quý Đôn là một dẫn chứng mới nhất.

Ý kiến bạn đọc

Phải thấu tình, đạt lý


Tôi từng là học trò của thầy Võ Hải Bình. Tôi rất ấn tượng về người thầy luôn tận tụy vì học sinh thân yêu. Thầy Bình dạy học trò bằng cái tâm của mình chứ không phải dạy học theo kiểu chạy theo thành tích.

Khi giảng bài, thầy tận tình chỉ cho chúng tôi cách làm bài sao cho đúng và giải thích cho đến khi chúng tôi hiểu bài mới thôi. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng chỉ vì để cho lớp học được trật tự, học sinh tiếp thu bài tốt, thầy đã phạt học sinh “thụt dầu” để rồi phải nhận đề nghị buộc thôi việc của Hội đồng Kỷ luật Trường THPT Lê Quý Đôn.

img
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: N.HỮU

Việc “thụt dầu” không phải do thầy Bình quyết định mà do các học sinh tự chọn. Thầy cũng đồng ý cho các học sinh khác thôi “thụt dầu” khi các em này mệt. Nhưng riêng em Tuấn cố gắng “thụt dầu” cho đủ 100 cái mới thôi.

Tôi cho rằng khi xem xét kỷ luật thầy Bình, cần xét đến hành vi của các bên liên quan và các quy định của pháp luật, khi đó quyết định kỷ luật mới thấu tình, đạt lý và được dư luận đồng tình.

Nguyễn Ngọc Anh (TPHCM)

 

Không nên đối xử với người thầy như vậy

Ai có lỗi cũng phải xử lý. Mức độ xử lý ra sao, hình thức kỷ luật tới mức nào là tùy thuộc vào mức độ phạm lỗi và sự ăn năn của người có lỗi. Mọi quy định của luật hay những văn bản dưới luật cũng đều theo nguyên tắc này.


Vụ thầy Võ Hải Bình phạt học sinh làm mất trật tự trong giờ học bằng cách “thụt dầu”, sau đó học sinh này phải nhập viện đã gây bức xúc dư luận vì hình phạt đó ngày nay đã bị cấm áp dụng trong trường học.

Tuy nhiên, ngay sau đó dư luận lại bức xúc hơn khi Hội đồng Kỷ luật trường này đã biểu quyết đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Bình.

Lỗi của thầy Bình thì đã rõ, nhưng với mức kỷ luật đề nghị buộc thôi việc thì quá nặng so với lỗi vi phạm. Với một thầy giáo đã có quá trình giảng dạy 20 năm, từng gắn bó với nghề dạy học ngay cả những khi nghề này khó khăn nhất, nay bị tước mất quyền giảng dạy là điều chưa hợp lý, chưa hợp tình. Nếu đối xử với người thầy như vậy thì không giáo viên nào có thể yên tâm giảng dạy.


Tôi đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM cần sáng suốt, công minh, khách quan khi ra quyết định xử lý vi phạm của thầy Bình. 

Đinh Thụy Vy (TPHCM)

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo