xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô điều dưỡng trẻ vì bệnh nhân AIDS

Bài và ảnh: Hồng Đào

Dung tâm sự: “Đa số bệnh nhân đều bị người nhà bỏ rơi. Có người chưa một lần được người thân đến thăm. Người may mắn thì được thăm một vài lần, nhưng với thái độ qua quýt. Chính người thân cũng ghê sợ trước căn bệnh của họ, nếu mình cũng bỏ rơi họ thì họ còn biết tin tưởng vào ai”.

“Tôi thấy mình chẳng mất gì, trái lại được rất nhiều: Sự quý mến của đồng nghiệp, sự yêu thương của bệnh nhân. Mỗi khi có người ra đi, họ đều cầu nguyện và chúc phúc cho tôi...”. Lại Thị Kim Dung, điều dưỡng viên Bệnh viện Nhân Ái, đã làm xúc động mọi người khi tâm sự như thế tại lễ giao lưu “Thầy thuốc như mẹ hiền” những tấm gương điển hình ngành y, tổ chức ngày 21-2 tại TPHCM.

Ước mơ của cô gái trẻ

Kim Dung sinh ra trong một gia đình nông dân tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Cô là con gái út trong gia đình có 6 người con. Hai anh chị lớn của Dung phải nghỉ học sớm để phụ ba mẹ cuốc đất, trồng rẫy. Dung và 3 anh chị còn lại cố gắng ăn học, người vào đại học, người tốt nghiệp trung cấp.

Nghề điều dưỡng của Dung bắt nguồn từ một lần vào chăm ba ốm ở bệnh viện. Giữa khuya, bình truyền dịch cho ba cô bị trục trặc, cầu cứu các điều dưỡng thì bị la mắng. Trong suy nghĩ non nớt của cô bé 10 tuổi lúc ấy là sau này mình sẽ làm điều dưỡng, sẽ yêu thương tất cả bệnh nhân.

Học xong cấp 3, trong khi bạn bè chọn vào đại học, Dung quyết định thi vào hệ trung cấp nghề điều dưỡng Trường Trung cấp Y tế Bình Phước. Năm 2006, Dung ra trường và được Bệnh viện Triều An ở TPHCM nhận vào làm việc. Nhưng thật bất ngờ, Dung đã từ bỏ chỗ làm tốt, chọn một con đường khác, về với một nơi khó khăn, thiếu thốn hơn rất nhiều.

Đó là sau lần tình cờ tham quan Bệnh viện Nhân Ái ở Bình Phước, chính những hoàn cảnh đáng thương của bệnh nhân nơi đây đã buộc cô về với họ. Ngày Dung xin chuyển từ Bệnh viện Triều An đến Bệnh viện Nhân Ái, gia đình phản đối quyết liệt, còn bạn bè chỉ nói “điên rồi, ai đời lại từ bỏ nơi làm tốt, lương 3,5 triệu đồng/tháng để về nơi khỉ ho cò gáy”. Nhưng với quyết tâm, tình yêu nghề, Dung đã thuyết phục được mọi người. Cùng khóa tốt nghiệp điều dưỡng năm 1996 có 37 người, chỉ mình Dung về làm tại Bệnh viện Nhân Ái. Dung chọn khoa săn sóc đặc biệt, dành cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

Hết lòng vì người bệnh

Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng những ngày đầu tiên làm việc tại Bệnh viện Nhân Ái cũng khiến Dung bị sốc. Dung kể, có lần, một bệnh nhân nam kiên quyết từ chối truyền dịch. Hết lời năn nỉ nhưng cô vẫn bị bệnh nhân mắng: “Cô thích thì truyền cho cô đi, cô đem về mà ăn đi”, “Sao cô lì quá vậy?”. Mỗi lần như vậy, Dung vẫn nhỏ nhẹ động viên bệnh nhân. Tính kiên trì, sự dịu dàng của cô gái trẻ đã thuyết phục được họ.

Bệnh nhân của Dung là những người sau cai nghiện, người của những trại giam, trại tạm giam... với những vết xăm, những hình thù kỳ quái trên người nhưng cô không ghê sợ mà luôn có mặt khi họ cần. Riêng khoa săn sóc đặc biệt có hơn 20 bệnh nhân. Dung nắm rõ hoàn cảnh từng người, hiểu được bệnh lý, nỗi niềm của từng bệnh nhân. Vì thế, có những người nhất định đòi phải được chính tay điều dưỡng Dung chích thuốc và khi có chuyện cần tâm sự họ cũng tìm đến cô.

Tại bệnh viện Dung làm chưa có hộ lý nên điều dưỡng kiêm luôn công việc của hộ lý. Những vết lở loét, căn bệnh tiêu chảy..., điều dưỡng đều phải chăm sóc, dọn dẹp. Khi tôi hỏi: “Một cô gái mới 23 tuổi, chưa chồng nhưng phải chăm nom những bệnh nhân nam, có bao giờ Dung cảm thấy ngại?”. Cô cười: “Công việc mà, có yêu thương, có hết lòng với họ thì họ cũng yêu quý mình”.

Bông hoa của ngành y

Bệnh viện Nhân Ái (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Phước Long - tỉnh Bình Phước) nằm trên một khu đồi cao, quanh năm vắng vẻ, người ra vào rất hạn chế nên quanh quẩn chỉ có các bác sĩ, y tá sinh hoạt với nhau. Mọi người hay đùa: Muốn mua một gói mì cũng phải đi 7 km. Muốn xuống thị xã Đồng Xoài, phải đi xe ôm 70 km. Dù được bệnh viện quan tâm, bố trí phòng karaoke, cầu lông, bi da... nhưng nơi đây vẫn còn rất thiếu, ngay cả một tờ báo đến được bệnh viện phải mất 3 ngày, có khi một tuần.

Khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng tình yêu nghề, lòng hết mình với bệnh nhân AIDS đã giúp Kim Dung vượt qua tất cả. Ông Hồ Văn Méo, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch CĐ Bệnh viện Nhân Ái, nhận xét: “Dung là một điều dưỡng trẻ, có năng lực và đầy nhiệt huyết. Cô đã không ngại những khó khăn, nguy hiểm để đến với những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, công việc không phải ai cũng làm được. Dung là một bông hoa thơm thảo của ngành y”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo