xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một vòng qua các quán kem ở Sài Gòn

Minh Phượng (DNSG)

Hiện nay, kem đã trở thành một trong những thực phẩm thời thượng. Không chỉ đa dạng về chủng loại, kem còn xuất hiện ở thực đơn hầu hết các nhà hàng, khách sạn lớn; nhiều quán kem có phong cách độc đáo, nhiều loại có hương vị riêng

Giản dị Bố Già

Ở TPHCM, nhắc đến một quán kem, nhiều người nghĩ ngay đến cái tên “Bố Già" - quán kem được xem là xưa nhất, với gần 30 năm tồn tại. Nghe tên quán lần đầu tiên, hẳn nhiều người liên tưởng đến một quán ''dữ dằn" như quán nhậu chẳng hạn, chứ không chỉ là một quán kem. Thực ra, cái tên "Bố Già'' đầu tiên chỉ là cách gọi tình cảm mà thực khách dành cho ông Việt, chủ quán kem, có bộ râu dài, thích mặc đồ bà ba trắng. Trông ông khá cương nghị, giản dị với thú vui tao nhã "thích sưu tầm sách”. Quán kem chính thức mang tên Bố Già (và đã được đăng ký thương hiệu) vào năm 1994, sau khi ''Bố Già” mất - như một kỷ niệm của những người thân dành cho ông. Những cây kem đầu tiên ở Bố Già là loại kem đá cứng hay kem chuối dành bán cho học trò. Nhưng sau thấy khách đến ngày càng đông, kem Bố Già dần thay đổi, từ việc sáng tạo - pha chế nhiều loại kem mới đến cách phục vụ độc đáo. Giờ đây, kem Bố Già không chỉ quen thuộc với thực khách TPHCM mà còn cả với du khách nước ngoài. Không gian hẹp, ánh sáng vàng đục mờ mờ chỉ đủ soi rõ tên của những cuốn sách xếp trật tự, san sát nhau trên hai bức vách nhưng đây chính là điểm độc đáo, gây ấn tượng nhất với thực khách. Đến quán, khách không chỉ được thưởng thức những ly kem tươi mát (giá từ 17.000 đồng đến 26.000 đồng) mà còn có thể tìm đọc những cuốn sách hay, cổ xưa từ mấy mươi năm trước với đủ các thể loại: nghiên cứu, văn học, địa lý... và đặc biệt nhiều nhất là sách Anh Ngữ, Pháp ngữ. Bố Già đã trở thành một trong những điểm dừng chân của du khách phương Tây tại TPHCM.

Sôi nổi Bạch Đằng

Xuất hiện sau kem Bố Già, nhưng quán kem Bạch Đằng cũng đã có hơn 20 năm tuổi. Nếu như không gian kem Bố Già có vẻ tĩnh lặng, bình dị thì kem Bạch Đằng lại thể hiện chất sôi nổi, phù hợp với những thực khách trẻ tuổi ưa không khí sôi động. Được sản xuất mỗi ngày, kem tươi Bạch Đằng thiên về các loại trái cây có vị ngọt, ít chua và dùng hương tự nhiên là chính...

Lãng mạn Goody

Nếu muốn thưởng thức hương vị kem Ý, bạn có thể ghé quán kem Goody nằm trên đường Hai Bà Trưng. Khai trương từ năm 1992, kem ở đây được chế biến phần nhiều từ các loại nguyên liệu, hoa quả trong nước nhưng bằng công nghệ hiện đại của Ý. Không gian của Goody được chăm chút khá tỉ mỉ, từ màu sắc của những bức tranh treo tường ngộ nghĩnh đến những chậu cây tạo khoảng xanh mát mắt trong gian phòng, có cả không gian chung và riêng, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái cho thực khách. Thật lý thú khi vừa dùng kem vừa chuyện trò thân mật với bạn bè trong không gian êm dịu như thế.

...Và những cái tên ngộ nghĩnh của Fanny

Nếu bạn là người thích khám phá hương vị kem khác nhau của nhiều nước, sẽ là thiếu sót nếu bạn chưa ghé Fanny. Năm 1994, Fanny xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội; đến năm 1999 có mặt ở TPHCM. Ông chủ Jean Marc Bruno là một người Pháp, từng học làm kem tại Trường Le Notre - nơi đào tạo uy tín hàng đầu về sản xuất kem và bánh kem ở Pháp. Trong một lần sang Việt Nam, ông cảm thấy yêu quý đất nước này và bỗng nảy ra ý định thành lập hãng sản xuất kem tại Việt Nam. Trước khi bắt tay xây dựng hãng sản xuất kem nhãn hiệu Fanny tại Hà Nội, ông đã mất một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu gu kem của người Việt, để sau đó trình làng một phong cách kem Pháp trên đất Việt, theo khẩu vị của người việt. Giờ đây, Fanny đã có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM. Dự kiến trong năm 2004, Fanny lại mở thêm hai quán nữa tại Mũi Né (Bình Thuận) và Cần Thơ, những địa danh đang thu hút đông khách du lịch.

Tại TPHCM, kem Fanny nằm trên đường Tôn Thất Thiệp với không gian khá rộng, trước kia là ngôi chùa của người Ấn giáo. Những chiếc cột to được xây dựng theo lối cổ, những chiếc bàn màu đen tuyền, vài bức họa trường phái trừu tượng... tất cả góp phần tạo nên phong cách riêng cho Fanny. Đặc biệt, trong khi chờ được phục vụ kem, khách có thể xem miễn phí báo đặt tại góc quán. Bên cạnh báo, Fanny còn có một tủ sách thông tin khá hay dành cho du khách. Đây là một dịch vụ miễn phí của Lãnh sự quán Pháp nhằm tạo điều kiện cho du khách, nhất là người Pháp ở Việt Nam. Ở Fanny, tên kem được đặt dựa theo hình dáng mô phỏng, như: xích lô, con thuyền, xe tăng, kem trong quả chanh dây... và nhiều tên gọi ngộ nghĩnh khác cùng với cách trang trí ly kem ấn tượng như một tác phẩm nghệ thuật mà không nơi nào có được. Đặc biệt, kem Fanny được làm từ hoa quả thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng hương liệu nhân tạo, với hơn 30 mùi kem khác nhau, trong đó có những loại mang đậm nét độc đáo của Fanny như: kem lá quế, kem tía tô, kem gừng, kem phúc bồn tử... Giá kem thấp nhất là 6.000 đồng, cao nhất là 49.000 đồng.


Địa chỉ tham khảo:

- Quán kem Mỹ 29 Hồng Hà, Tân Bình. ĐT: 8447335.

- Quán kem Nell 31 Đông Du, Q.l. ĐT: 8232414.

- Quán kem Goody: 133 Hai Bà Trưng. Q.1. ĐT: 8299339.

- Quán kem Monte Rosa: 3C đường 3 Tháng 2, Q.10. ĐT: 9290090.

- Quán kem Bạch Đằng: 28 Lê Lợi, Q.l. ĐT: 8292707.

- Quán kem Bố Già: 20 Hồ Huấn Nghiệp, Q.l. ĐT: 8244388.

- Quán kem Họa Mi: 417 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. ĐT: 8356705.

- Quán kem Pháp Fanny: 29 - 31 Tôn Thất Thiệp, Q.1. ĐT: 8211630.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo