xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam chỉ là bạn hàng nhỏ của Nhật Bản

TRẦN CÔNG TUẤN

(NLĐ)-Ngày 24-3, tại TP Cần Thơ, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại) phối hợp cùng Trường Đại học Ngoại thương TP HCM và Sở Thương mại TP Cần Thơ tổ chức cuộc hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, hải sản vào thị trường Nhật”.

Tham gia hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Nguyễn Bảo; Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản ông Hà Kế Tuấn; Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ bà Lê Thị Thanh Vân; Tổng Giám đốc Công ty SEIYU Hà Nội ông Ken Arakawa; chuyên gia cao cấp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Tổng cục Hải Quan Việt Nam ông Shinji Urakawa, cùng đại diện của 70 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Bảo, nhấn mạnh: Mục tiêu của cuộc hội thảo này là nhằm nâng cao kiến thức và cập nhật thông tin cho các DN của Việt Nam về các vấn đề nghiệp vụ và những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến xuất khẩu hàng nông, hải sản sang thị trường Nhật Bản, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt- Nhật.

Thị trường Nhật khó tính

Từ sau năm 1991, Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác ngoại thương quan trọng của Việt Nam (VN). Tuy nhiên, thị phần của hàng VN trên thị trường Nhật đến nay vẫn còn quá nhỏ bé và hầu hết chưa có chỗ đứng thực sự trên thị trường này. Cụ thể, mỗi năm VN chỉ xuất khẩu được khoảng 3 tỷ USD vào thị trường Nhật, chiếm 0,5-0,9% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Trong đó, rau quả và trái cây là mặt hàng thế mạnh của VN, nhưng lại chỉ có thể vào được thị trường Nhật độ 0,04% so với nhu cầu nhập khẩu của họ. Riêng tỉnh Cần Thơ (cũ), theo bà Lê Thanh Vân kim ngạch xuất khẩu và ngoại tệ của tỉnh trong năm 2003 là 352 triệu USD, nhưng các DN của tỉnh chỉ xuất khẩu sang Nhật với con số quá khiêm tốn là 30 triệu SUD. Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Bảo cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay mà các DN nước ta vướng phải khi xuất khẩu sang Nhật là vấn đề chất lượng sản phẩm.

Hơn bất cứ một bạn hàng nào, khách hàng Nhật luôn yêu cầu cao nhất về chất lượng sản phẩm, về sự đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực pháp luật qui định, chứ không chỉ dừng lại ở chứng chỉ ISO như các DN VN thường nghĩ. Hơn nữa, hàng hoá xuất khẩu sang Nhật không chỉ cần phải đảm bảo về nội dung bên trong (chất lượng), mà còn phải phù hợp với hình thức bên ngoài (mẫu mã). Đặc biệt, đối với những mặt hàng nông, thủy sản, họ đòi hỏi không những phải đảm bảo độ dinh dưỡng cao, mà còn phải sạch sẽ (chẳng hạn rau quả phải được trồng trong điều kiện vệ sinh tốt, không phun thuốc trừ sâu…). Ông Nguyễn Bảo còn đưa ra 2 ví dụ cụ thể để lí giải về sự khó tính của thị trường Nhật. Trường hợp thứ nhất là trái cam của Úc phải mất đến…10 năm đi làm “tiếp thị” (biếu) cho các quan chức cấp cao của nước Nhật, mới có thể thâm nhập vào được thị trường này. Trường hợp thứ hai là trái thanh long của VN: Đối với người Nhật, việc sử dụng trái thanh long được xem là “xa xỉ”. Nhưng tại sao trái thanh long “rẻ như bèo” của VN lại không vào được thị trường này? Lí do đơn giản là sau vài lần xuất khẩu “êm xuôi”, thì cơ quan kiểm dịch của Nhật đã phát hiện một loại vi trùng lạ trong trái thanh long của ta, thế là họ “cấm vận” luôn loại trái cây này đến nay.

Các DN nên “nâng niu” sản phẩm của mình

Tại cuộc hội thảo, nhiều DN đưa ra câu hỏi là “Làm gì để hàng nông, hải sản của VN đến được thị trường Nhật?”. Bằng kinh nghiệm của mình nguyên là Tham tán thương mại của VN tại Nhật, ông Hà Kế Tuấn đưa ra những giải pháp:

Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược chất lượng của DN. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho việc điều tra, nghiên cứu nhu cầu thị trường Nhật, để từ đó xác định đúng yêu cầu về mặt chất lượng.

Thứ hai, cần chú trọng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm, định giá hợp lý và giao hàng đúng thời hạn. Riêng đối với trường hợp mẫu mã và bao bì sản phẩm, nhất thiết phải ghi thêm các sử dụng bằng tiếng Nhật Bản (điều này người Nhật rất cần).

Thứ ba, phải thường xuyên cập nhật thông tin và chủ động tìm kiếm bạn hàng. Trên thực tế, có rất nhiều DN do không nắm vững các qui định, thông tin về thị trường Nhật nên đã thất bại khi đưa sản phẩm của mình sang.

Thứ tư, tuyển dụng và đào tạo cán bộ kinh doanh, cán bộ kỹ thuật, đội ngũ lao động có năng lực, đặc biệt là phải có nhiều cán bộ giao tiếp được tiếng Nhật. Về phía đại diện người Nhật Bản, ông Ken Arakawa đưa ra một yêu cầu rất đơn giản nhưng làm cho các đại biểu tham gia hội thảo phải “tỉnh giấc”, đó là: “Các DN của VN nên trân trọng, nâng niu các sản phẩm xuất khẩu của mình như là đứa con ruột trong nhà. Bởi có như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ “tiêm chích” hoặc cho “những đứa con” của mình “dùng” những chất gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe!. Nếu làm được như thế, tôi tin rằng hàng hoá của VN sẽ dễ dàng đi vào lòng công chúng Nhật. Và đương nhiên, VN sẽ trở thành một đối tác mạnh của Nhật Bản”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo