xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người gọi được chim trời

Bài ảnh: Hoàng Dung

Cách đây 20 năm, đến xã Lộc Điền - huyện Phú Lộc - tỉnh Thừa Thiên - Huế, hỏi Cảm “lâm tặc”, một tay phá rừng cự phách ai cũng biết. Còn bây giờ, về Vườn quốc gia Bạch Mã tìm “người gọi được chim trời”, người ta sẽ chỉ ngay nhà anh kiểm lâm Trương Cảm.

TỪ LÂM TẶC THÀNH... KIỂM LÂM

Thời thơ ấu của cậu Cảm “chim” (cái tên bạn bè thường gọi) gắn với núi rừng, theo cha lên rừng đón củi, săn bắn. Vì hoàn cảnh gia đình, lên lớp 12 nghỉ học. Từ đó, ngày nào Cảm cũng vào rừng đặt bẫy, săn bắn chim muông. Hang cùng ngõ ngách trong rừng sâu, nơi nào cũng có dấu chân anh Cảm đi qua cài đặt bẫy chim, thú rừng. Cảm trở thành một lâm tặc đáng gườm tại khu rừng Bạch Mã.

Năm 1988, được biết Trương Cảm là người thông thạo địa hình ở khu vườn cấm Bạch Mã và còn có tài huýt sáo, gọi chim, ông Huỳnh Văn Kéo, nguyên trưởng ban vườn cấm Bạch Mã (nay là giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã) tìm đến tận nhà mời Trương Cảm làm kiểm lâm bảo vệ khu rừng này. Theo ông Kéo, đây là cách “lấy độc trị độc”, nhằm tạo điều kiện cho Cảm “cải tà quy chính”, trở lại làm người bảo vệ rừng, đồng thời giúp anh phát huy tài gọi chim của mình. Từ khi trở thành kiểm lâm, anh Cảm đã thuần hoá nhiều lâm tặc trở lại bảo vệ rừng. Anh bảo: “Tôi đã từng là một lâm tặc nên thấu hiểu hoàn cảnh của những người phá rừng. Họ đều nghèo khó, nếu chịu khó thuyết phục họ sẽ nghe”. Nhờ vậy, rừng Bạch mã được bình yên. Những người thân của anh đều cam kết bảo vệ rừng. Ngày ngày sống với núi rừng, anh chăm chú lắng nghe những tiếng kêu của các loài chim, rồi bắt chước huýt theo. Dần dần tiếng húyt của anh trở nên quên thuộc với các loài chim nơi khu rừng hoang vắng này. Sau mỗi tiếng huýt của anh, tiếng chim đồng loạt cất lên đáp lại.

“LUẬN VĂN TRĨ SAO” ĐẠT ĐIỂM 10/10

Để hiểu thêm về đặc điểm sinh thái của rừng và các loài chim, anh Cảm xin đi học khoá lâm nghiệp tại chức của trường Đại học Nông lâm Huế. Đề tài làm luận văn tốt nghiệp của anh là: “Sự phân bố và phát triển loài Trĩ Sao ở Vườn quốc Gia Bạch Mã”. Theo anh Cảm, sở dĩ anh chọn đề tài này, bởi loài Trĩ Sao đang có nguy cơ tuyệt chủng, hơn nữa bao nhiêu năm sống ở rừng anh hiểu khá rõ về đặc điểm của loài này. Theo nhận xét của tiến sĩ Trần Mạnh Đạt, thầy giáo hướng dẫn luận văn của anh: “Cảm là người hiểu biết về động vật và chim muông, rất thực tế chứ không như những học viên khác”. Nhờ vậy, luận văn tốt nghiệp được hội đồng cho điểm tối đa 10/10.

Tháng 6-1996, anh theo học khoá tập huấn 18 ngày ở Vườn quốc gia miền Bắc nước Pháp, về cách thức thu hút động vật hoang dã đến với con người. Một buổi chiều, anh Cảm cùng một số đồng nghiệp tham quan vườn quốc gia, anh huýt gió gọi chim, một con quạ bay lại đậu trên vai anh, trước sự chứng kiến ngỡ ngàng của các bạn đồng nghiệp. Lúc ấy, ông Didier, Giám đốc vườn quốc gia này thốt lên: “ Tuyệt quá, lần đầu tôi chứng kiến cảnh này”. Theo anh Cảm, có thể đó là sự trùng hợp tình cờ. Vì tiếng huýt của anh thể hiện sự cô đơn lẻ loi muốn tìm bạn nơi đất khách. Khi ấy, có lẽ con quạ cũng đang buồn và bắt gặp tiếng huýt của anh nên nó bay về làm bạn?!

BẠN CỦA CHIM MUÔNG

Khi trở về nước, anh Cảm luôn suy nghĩ: “Chim ở trời tây ta gọi được, chẳng lẽ chim ở trời ta gọi không được”. Từ đó, ngày nào anh cũng tập luyện và tìm hiểu thêm đặc điểm tiếng kêu của từng loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã. Theo anh, buổi sáng chim khướu thường hót làm duyên, tiếng kêu nhẹ nhàng: “hò huýt, hò huýt, hò huýt...” để gọi bạn tình đến. Đối với loài Trĩ Sao, cư trú ở độ cao từ 400 dến 900m (so với mặt nước biển), nơi rừng đặc chủng. Mùa tháng 3 là mùa động dục và chúng tách đàn ra sống riêng lẽ. Mỗi con Trĩ Sao đều dọn bãi để gọi bạn tình. Theo nhận xét của anh Cảm, Trĩ Sao là loài chim đa thê, bởi lúc nhỏ anh đặt bẫy thường dính 3 trống 1 mái, 1 mái 2 trống là chuyện thường. Loài chim này rất nhạy cảm với tiếng động, chỉ cần cầm thanh gỗ gõ vào những cây có bọng, khi phát ra âm thanh con Trĩ Sao sẽ trả lời ngay. Hoạ Mi Đất thường sống từng đàn. Con trưởng đàn bao giờ cũng ở trên ngọn cây cao nhất để quan sát, bảo vệ. Nó thường huýt một tràng dài. Loài chim này rất hăng, chỉ cần huýt khiêu chiến là chúng bay về. Mỗi tiếng hót của loài chim, thể hiện một tâm trạng khác nhau. Có khi là tiếng hót gọi bầy, tiếng kêu đau khổ, ghen tuông, gặp nạn... Theo anh Cảm, trong các loại chim, Chèo Bẻo là loài chim quân tử nhất, sống ân tình, chung thuỷ không chỉ với loài chim mà đối với con người cũng vậy. Khi đem nó về nuôi, đến khi trưởng thành nó không bao giờ bỏ chủ mà đi.

Bây giờ, trong số 320 loài chim nơi vườn khu rừng này, Trương Cảm đã gọi đuợc hầu hết các loài chim bay về, để làm thoả mãn nhu cầu du khách. Cách đây không lâu, trong một lần nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cùng 8 cô ca sĩ về thăm quan Vườn quốc gia Bạch Mã. Trong buổi chiều sinh hoạt, anh Trương Cảm cũng góp vui bằng tiếng huýt gió gọi chim. Tiếng húyt gió vừa tắt, các loài chim đã đáp trả rộn ràng cả khu rừng. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thốt lên: “Không ngờ có người hiểu được ngôn ngữ của các loài chim”. Không chỉ gọi được chim về mà khi nghe tiếng kêu của chim, anh cũng biết được trời nắng hay mưa. Khi tiếng chim CuRốc kêu rầm rộ, thời gian sắp tới trời nắng nóng. Nhưng nếu anh Cảm huýt mà CuRốc không trả lời, ngày mai trời sẽ có mưa to.

ĐIỀU TRĂN TRỞ...

Theo anh Trương Cảm, Vườn quốc gia Bạch Mã có tiềm năng rất lớn để thu hút du khách. Tuy nhiên, nhiều năm qua du khách đến với Bạch Mã ngày một ít dần. Nhiều du khách đến một lần rồi đi biệt tăm. Một trong những nguyên nhân là do đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu, chưa am hiểu giá trị của khu rừng cũng như ý nghĩa của từng loại động thực vật. Trong khi đó, điều quan tâm của du khách dến tham quan Bạch Mã là tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên nơi đây như thế nào. “Bất cứ làm việc gì cũng phải tâm huyết với nghề. Đi du lịch sinh thái cả một đoàn người, cần phải đi vào thực tế chứ đằng này người ta cầm cái loa rồi chỉ tay giới thiệu, làm sao du khách hài lòng”, anh Cảm nói. Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, cũng trăn trở về vấn đề này: “Giá như có được 4 người như anh Cảm để gọi chim, hướng dẫn du khách ở khu vườn này, có lẽ du khách sẽ tới ngày một nhiều hơn”. Bất kể đoàn du khách nào đến thăm Bạch Mã cũng tìm đến nhờ anh Cảm hướng dẫn và gọi chim về. Các đoàn du khách được anh hướng dẫn, bao giờ cũng gửi thư cảm ơn đến anh. “Đó là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”, anh Cảm tâm sự. Chia tay anh trong một buổi chiều sương mờ dày đặc băng qua những ngọn đồi Bạch Mã, tiếng huýt gọi chim của anh vẫn vang vọng cả khu rừng, tiếng chim thánh thót như một dàn hợp xướng đáp lại. Đứa con trai 4 tuổi được anh dẫn theo cũng tập tành huýt theo tiếng của anh để gọi chim trời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo