xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sự thật về các bác sĩ đông y Trung Quốc…”giả”?

Theo SGGP

Thời gian gần đây, trong lĩnh vực khám chữa bệnh đã nở rộ loại hình phòng khám đông y có bác sĩ đông y Trung Quốc. Trong lúc dư luận đã có nhiều ý kiến về chất lượng phục vụ kém cũng như các sai phạm về chuyên môn của các phòng khám này thì chúng tôi nhận được thông tin: văn bằng, hồ sơ lý lịch của các bác sĩ đông y Trung Quốc đều là giả. Sự thật của vấn đề như thế nào?

Những chiêu thức “bổn cũ soạn lại”

Chúng tôi đến Phòng khám y học Trung Quốc (24 Nguyễn Bỉnh Khiêm phường Đa Kao quận 1 TPHCM). Với lời khai đau lưng nhức mỏi, sau khi đóng 20.000 đồng chúng tôi được phát một quyển sổ khám bệnh và được chỉ dẫn vào phòng khám. Tại đây bác sĩ Lý Hoa Trang – xin được gọi như họ xưng danh- (chưa có giấy phép hành nghề) sau khi bắt mạch, qua cô phiên dịch, ông Trang phán một câu xanh rờn: “Mạch trầm, thận âm kém. Bệnh này uống thuốc tây y hoặc thuốc đông y khác không thể khỏi. Chỉ điều trị tại đây với những bài thuốc gia truyền được bào chế công phu thì bệnh anh chắc chắn khỏi”. Tuy nhiên cũng theo lời vị “bác sĩ” này, thực sự muốn khỏi thì phải uống đủ liều trình (mỗi liều trình 20 ngày). Ông ta còn cho biết có 3 loại thuốc 200.000 đồng/ngày; loại 150.000 đồng/ngày và loại thấp nhất 120.000 đồng/ngày. Với lý do không mang đủ tiền, tôi chỉ muốn lấy 2 ngày thuốc loại 120.000 đồng/ngày. Như sợ người bệnh không quay trở lại “bác sĩ” thuyết phục: “Ráng lấy thêm 5 ngày đi, mỗi lần chế thuốc vất vả lắm. Chế ít chúng tôi khó làm” (thực chất thuốc họ đã làm sẵn). Thuốc họ bán gồm 3 loại: thuốc thang và thuốc viên con nhộng không nhãn hiệu và vài viên thuốc hoàn. Đem toa thuốc này đi dọ giá ở một vài nơi thì riêng thuốc thang loại tốt cũng chỉ 30.000đồng/ngày.

Qua kiên trì theo dõi chúng tôi phát hiện rằng đa số các bệnh nhân có cùng căn bệnh thì đều được cho một bài thuốc như nhau.

Ngày 15-4, trong vai một bệnh nhân chúng tôi cũng được Phòng khám Khang Dân (1507 đường 3-2 quận 11) đón tiếp bằng bài “bổn cũ soạn lại” giống như những thầy thuốc Phòng khám y học Trung Quốc. Trong nhiều ngày bí mật “bám trụ” trước cửa phòng khám, trực tiếp liên hệ với một số bệnh nhân của 2 phòng khám nói trên, chúng tôi được biết đa phần bệnh nhân chỉ “dại” một lần. Chỉ vài bệnh nhân bị bệnh nan y “hết thầy hết thuốc” nên kiên trì bám theo liều trình nhưng hiệu quả… chẳng đâu vào đâu!

Những nghi vấn đặt ra

Trong khi việc sản xuất thuốc và bào chế thuốc được quản lý rất chặt từ quy trình xin phép đến khâu xét duyệt thì tại các phòng khám có bác sĩ đông y Trung Quốc, họ ngang nhiên tiêu thụ sản phẩm viên nhộng do mình tự bào chế không nhãn hiệu, không kiểm định, không có giấy phép. Theo điều tra riêng của chúng tôi, thuốc con nhộng mà họ gọi là bào chế từ Trung Quốc thực chất là thuốc Tây được tán nhuyễn trộn lẫn với thuốc đông y. Việc tán nhuyễn thuốc được thực hiện bằng một thiết bị “đặc biệt” – máy xay sinh tố. Công đoạn đóng gói của họ cũng được thực hiện bằng “công nghệ” khay mica – được ép theo lối thủ công.  Những viên thuốc tễ mà họ nói rằng được bào chế từ Trung Quốc thực chất mua tại một cửa hàng ở đường Lương Như Học quận 5.

“Động trời” hơn, theo nguồn tin chúng tôi nhận được, tất cả các bác sĩ làm việc ở hai phòng khám này đều sử dụng giấy tờ giả. Tại Trung Quốc, họ chỉ là những thầy lang vườn bắt mạch, kê đơn bình thường, thậm chí có những người vô công rỗi nghề. Văn bằng chứng chỉ giả được hợp thức hóa cùng với lý lịch giả và các giấy tờ giả liên quan - đã được công chứng- qua mặt Bộ Y tế Việt Nam (cụ thể là Vụ Y học cổ truyền) để được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.

Để kiểm chứng, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu được xem lý lịch trích ngang của các bác sĩ đông y Trung Quốc hành nghề tại hai phòng khám, nhưng ông Hoàng Quân Bằng (chủ Phòng khám Y học Trung Quốc) và Lương Hồng Nam (chủ Phòng khám Khang Dân) đều cho biết họ chỉ có một bộ hồ sơ đã gửi Bộ Y tế. Khi chúng tôi đưa yêu cầu được nắm thêm thông tin về các bác sĩ đông y Trung Quốc, ông Phạm Hưng Củng,Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền chối: “Sơ yếu lý lịch của họ thì các ông phải nắm ở UBND các tỉnh thành nơi có phòng khám đăng ký hành nghề”.

Hành trình đi tìm sự thật

Phóng viên đang ghi lại địa chỉ của Bệnh viện Trung y Bắc Lưu - nơi La Chiêu Tiến khai đã từng công tác. Ảnh: T.L.

Sau gần một tháng chuẩn bị các tư liệu và thiết lập các mối quan hệ cần thiết, chúng tôi đã có được trong tay hồ sơ của 4 vị “bác sĩ” La Chiêu Tiến , Lương Hồng Quang (phòng khám Khang Dân) và Lý Phúc Dân, Lý Trung (phòng khám Y học Trung Quốc) cùng một số giấy tờ hết sức quan trọng. Tờ mờ sáng 18-4, từ Hà Nội chúng tôi lên Lạng Sơn để nhập cảnh vào Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị quan, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự thật.

Tại TP Nam Ninh, công việc đầu tiên mà chúng tôi tiến hành là thẩm tra xác minh bằng cấp của những vị bác sĩ. Thật bất ngờ tại Học viện Trung Y quảng Tây (số 179 đường Minh Tú Đông) được sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ phòng giáo vụ chúng tôi được biết trong số học viên tốt nghiệp của trường năm 1992 không có sinh viên nào tên là Lý Trung sinh năm 1969 quê ở TP Bắc Lưu cả. Cũng theo vị cán bộ phòng giáo vụ Học viện Trung Y Quảng Tây, trường cũng chưa bao giờ cấp bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên nào tên là Lương Hồng Quang, sinh ngày 12-11-1966 , quê quán ở TP Bắc Lưu. Đối với 2 “lão tướng” La Chiêu Tiến và Lý Phúc Dân thì chúng tôi có được điều thú vị hơn. Chỉ mới nhìn qua bằng tốt nghiệp (bản photocopy) của La Chiêu Tiến, vị cán bộ phòng giáo vụ “té ngửa” và xác nhận ngay là “đồ dỏm”. Để đảm bảo chắc ăn hơn, vị cán bộ này đã mở sổ bộ và xác định: “Ngày 15-7-1987 trường không cấp bổ sung bằng đại học nào cho sinh viên La Chiêu Tiến sinh ngày 23-7-1933”. Chỉ vài phút sau, trường hợp Lý Phúc Dân (sinh 19-12-1946 quê quán Bắc Lưu) cũng sớm được xác định là trong thời gian từ tháng 9-1962 đến 8-1966 vị này chưa có ngày nào là sinh viên của Học viện Trung Y Quảng Tây!

Sau khi xác định sự thật về bằng cấp, 16 giờ ngày 20-4 chúng tôi rời TP Nam Ninh để đến TP Bắc Lưu, quê hương của Lý Phúc Dân, Lý Trung, La Chiêu Tiến và Lương Hồng Quang. Sau khi vượt 291km chúng tôi đã đặt chân lên Bắc Lưu - một thành phố vùng núi của tỉnh Quảng Tây.

Theo hồ sơ lý lịch của Lý Phúc Dân nộp cho Bộ Y tế mà chúng tôi có được thì ông ta khai: có vợ là Trần Huệ Trân công tác tại Sở Y tế TP Bắc Lưu. Để có vẻ “oai” hơn, ông ta còn khai bà Trần Huệ Trân là chánh văn phòng (thời điểm khai lý lịch là tháng 9-2001). Sáng ngày 22-4, trong vai một người từ Quảng Đông lưu lạc nhiều năm nay muốn tìm cô họ Trần Huệ Trân, chúng tôi đến Sở Y tế thành phố Bắc Lưu (số 009 đường Long Kiều). Tại đây, khi nghe chúng tôi muốn tìm bà Trần Huệ Trân từng là Chánh văn phòng Sở Y tế, người phụ trách văn phòng cho biết: “Vậy là mấy em nhầm rồi, ở văn phòng này không có ai tên này chứ đừng nói người đó từng là chánh văn phòng”. Sau một hồi suy tư chúng tôi đưa giả thuyết hay cô Trân đã nghỉ hưu? Vị phụ trách văn phòng cho biết trong văn phòng sở này từ trước đến nay chỉ có 15 người đã nghỉ hưu. Trong số đó cũng không có ai là Trần Huệ Trân.

Để làm sáng tỏ thêm về Lý Phúc Dân, chúng tôi quay trở lại bệnh viện (BV) Hồng Thập Tự nơi Lý Dân khai đã từng công tác. Tại BV tư nhân này, người ta xác nhận Lý Phúc Dân đã từng có thời gian cộng tác ở đây theo dạng lương y chứ ông ta không phải là bác sĩ!

Chúng tôi đến BV Lăng Thành. Nơi đây theo lý lịch, vị “bác sĩ” Lý Trung khai đã từng công tác từ năm 1992 đến năm 2001. Không những thế, Lý Trung còn tô điểm lý lịch của mình bằng một chi tiết khá “đắt giá”: vợ ông ta - cô Trần Hồng hiện đang công tác tại BV Lăng Thành. Sáng 22 –4, tiếp chúng tôi tại BV Lăng Thành, TP Bắc Lưu (số 0079 đường Đại Hưng).Tại phòng tư vấn BV Lăng Thành, vị bác sĩ trực ở đây quả quyết: cả bệnh viện từ trước đến nay không có ai tên là Lý Trung và hiện nay BV cũng chẳng có nhân viên nào tên là Trần Hồng.

Tại BV Trung y Bắc Lưu (số 0148 Thành Nam - đường số 1) và BV Nhân dân TP Bắc Lưu (số 05 đường Thanh Hồ) nơi mà trong lý lịch ông La Chiêu Tiến và ông Lương Hồng Quang khai đã từng công tác và hiện đang có người thân làm việc tại đây.  Nhưng sau một hồi dò hỏi các bác sỹ và nhân viên bệnh viện về các nhân vật trên thì chúng tôi chỉ nhận được những cái  “lắc đầu”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo