xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng sida ở Bạc Liêu

Thanh Lam (VietNamNet)

Là một xã nghèo, có tới trên 70% dân số người Khơmer, được hưởng chương trình 135 của Chính phủ nhưng mỗi năm, xã Vĩnh Trạch Đông (thị xã Bạc Liêu) lại có hàng chục người chết vì căn bệnh thế kỷ: sida. Chính vì vậy nên nhiều người vẫn chua chát gọi Vĩnh Trạch Đông là "Làng sida".

Ra đường gặp sida

Từ năm 1996 đến nay, đã nhiều lần xuống xã Vĩnh Trạch Đông viết bài về đề tài phòng chống tệ nạn xã hội nhưng chưa lần nào tôi thấy bàng hoàng bằng lần này khi nghe một quan chức địa phương (tạm gọi là Q) phán một câu "xanh rờn" rằng: ở Vĩnh Trạch Đông bây giờ, hễ ra đường là gặp... sida. Nói xong, hút chưa tàn điếu thuốc, Q chợt ồ lên: Kia kìa, sida đó chứ đâu nữa. Theo hướng tay Q chỉ, tôi thấy một người đàn ông cỡ 40 tuổi, người gầy gò, dáng đi dặt dẹo, trên tay cầm một tập vé số mỏng tang. Đó là T - chồng của cô Trương thị R., ở ấp Giồng Giữa A. R. bị sida, vừa chết cách đây chưa đầy 2 tháng. Thấy tôi ờ ờ, Q hỏi: có gặp rồi à? Tôi gật đầu thay cho câu trả lời.

Hồi cuối tháng 2, khi về đây công tác, tôi đã ghé thăm gia đình R. Lúc đó R đang cùng 2 đứa con nhỏ ăn cơm chiều. Thấy có khách, R bưng chén cơm ra đứng ngay đầu hè nói chuyện. Tuổi 24, nhưng thoạt nhìn, tôi ngỡ R như đã ngoài 40. Cô gầy như không thể gầy hơn, khắp người nổi đầy nốt đỏ. Sinh năm 1980 trong gia đình Khơmer nghèo, ngay từ hồi con gái, R đã theo bạn bè rủ sang Campuchia (CPC) "làm ăn". Chẳng biết kiếm được bao nhiêu tiền nơi đất khách, nhưng khi R trở về, chỉ cần nhìn qua, người ta đã biết cô đang mang trong người căn bệnh thế kỷ.

Không hiểu do không đủ trình độ để nhận biết hay bất chấp mà R vẫn lấy chồng. Bị bệnh nên R chỉ ở nhà còn chồng thì đi bán vé số kiếm cơm qua ngày. Năm 2000, R sinh đôi được 2 đứa con rất kháu khỉnh dễ thương. Nhìn 2 đứa bé với cặp mắt tròn xoe, ngơ ngác, tôi thấy chạnh lòng cho tương lai của chúng. Hôm gặp, R thều thào: em bị bệnh cả năm nay rồi, uống hết thuốc này tới thuốc khác nhưng không khỏi. Khi được hỏi, em có biết mình bị bệnh gì không? R ngắc ngứ: “Chắc bị cảm thôi ”. Tôi tiếp, sao không đi bệnh viện khám? "Không có tiền" - Bà mẹ R nói xen vào.

Không lâu sau đó, tôi nghe tin R đã chết.

Anh chàng bán vé số đi qua chưa được 10 phút, Q lại chỉ cho tôi một phụ nữ cỡ tuổi 40 đang xiêu vẹo trên con đường làng, đầu không nón, chân không dép. Q nói, đó là M, người đã có gần 2 năm tìm kiếm vận may bên kia đất bạn CPC. Đã 3 năm nay, M trở về quê, không nghề nghiệp, suốt ngày chỉ đi dặt dẹo hết đầu làng đến cuối xóm. Không dám đi khám bệnh, chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng nhìn qua, ai cũng biết thời gian sống của M chỉ còn tính được bằng ngày. Ở cái xã nghèo này còn có rất nhiều những trường hợp bị bạo bệnh đang sống vật vờ, không được quản lý. Nhiều bà con ở đây còn nói, hôm nào nhằm ngày lễ của người Khơmer, cứ xuống đây mà xem, người bị bệnh sida đi nhan nhản ngoài đường (vì lúc đó các cô gái đi "làm ăn" xa cũng về quê chơi hội).

Theo sổ quản lý của anh Trương Hiệp, trưởng ấp Giồng Giữa A, thì cả ấp có 238 nhân khẩu nhưng chỉ tính từ năm 2000 đến nay, đã có tới 5 người chết vì căn bệnh nan y. Đó là các trường hợp Thạch thị T, 22 tuổi; Lý thị H.O, 25 tuổi; Trần Thi V, 25 tuổi; Trịnh thị S, 36 tuổi; Lý thị C, 41 tuổi. Trong đó V và O là hai dì cháu ruột. Ngoài ra, trong ấp còn 31 trường hợp đi "làm ăn" ở CPC (đã trở về), có nguy cơ cao bị vướng phải căn bệnh thế kỷ. Ở ấp Biển Đông B, số người đi CPC tuy ít hơn ấp Giồng Giữa, nhưng số người chết vì bệnh sida lại cao hơn. Anh Thạch Viên, phó ấp phụ trách công tác an ninh, không cần giở sổ "nam tào" cũng có thể kể vanh vách tên những người đã chết.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, ấp Biển Đông B đã có 8 người giã từ cuộc sống khi tuổi đời còn rất trẻ (ba người sinh 1979, hai người sinh 1981, một sinh 1983, một sinh 1958 và một sinh 1960). Anh Thạch Viên còn cho biết, trong số hai người vừa trở về, có cô Trần Thị P, sinh năm 1985 cũng đang chuẩn bị lìa đời vì bạo bệnh.

Những đám ma không người đưa tiễn

Khi đề cập tới vấn nạn sida, không ai ở Vĩnh Trạch Đông này lại không nhắc tới Trần Thị Xuân - người trước đây từng được mệnh danh là "hoa hậu" xóm. Sinh năm 1979, trong một gia đình nghèo khổ bữa cháo bữa rau lần hồi qua ngày nhưng Xuân lại được trời phú cho một gương mặt khả ái và một thể hình của người mẫu. Người bạn đi cùng với tôi cũng thú nhận: Cô ấy đẹp lắm anh ạ. Em nhìn mà không dám tin cô ấy bị bệnh sida. Nhưng thật tiếc. Mới chớm tuổi 16, cô đã bỏ sang CPC. Xuân cũng đã từng có 2 đời chồng đều là người cùng xã nhưng không ở được với ai.

Mặc dầu đã gần 11h trưa, trời nắng gay gắt nhưng anh bạn người địa phương cũng nhiệt tình đưa tôi tới nhà ba mẹ ruột của "hoa hậu xóm". Sau hơn nửa giờ hết đi xe máy, rồi đi bộ qua 2 cây cầu khỉ, chúng tôi mới tới được một căn nhà tranh, vách lá tuềnh toàng, chùm hụp đìu hiu nơi mép biển. Mọi người đang đi mò cua, bắt ốc ngoài biển, chỉ có một cậu bé Thôl ở nhà. Năm nay 17 tuổi, nhưng người Thôl quắt lại như cây kẹo, da đỏ cháy, tóc vàng hoe. Thôl kể, cha mẹ đều sinh năm 1956. Nhà có 4 chị em. Xuân là con gái đầu. Ngoại trừ Thôl được học tới lớp 3, còn lại đều mù chữ. Không có bàn thờ, không một nén nhang cho người xấu số. Tôi hỏi Thôl: ảnh chị Xuân đâu? Cậu bé chỉ lên bức vách. Lúc này tôi mới để ý ở đó có hàng chục tấm ảnh màu được dán chi chít vào một tấm bìa rồi phủ lớp ny-lon bên ngoài. Có lẽ khung ảnh tự chế này đã được làm khá lâu nên bụi đất đã phủ đỏ quạch một lớp. Phần lớn là ảnh của Xuân thời đi làm ăn bên CPC.

Cô quả là một cô gái đẹp. Mặt tròn, da trắng, tóc dài, eo thon. Cũng có đôi ba tấm ảnh chụp Xuân trong trang phục cô dâu, khoác vai người chồng trong ngày cưới. Nhìn ảnh không ai ngờ rằng đây chính là thời kỳ bệnh của Xuân đang bước vào giai đoạn trầm trọng nhất. Đảo mắt nhìn căn nhà tranh, nền đất rộng chưa tới 15m2, tôi hỏi: Trước kia, Xuân sống ở đâu? Thôl chỉ một nền đất trống huơ, trống hoác nói gọn lỏn: "Ở đó. Chết cũng ở đó".

Sau khi lấy chồng (là một nhà sư xuất giá), Xuân được ba mẹ dựng cho một căn chòi cỡ 10m2, vừa đủ kê một chiếc giường làm nơi trú ngụ. Trước khi Xuân chết, người chồng đã bỏ đi, "túp lều lý tưởng" cũng sụm theo. Lúc nãy, trước khi vào đây, chúng tôi cũng đã đi ngang, nhưng cứ nghĩ đó là cái chòi canh vịt vừa mới bị đổ. Không biết suốt bao nhiêu năm trời bên xứ người, Xuân làm được cái gì, chỉ biết từ khi trở về nơi xóm nghèo Biển Đông B, Xuân đã kịp lận theo người căn bệnh sida. Trước khi lìa đời, Xuân cũng đã sinh hạ được một cháu gái. Nhưng hài nhi tội nghiệp đó vì bị nhiễm bệnh từ trong bụng mẹ nên cũng chỉ tồn tại trên dương thế vẻn vẹn có 4 tháng.

Sống không một ngày thảnh thơi, cái chết của "hoa hậu" xóm còn thương tâm hơn nhiều. Khi biết Xuân đang bị bệnh ở giai đoạn cuối, người chồng đã bỏ đi. Gia đình, người thân cũng không ai ngó ngàng. Thôl kể, hôm đưa xác Xuân vào thiêu trong chùa, số người đưa tiễn đếm không quá 10 ngón tay. Trao đổi về vấn đề này, anh Thạch Viên ái ngại nói: Không chỉ Xuân mà phần lớn những người chết vì sida đều gặp tình cảnh tương tự như vậy. Ai cũng sợ, cũng lánh xa căn bệnh quái ác này. Trước kia, mỗi khi có người chết vì sida, người ta còn tới đưa tiễn, phần vì thương cảm, phần vì tò mò. Sau này, số người chết vì sida nhiều quá, mọi người đâm ra dửng dưng, xem như là "chuyện thường ngày ở xã".

Như năm ngoái, khi cô Lâm Thị S, sinh 1981 chết, gia đình còn không cho để trong nhà. Khi hay tin, anh Thạch Viên tới thì cái xác teo tóp, lép kẹp của cô gái 22 tuổi chỉ được phủ một manh chiếu cũ, đặt bên vệ đường. Gần đây nhất là cái chết của Trương Thị R và Trần Thị V, 23 tuổi. Nhà hai người này ở cách nhau chỉ vài chục mét. Hơn kém nhau một tuổi, cùng đi làm ăn ở CPC và chết cũng chỉ cách nhau một tháng. May nhà chùa gần đó thương cảm, xác các cô mới được hoả thiêu. Không một tiếng khóc than, không người đưa tiễn và không cả một vành khăn tang...

Nguy cơ rình rập

Trên thực tế, phần lớn nạn nhân của căn bệnh thế kỷ này tập trung ở vùng đô thị, nơi buôn bán sầm uất hoặc khu vực có cửa khẩu, bến cảng nên ít ai lại có thể tin rằng một xã nghèo đặc biệt khó khăn (được hưởng chương trình 135), có tới 70% đồng bào dân tộc Khơmer như Vĩnh Trạch Đông lại là "cái rốn" của căn bệnh thế kỷ. Nhìn danh sách số người sang CPC "làm ăn", số người có nguy cơ nhiễm bệnh, số nạn nhân đã chết ở 6 ấp trong xã, chúng ta không thể không rùng mình.

Ngoài danh sách của ấp Giồng Giữa A, ấp Biển Đông B (như đã nói phần trên), 4 ấp còn lại đều có người đã chết và chuẩn bị chết vì sida. Theo thống kê, ấp Biển Tây A có 6 người từ CPC trở về thì Huỳnh Thu L, sinh 1987, có chị ruột chết vì sida ở CPC. Sơl Thị S.K có chị đang ở CPC. Bốn người còn lại nguy cơ mắc bệnh rất cao. Trước đó, cô Sơn Thị P, sinh 1979 và Quách Thị S, sinh 1983 cũng đã chết vì sida. Ấp BiểnTây B có 10 người, trong đó có 2 người nguy cơ mắc bệnh. Ấp Giồng Giữa B có 13 người, thì có 3 người đã mắc bệnh.

Chỉ tính riêng từ năm 2002 đến nay, ấp này đã có 5 người (2 cô sinh 1975, 2 cô sinh 1978 và 1 cô sinh 1979) chết vì sida. Ấp Biển Đông A, có 15 người thì cũng có tới 5 người đã phát bệnh. Theo lời một cán bộ y tế xã thì đó chỉ là số ít, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Vị cán bộ này đưa ra một phép so sánh rất đơn giản nhưng vô cùng thuyết phục: Năm 2003, xã Vĩnh Trạch Đông có 11 trường hợp chết vì sida. Sáu tháng đầu năm 2004, toàn xã cũng đã có tới 7 người chết vì căn bệnh thế kỷ. Do vậy con số vài chục người đã mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh theo thống kê của xã là thiếu chuẩn xác.

Theo anh, nguyên nhân của sự chênh lệch đó là do xã không quản lý được số người đi "làm ăn" bên CPC. Anh Trần Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “số người bỏ sang CPC nhiều nhất tập trung vào các năm từ 1990 đến 1995. Năm 1996 ít hơn, “chỉ có” 236 người. Năm 2003, con số này là 48, trong đó có 25 nữ”.

Như vậy, chỉ tính riêng từ năm 1990 đến năm 1996, số người bỏ đi CPC đã trên dưới 1.000 người. Đây mới chỉ là số người có khai báo tạm vắng, số đi chui còn lớn hơn nhiều. Không phải ai từ bên đó trở về đều nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ mắc bệnh của những người này là rất cao. Một thực tế nữa là đa số những người từ CPC trở về, phần vì sợ dư luận, phần sợ phải đối diện với thần chết nên họ không dám đi bệnh viện hoặc nhờ cơ quan chuyên môn tư vấn. Có nhiều trường hợp chỉ về quê vài tháng là chết.

Thế nhưng không ai, không gia đình nào công nhận con mình bị chết vì sida. Và cũng chính vì vậy nên việc người bị bệnh sida lấy chồng, sinh con không phải là ít. Ngoài Trần Thị Xuân, Trương thị R, còn có các cô như Trần Thị Bích H, ở ấp Biển Đông B. Cô này mới 16 tuổi đã mắc bệnh sida. Sau khi đứa con trai là King (dân làng vẫn hay gọi là King sida) bị chết vì bệnh, H lại tiếp tục bỏ đi CPC. Cô Lâm Thị H, bị bệnh, nhưng cũng lấy chồng và đẻ được một đứa con trai. Tháng 9/ 2003, cháu bé này chết thì chỉ vài tháng sau, Lâm Thị H lại có bầu đứa tiếp theo.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Tại sao không quản lý được số người đi CPC? Một quan chức địa phương thú thật: Đất ở đây rất rộng, có thể nuôi trồng thuỷ sản, trồng màu hoặc sản xuất nông nghiệp, tuy còn hơn 14% số hộ nghèo, nhưng những năm gần đây, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên chỉ cần chịu khó một tý thì không bao giờ sợ đói. Thế nhưng do lười lao động nên phần lớn phụ nữ đến tuổi trưởng thành đều tìm cách “xuất ngoại”. Nếu không lấy được chồng Đài Loan thì họ sẽ bỏ sang CPC. Phần lớn họ đi là do tự nguyện, không bị ai lừa gạt, thúc ép.

Mọi người đều “triết lý” theo kiểu: Trời kêu ai nấy dạ. Đi chưa chắc đã bị bệnh, bị bệnh cũng phải 10 năm mới chết. Nhưng tiền thì có để xài ngay. Riêng với số người bị bệnh trở về, xã chỉ động viên đi khám bệnh chứ chưa có biện pháp bắt buộc. Theo thiển ý của người viết, chính vì chưa có biện pháp hữu hiệu nên mới xảy ra tình trạng “ra đường gặp sida” như hiện nay.

Để ngăn chặn hiện tượng này, từ năm 1995, chính quyền địa phương các cấp, công an, bộ đội biên phòng cũng đã nhiều lần theo dõi, điều tra, bắt một số đường dây chuyên tổ chức đưa đón người vượt biên giới sang CPC. Nhiều kẻ chủ mưu như Thạch Thị Thân, Huỳnh Thị Sét, Huỳnh Thị Cua, Sơn thị Lài, Sơn Thị Thụ, Lý Thị Long... đã bị bắt, bị xử tù. Và số người bị chết vì sida mỗi ngày mỗi nhiều, thế nhưng cũng chỉ vì đồng tiền, vì nhận thức quá hạn chế nên nhiều người vẫn bỏ sang CPC như một con thiêu thân. Không chỉ đi tự nguyện mà nhiều ông bố, bà mẹ còn đồng ý, thậm chí động viên con đi CPC với hy vọng đổi đời.

Và cũng bởi lý do này nên tại địa phương, hàng chục gia đình có 2 hoặc 3 người thân cùng đi CPC. Nhiều gia đình có cả 2 đứa con gái cùng bị bệnh và chết vì sida. Trong số 31 người bị sida ở ấp Giồng Giữa A, có tới 6 cặp là chị em ruột. Có gia đình, cả 3 chị em gái cùng đi sang CPC “làm ăn”. Cứ chị đi trước rồi dắt díu em theo sau. Có người đã trở về, mang theo căn bệnh quái ác sau đôi ba năm nỗ lực "xóa đói giảm nghèo", nhưng cũng người chưa hoặc không dám về vì biết mình đang bị "thần chết" hỏi thăm.

Nỗi lo sida “ngoại nhập” chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, thì nguồn sida tại chỗ lại đang có nguy cơ bùng nổ. Đã nhiều năm nay, nơi giáp ranh giữa xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành, có rất nhiều quán cà phê vườn biến tướng nổi lên. Theo nhận định của cơ quan chức năng thì có tới 1/3 số quán ở vùng giáp ranh này thường xuyên có em út. Các quán còn lại, phải chờ trời tối mới có gái "dạt" đi xe ôm từ thị xã vào.

Vì là gái “dạt” nên giá cả cũng rất “bèo”. Có thể giao động từ 10 đến 30 ngàn/lần. Thời điểm hoạt động “ì xèo” nhất là từ 20h tới 24h mỗi ngày. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là phần lớn gái hoạt động ở đây đều đã có “thâm niên” làm ăn ở bên CPC. Chính quyền địa phương, công an cũng đã nhiều lần tổ chức truy quét nhưng vì là vùng giáp ranh nên cũng rất khó ngăn chặn có hiệu quả. Sau mỗi đợt ra quân, chỉ im ắng được năm, mười ngày rồi đâu lại vào đấy.

Rời “làng sida” mà lòng tôi cứ nặng trịch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo