xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đồng loạt kiểm tra để ổn định giá

Gia Linh

Ngay sau khi quyết định sử dụng “liều thuốc” mạnh là giảm thuế hàng loạt các mặt hàng thiết yếu, hôm qua (8-8), lần đầu tiên Bộ Tài chính tổ chức họp báo thông báo các giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế “cơn bão” giá đang tăng cao. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, thông báo: Bộ Công Thương đã bắt đầu thành lập đoàn kiểm tra giá và công tác kiểm tra sẽ bắt đầu vào đầu tuần tới.

Ngay sau khi Bộ Tài chính công bố giảm thuế, nhiều doanh nghiệp cho rằng dù thuế giảm nhưng giá cũng không giảm nhiều.

Giải thích điều này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng thuế giảm thì giá không những sẽ giảm mà thậm chí còn giảm khá mạnh.

Theo phân tích của ông Trung, những mặt hàng giảm thuế đến 50% trong biểu thuế tạm thời hầu hết đều có mức thuế suất cao từ 20% - 40%. Mức thuế này đánh trên giá vốn nhập khẩu, thuế giảm 50% là mức giảm rất lớn.

Vì thế, biện pháp này tác động rất lớn đến giá tiêu dùng. “Thuế giảm một thời gian mà giá vẫn chưa giảm thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý” - ông Trung nói.

Ông Trương Chí Trung cũng cho biết hiện nay giá nhập khẩu xăng trên thị trường thế giới đang giảm xuống với mức giá hiện tại và với mức thuế nhập khẩu xăng là 0%, doanh nghiệp đang lãi hơn 800 đồng/lít.

Hiện Bộ Tài chính đang có phương án nếu áp thuế nhập khẩu 10% thì các doanh nghiệp kinh doanh sẽ lỗ 70 đồng/lít xăng; nếu áp thuế 5% thì doanh nghiệp lãi gần 400 đồng/lít xăng.

“Hiện Bộ Tài chính đang bàn và sẽ có quyết định sớm về vấn đề này. Nếu không tăng thuế thì sẽ giảm giá bán lẻ. Riêng cá nhân tôi cũng muốn được đồng ý giảm giá bán lẻ xăng” - ông Trung bày tỏ.

Cùng với các bộ ngành khác, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết sẽ kiên quyết thực hiện việc chuyển vốn của các công trình triển khai chậm (chưa mang lại hiệu quả ngay) cho các dự án có nhu cầu cấp thiết.

Không thể đánh đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung khẳng định như vậy về việc tìm biện pháp ổn định giá cả

. Phóng viên: Nếu chỉ số giá tiếp tục tăng cao thì chúng ta có tính đến phương án bằng mọi cách phải kiềm chế lạm phát cho dù điều đó có ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

img- Thứ trưởng Trương Chí Trung: Chúng ta phải chọn biện pháp phù hợp nhất cho sự phát triển của đất nước. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn liên quan đến nhiều bài toán khác. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, chúng ta không thể đánh đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chính vì vậy, chúng ta phải đưa ra rất nhiều giải pháp. Tôi cho rằng nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp cả vĩ mô, và vi mô, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.

. Nhiều ý kiến cho rằng giảm thuế chỉ là phương án tình thế cho bài toán giá?

- Có một thực tế là trong nền kinh tế nước ta, tỉ lệ nhập khẩu của nhiều loại vật tư cơ bản rất cao như nhập xăng dầu 100%, phôi thép 60% - 70%, nguyên liệu cho thuốc chữa bệnh nhập khẩu đến 90%...

Và khi các mặt hàng này trên thế giới biến động thì chắc chắn giá cả trong nước cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, sức cạnh tranh của nền kinh tế kém, thể hiện ở chỗ hiệu quả của nền kinh tế chưa cao.

Điều này có thể thấy ở chi phí sản xuất, giá thành sản xuất hay giá vốn của nhiều mặt hàng sản xuất trong nước cao hơn các nước trong khu vực. Chi phí sản xuất trong nước cao, cộng thêm giá nguyên liệu đầu vào cao nữa đã đẩy giá lên.

Trong khi đó, những biện pháp khắc phục biến động giá thế giới của nước ta và của các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Đây là một bài toán khó chưa thể giải quyết ngay lập tức, mà phải giải quyết từng bước một.

G.Linh thực hiện

 

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Cân đối tiền hàng: Bài toán của Chính phủ

Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định này khi đề cập đến giải pháp chặn cơn “bão giá”. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu ý kiến của 2 chuyên gia

Ông Nguyễn Văn Quang, phó viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM:

Năm giải pháp khống chế tăng giá

Theo tôi, để khống chế mức tăng giá, cần có 5 giải pháp:

- Thời gian vừa qua, lượng tiền mặt lưu thông quá nhiều. Vì vậy, cần phải nâng cao hơn nữa mức dự trữ trong ngân hàng để tránh lượng tiền mặt lưu thông hết ra thị trường, làm ảnh hưởng đến cán cân kinh tế.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn chờ có một đánh giá chính xác về ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế, Chính phủ nên có biện pháp hạn chế mức cân đối lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường.

- Chính phủ đã có chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng.

Đây cũng là biện pháp nhằm hạn chế mức tăng giá, vì vậy nên áp dụng thêm một số mặt hàng nữa nhưng vẫn phải kiểm soát mức giảm thuế trong điều kiện cho phép, để tạo được sức cạnh tranh giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Đây là biện pháp cực kỳ nhạy cảm, cần phải được điều chỉnh một cách hợp lý.

- Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục thiên tai, bão lụt để hạn chế mất cân đối giữa mức cung cầu của ngành lương thực, thực phẩm.

- Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần thực hiện biện pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện việc xây dựng để đưa các dự án “rùa” đi vào hoạt động. Một thực tế hiện nay cho thấy nền kinh tế đang bị mất cân đối giữa tiền và hàng.

- Muốn phát triển nền kinh tế, Nhà nước phải huy động tốt nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài.

Nguồn vốn trong nước được huy động từ dân, nhưng hiện nay trước tình hình giá cả tăng vọt thì tiền gửi tiết kiệm từ ngân hàng coi như không có lợi, chưa nói đến người gửi tiết kiệm còn bị lỗ.

Khi nguồn vốn huy động không đủ, cả ngành ngân hàng, tài chính sẽ bị trì trệ. Vì vậy, rất cần vai trò quản lý Nhà nước để cải thiện tình hình này.

M.Vân ghi

Ông Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế VN:

Phải chủ động nguồn nguyên liệu

Giá cả liên tục tăng như “con ngựa bất kham” trong 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,19% so với tháng 12-2006. Cơn “bão giá” đang diễn ra trên diện rộng. Hầu hết 10 nhóm hàng đưa vào tính giá đều tăng hơn năm ngoái.

Và từ nay đến cuối năm, chắc chắn việc tăng giá sẽ còn quyết liệt hơn do giá xăng dầu còn ở mức cao và không có dấu hiệu giảm.

Việc cắt giảm thuế suất hơn 20 mặt hàng là biện pháp tình thế chỉ giải quyết phần ngọn. Để hạn chế cơn “bão giá”, cần phải áp dụng hàng loạt các biện pháp đồng bộ như: phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng gây tăng giá; tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với giá cả tại thị trường trong nước.

Chính phủ phải giảm chi tiêu, phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn trong dân; giải ngân những nguồn vốn tồn đọng trong 7 tháng đầu năm...

Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngành sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và ngay cả xuất khẩu vẫn chưa chủ động được nguyên liệu. Nhiều mặt hàng thiết yếu, có tác động trực tiếp đến việc tăng giá phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu.

Vì vậy, một trong những biện pháp để ổn định giá cả về lâu dài đó là chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất chứ không nên chỉ dựa vào việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu như hiện nay.

B.Hoàn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo