xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng quả phụ

Hoàng Dũng-Thuấn Phong

10 năm trở lại làng chài Tam Hải, con đò qua sông ngày ấy nay vẫn như xưa. Gần 15 năm trở lại đây, đã có gần 100 phụ nữ phải chịu cảnh lẻ bóng, thầm lặng nuôi con khi những người chồng lần lượt ra khơi nhưng chẳng trở về. Con số ấy cứ tăng dần theo thời gian, bởi mỗi năm có 4 đến 5 người đàn ông nằm lại ngoài biển khơi.

Bây giờ, nỗi buồn càng trĩu nặng khi chiếc tàu Qna 1431 cùng 20 thuyền viên ở làng chài này mất tích trong cơn bão số 2 vừa qua, vẫn biệt tăm vô tích. Vậy là làng chài lại “tiếp nhận” thêm 20 góa phụ mới.

Đi biển không về

Xã Tam Hải có trên 1.700 hộ dân, trong đó có trên 90% sống bằng nghề biển. Những người con gái ở đây, ai cũng thầm hiểu rằng “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”, nhưng “vì duyên nên lỡ thương yêu” nên đành phận,  chị Nguyễn Thị Lan, ở làng chài tâm sự như vậy. Theo ông Hoàng Thanh Khuê, cán bộ phụ trách Văn hóa xã xã Tam Hải, đa số những trường hợp chết biển đều không tìm được xác. Những người đàn ông vô phuớc ấy mãi mãi nằm lại ngoài biển khơi trong sự tiếc thương vô ngần của người thân. Những chiếc bình hương lần lượt được đặt lên bàn thờ, nhưng họ vẫn hy vọng và chờ đợi, chờ đợi... đến mỏi mòn. Hơn 12 năm qua, 17 hộ gia đình có người thân bị mất tích trong cơn bão tháng 4-1991. 17 thuyền viên hành nghề câu mực trên chiếc tàu không số, bị sóng nhận chìm, không tìm thấy xác một ai. 3 tháng sau, những chiếc bàn thờ được dựng lên, nhưng người thân của họ vẫn chờ đợi cho đến bây giờ. Chị Mai Thị Dung đã 12 năm chờ đợi đứa con trai Võ Văn Hạnh, mất tích trong trận bão 1991. Thỉnh thoảng lại ra bờ biển nhìn về biển khơi, gào thét kêu tên con. Chị Dung như điên, như dại. Nỗi đau chưa nguôi, giọt nước mắt cuối cùng của chị cũng vắt sạch để khóc thương cho người chồng gặp nạn trên chuyến tàu “định mệnh” Qna 1431. Mấy ngày nay, chị không chị ăn uống gì, sức đã cạn kiệt, chị nằm liệt tại trạm xá của xã.

Khi đến nhà chị Trần Thị Liên, trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút khói hương. Nén nhang một ai đó vừa thắp vẫn chưa tàn. Khuôn mặt hốc hác, khoé mắt chị vẫn còn đỏ hoe. 4 đứa con ngồi thẩn thờ bên từng góc nhà nhìn ảnh cha trên bàn thơ, khóc thầm. Chồng chị, anh Phạm Hội đi câu mực vào năm 2004, rồi bị sóng cuốn trôi mất tích. Đến nay vẫn chưa tìm được xác. Vợ chồng chị bao năm nghèo khổ, thấy người ta đi câu mực trúng lớn, chị bằng lòng cho chồng đi theo may ra đổi đời. Ai ngờ, anh Hội đi luôn. “Biết như vậy tôi không để ông ấy đi đâu. Ai rồi cũng chết, nhưng chết ở nhà còn thấy mặt chồng, còn bây giờ không thấy được nên bắt cứ thương nhớ hoài”, chị Liên tâm sự. Ở làng chài này, từ thôn 1 đến thôn 7, nơi nào cũng có vài người đàn ông chết biển không tìm được xác, và những người phụ nữ mỏi mòn chờ đợi trong tuyệt vọng.

Cả làng chưa một ai tái giá

Khi hỏi về cuộc sống của những người đàn bà xấu số có chồng chết biển bây giờ ra sao, chị Phạm Thị Sen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tam Hải, rưng rưng: “Khổ lắm chú ơi, buôn gánh bán bưng để nuôi con và trả nợ”. Chị Sen cũng nằm trong hoàn cảnh ấy. Chồng chị mất cách đây 3 năm, để lại 3 đứa con, chị thường xuyên đau ốm. Hằng ngày ngoài công việc ở xã, chị phải làm thuê kiếm tiền mua thêm muối mắm. Hoàn cảnh của chị Thương cũng thật oái ăm, chồng chị cũng bị sóng biển cuốn trôi cách đây 2 năm, để lại 3 đứa con nhỏ. Hàng ngày, chị đạp xe dạo khắp nơi mua đồ phế thải, kiếm lời nuôi con. Khi chúng tôi tìm đến nhà chị Thành, vợ của anh Huỳnh Việt (bị sóng cuốn trôi năm 2003), thì nghe tin chị đang làm thuê ở thôn 7 chưa về. Đứa con chưa đầy 2 tuổi, đang gởi nhờ hàng xóm trông coi. Ban ngày chị Thành đi làm thuê, ban đêm phụ giúp cho những người bán quán, mong kiếm tiền trả nợ.

img
Chị Trần Thị Liên đang thắp nhang cho chồng ông Phạm Hội (bị sóng cuốn đầu năm 2004)

Hầu hết những người phụ nữ có chồng chết biển đều phải gánh một khoảng nợ rất lớn từ tiền vay đóng tàu. Đến nay, tàu không còn, chồng cũng vĩnh viễn ra đi. Những người đàn bà ấy, vẫn ở vậy nuôi con đến tận bây giờ. Cả làng chài chưa một ai tái giá, bởi họ hy vọng sẽ một một ngày chồng họ sẽ trở về!. Hơn nữa, ai cũng rất sợ khi phải gặp thêm một người chồng nghề biển. Ông Hoàng Thanh Khuê cho biết, những năm trước các trường hợp chết biển chưa có chính sách hỗ trợ. UBND xã cũng chỉ hỗ trợ một ít gạo để cứu đói tạm thời. Vài năm trở lại đây, mới có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/ trường hợp, nhưng chẳng đủ thấm vào đâu.

Chiếc tàu định mệnh cần lắm sự sẻ chia!

Con tàu định mệnh Qna 1431 cùng 20 thuyền viên đã gặp nạn trong cơn bão số 2 vừa qua. Qua 10 ngày nổ lực tìm kiếm bằng các phương tiện hiện đại, có cả trực thăng nhưng vẫn chưa tìm thấy tung tích gì. Đội tìm kiếm đã trở về đất liền và chờ đợi ngày thông báo chính thức (là 15 ngày, kể từ ngày mất tích). Bây giờ, hàng ngày hàng trăm thân nhân của 20 thuyền viên túm tụm dưới từng gốc cây ở nhà bà Phạm Thị Lâm (vợ của chủ tàu 1431) để ngóng chờ tin tức. Mọi công việc làm lụng đều bỏ bê. Và thật đáng thương biết bao nếu 20 thuyền viên không trở về thì làng chài lại có thêm 20 người đàn bà ngày đêm làm... đá vọng phu! Trong số ấy, ai cũng nghèo khó và nhiều hoàn cảnh thật oái ăm. Chị Nguyễn Thị Nga, vợ của anh Đỗ Văn Tài, có 4 người con, lại có 2 đưá bị bệnh tâm thần, bản thân chị không nghề nghiệp. Còn chị Lương Thị Lan cũng không khác chị Nga là bao, 3 đứa con nhỏ và mẹ chồng cùng ở chung cũng bị bệnh tâm thần... Theo tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 25-6, đích thân Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa sẽ về thăm hỏi 20 gia đình gặp nạn trên chiếu tàu Qna 1431.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo