xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đi "chợ ta" ở bên Tây

(PNTP)

Nhà văn Nguyễn Tuân thường cho rằng, đến một xứ nào đó, cứ nhào tới chợ là có thể biết phong tục và sản vật xứ ấy. Đi chợ cũng là một cách ''thâm nhập thực tế" vô cùng đắc địa của người phương xa vốn lạ nước lạ cái với nơi mình mới đặt chân tới.

 Với ý nghĩa ấy, đoàn nhà văn Việt Nam chúng tôi tới Warszawa (Ba Lan) công tác đã có ngay trong lịch trình làm việc hai ngày ''đi chợ'' - một ngày đi ''chợ ta, một ngày đi ''chợ Tây''.

Trước khi đến chợ có tên là Sân vận động, chúng tôi không thể hình dung ra các chợ của người Việt lại mênh mông đến thế. Chợ bám vào vòng ngoài của sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế do Liên Xô (cũ) làm tặng thủ đô Warszawa gần 20 năm trước, nhưng chỉ đá bóng được hai trận và đội Ba Lan đều thua, nên bị bỏ hoang. Không rõ do dân ở đây ''mê tín'' về cái sân bóng xui xẻo hay một lý do nào khác và nhờ vậy mà người Việt được thuê đất để biến vòng ngoài sân vận động thành một cái chợ ta, đi nửa ngày mới khép một vòng chợ. Còn chợ Tây thì nằm ở phía trên, thu hút những người buôn bán nhiều nước châu Âu trôi dạt về đây.

Khi gửi được ô tô vào bãi xe chật ních trước cửa chợ phía Đông, Tú Anh đưa chúng tôi vào chợ của người Việt. Những dãy ki-ốt nối nhau vô tận bày bán cả một rừng áo quần đủ kiểu loại. Hàng ta và hàng Tây lẫn lộn vào nhau không thể nào phân biệt được. Hầu như đi tới đâu, Tú Anh cũng được chào hỏi rất thân thiết. Khi mới sang đây, Tú Anh cũng từng "đứng quầy" ở cái chợ này cùng với người chồng là Đỗ Quân tốt nghiệp ngành toán ở Đại học Warszawa. Còn giờ đây, Tú Anh là ''phu nhân'' của tổng giám đốc Công ty TSQ chuyên phân phối hàng cho các chợ, siêu thị ở Ba Lan và nhiều nước khác.

Theo Đỗ Quân cho biết thì những ngày đầu tiên, anh chỉ đủ tiền để lấy một bịch quần áo ra đứng bán ở chợ, từ ''cái bịch'' quần áo đứng chợ, giờ đây Đỗ Quân đã có cả nhà máy ở quê nhà thu hút trên l.000 lao động, và có nhiều chi nhánh, đại lý ở Trung Quốc, Đức, Cuba. Cái tổng kho cạnh làng Chopin của Quân thì xe chở hàng vào ra như mắc cửi, còn Tú Anh một mình quản cả 4 câu lạc bộ tennis tại thủ đô...

Nghe giọng Nghệ Tĩnh vọng ra từ một ki-ốt lớn, chúng tôi ghé vào xem hàng và trò chuyện với hai cô bán hàng chừng 20 tuổi, tên Loan và Huệ. Hai cô đi sang đây theo ''lời mời'' của vợ chồng người chị họ và ở lại bán hàng giúp anh chị. Cả hai đều đã hai năm liền hỏng thi đại học, không thích theo nghề nông vất vả đói nghèo của xứ quê ''chó ăn đá gà ăn sỏi'', không thích lấy chồng sớm, nhờ anh chị để tìm một cơ hội ''đổi đời".

Kể ra thì ở quê cũng chưa đến nỗi ''nỏ có chi ăn'' như lời hai cô nói, nhưng cuộc ''đổi đời" cũng vô cùng cực nhọc. Ba giờ sáng đã phải đến kho nhận hàng, rồi bày hàng đến 8 giờ sáng mới xong. Trưa ăn cơm qua quít tại các hàng ăn của người Việt mở ngay trong chợ. Hai giờ dọn hàng vào kho, chiều trở về nhà trọ mệt phờ gió bụi. Mỗi tháng góp được 300 đô, ngỡ như trong mơ, lại gửi về cho bố mẹ trang trải nợ nần, nuôi các em ăn học.

Những cảnh ngộ như Loan, Huệ còn có chỗ dựa ngay từ khi mới đặt chân tới xứ người. Không ít những người Việt trôi dạt từ Nga, từ Tiệp, từ Đức tới đây cũng tìm tới chợ để kiếm kế sinh nhai. Thoạt đầu là đi tìm người đồng hương ở các quầy chợ, sẵn sàng giúp việc rồi thành nơi nương tựa lâu dài, chắt bóp được vốn liếng mới thuê đất mở quầy riêng. Qua một quầy hàng khá lớn, Tú Anh giới thiệu cô gái rất đẹp với chúng tôi. Tiếp xúc với người đẹp nói giọng Hải Phòng rất cởi mở, chúng tôi khó biết rằng, quá khứ của cô bi đát như... nhân vật tiểu thuyết.

Vừa 16 tuổi, cô bị một chàng sở khanh quyến rũ, lấy tiền gia đình đi theo ''tình yêu lý tưởng''. Cô bị chàng sở khanh bỏ rơi khi bụng đã mang bầu, không người thân thích. Lang thang mãi bỗng gặp một người Việt ''tốt bụng'' đưa lên Bộ Xã hội xin tị nạn, rồi đỡ đầu cho sinh con. Cuối cùng là khoản tiền trợ cấp mẹ con lại nuôi được cả gia đình "người tốt bụng'' kia. Hóa ra nuôi nấng, đỡ đầu cũng là một thứ nghề chứ không hẳn chỉ vì lòng tốt. Rồi cô bị ''người đỡ đầu", ép buộc, lại mang bầu một lần nữa. Rốt cuộc là cô đã tìm cách phá thai và mang con lưu bạt đến chợ này. Cô gặp một người đàn ông cũng lang thang như vậy. Hai người lang thang gặp nhau trở thành một gia đình không hôn thú. Tựa lưng vào nhau mà đứng dậy, mà dần dà thành cơ nghiệp nơi xứ người. Bây giờ cái gia đình của cô đã có xe tải cho chồng đi chở hàng, và đứa con cùng đã đến trường học.

Chúng tôi cũng đã gặp một cặp vợ chồng (vợ Việt, chồng Ba Lan) có quầy hàng ở giữa chợ ta. Chị tên là Liên Vũ - Adamowicz, cái tên mang họ chồng. Nhà chồng chị có đủ điều kiện đề mở quầy hàng ở một nơi tốt hơn, nhưng chị không muốn rời khỏi cái chợ quây quần người Việt. Chị nói chị đã học được cách nấu súp của Ba Lan, cách làm pierogi và rán thịt Koflet Schabowy, và được bố mẹ chồng rất quý mến, đến nỗi bà mẹ có lần đã nói với bạn của Liên: ''Tôi không đổi cô ấy để lấy bất cứ một cô gái Ba Lan nào cả''.

Theo Liên kể thì chị có một người bạn gái cũng lấy chồng Ba Lan. Đó là Hà Trần - Aiken. Bạn chị là một người đầy cá tính, thích đưa ra những quyết định táo bạo. Chung sống với người chồng Ba Lan được hai năm thì ly dị. Quan hệ với một người Hoa, rồi lại cưới một anh chồng Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ Hà là một người thành đạt, có biệt thự xinh xắn ở Warszawa và một chiếc ô tô sang trọng, hiện làm chủ một beauty salon có hàng chục nhân viên toàn là người Ba Lan.

Đã quá trưa, chiều chúng tôi, Tú Anh điện về hoãn bữa tiệc đã hẹn ở nhà hàng Quê Hương ngay trung tâm thủ đô để vào quán Long Hạ cuối chợ ăn cơm Việt Nam. Quán Long Hạ không lớn nhưng các món ăn Việt thì nhiều vô kể. Nem rán, lợn quay, lợn luộc, thịt kho tàu, cá rán, cá kho tộ, xu hào, cải bắp, rau sống, dưa chua, cà muối, gà luộc... đều sẵn cả. Bia tây, ruợu tây, ''cuốc lủi" cũng không thiếu.

Khi chúng tôi lên xe rời chợ thì đã 2 giờ chiều. Các quầy hàng đã bắt đầu xếp lại hàng hóa lại trở về kho. Những chiếc ô tô bắt đầu cựa quậy rời khỏi bãi đổ xe quanh chợ. Những người Việt tỏa đi muôn ngả, bằng ô tô, bằng tàu điện, bằng xe bus và có những tốp người tản bộ. Ngày đi chợ của chúng tôi trở về không nặng hàng mà trĩu nặng những vui buồn sẻ chia cùng người Việt tha hương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo