xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những bông cúc quỳ

A.B.M

Mỗi gia đình vào Lâm Hà dạo ấy được cấp một căn nhà gỗ, năm sào đất và 6 tháng gạo, tiền. Chiều chiều, tiếng bìm bịp kêu nao lòng; trẻ con ngẩn ngơ, lẻ loi bên lối mòn cửa rừng… Bây giờ ở đó là phố núi nhộn nhịp và những đứa trẻ xưa đã thành "thế hệ" thứ hai ở Nam Ban, làm chủ cơ ngơi, gia đình và nắm quyền quản lý thị trấn.

Gặp Phan Công Lũy, Phó Chủ tịch thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), tôi đặt liền ba câu hỏi: Ở đây có người Hà Nội đi kinh tế mới, bây giờ làm ăn khá giả không? Thị trấn có nhà trọ, có xe ôm chạy ra bến xe Liên Khương không? Và, ông có phải người Hà Nội không? Lũy lần lượt trả lời: Hầu như tất cả những người Hà Nội trụ lại đây đều làm ăn khá giả. Thị trấn có khách sạn đàng hoàng, nhưng cần gì phải khách sạn, đêm nay anh cứ về nhà em nghỉ. Còn xe ra Liên Khương thì vô tư đi, sẽ có xe tốc hành máy lạnh chạy suốt Sài Gòn đón anh tại nhà. Cuối cùng, với câu hỏi thứ ba, Lũy hóm hỉnh: "Báo cáo anh, vợ em mới là người Hà Nội; cô ấy ở Đông Anh… Em chỉ là con dê của Hà Nội thôi". Chúng tôi cười vang. Thế là tôi quyết định nán lại qua đêm ở Nam Ban.

Cái thuở ban đầu…

Huyện Lâm Hà - cái tên được ghép từ chữ đầu của hai tỉnh Lâm Đồng, Hà Nội - vốn là một phần đất của huyện Đức Trọng được thành lập năm 1988 để đánh dấu một sự kiện: Vùng kinh tế mới của Hà Nội được "bàn giao" hẳn về tỉnh Lâm Đồng. Người Hà Nội ở Lâm Hà cụm lại trong thị trấn Nam Ban và ba xã: Gia Lâm, Mê Linh và Đông Thanh (huyện Đông Anh - Thanh Trì). Tóm lại, dân kinh tế Hà Nội trước kia sống ở huyện nào, vào đây đặt tên nấy; chỉ khác một điều là đơn vị hành chính thì… xuống một cấp. Tất nhiên, cũng phải kể thêm các xã Tân Thanh, Tân Hà gồm những người ở huyện Ba vì, Thạch Thất, Bất Bạt, vốn trước đây cũng là các huyện ngoại thành của Hà Nội đi kinh tế mới Lâm Đồng, sau này nhập về lại tỉnh Hà Tây. Ở Lâm Hà, người Hà Nội sống tại thị trấn Nam Ban là đông nhất: 15.000 người (3.500 hộ). Thị trấn được chia ra các khu Đông Anh, Đống Đa, Từ Liêm, Ba Đình. Phó chủ tịch Lũy quả là người biết tiếp nhà báo. Anh kết thúc rất nhanh phần mào đầu:

- Sơ sơ vài nét của khu kinh tế mới Hà Nội ở đây chỉ có vậy. Không biết anh cần nắm những gì, bọn em "khoán" cho anh cậu Cung. Cung sẽ chở anh đi các nơi. Báo cáo anh, đây mới đích thị là người Hà Nội.

Đào Văn Cung là "thế hệ thứ hai" ở Nam Ban. Bố mẹ Cung, vào đây lúc anh mới 14 tuổi. Hiện Cung là trưởng ban chính sách của thị trấn, bí thư chi bộ khu phố Đông Anh. Ngay khi tôi vừa "chỉnh đốn trang bị", ngồi vững trãi lên yên xe, Cung đã vào chuyện. Chuyện của anh rất có văn: Dạo đó, mỗi gia đình vào đây được Hà Nội cấp một căn nhà gỗ, năm sào đất và 6 tháng gạo, tiền. Đây, chỗ anh với em đang đi đây, ngày xưa là cửa rừng. Cứ chiều chiều, khi tiếng bìm bịp kêu là trẻ con lại tụ họp ở đây, nghịch đất chờ bố mẹ đi phát rẫy. Nhưng cũng chính bọn trẻ lại là người nhanh chóng thích nghi với đất rừng. Mùa mưa trăn, rắn bò cả vào nhà. Con rắn độc, chúng bỏ chạy, con trăn nhỏ, hiền lành, lập tức chúng hè nhau đuổi bắt… Thì em chứ ai; chính em là những thằng trẻ con vầy đất hồi đó… Bây giờ thì anh thấy đấy: Phố núi sầm uất; trên đồi kia là ngôi trường trung học phổ thông theo chuẩn quốc gia…

Rồi câu chuyện của Cung xoay quanh tình cảnh của một thời chưa xa: Có những gia đình quyết chí xây dựng cuộc đời mới; lúc ra đi, trống dong cờ mở, nhưng chịu cực không nổi, chỉ sáu tháng sau, hết gạo, hết tiền bao cấp, đành bồng bế nhau lủi thủi quay về bản quán. Lại cũng có không ít người nghĩ về Nam Ban như một vùng đất hứa, rồi vỡ mộng, đành kéo đi nơi khác làm ăn. Song, chẳng riêng gì hộ cá thể. Ngay đến lâm trường, nông trường, người đông, tiền vốn bao cấp, có chính sách ưu đãi từ việc tổ chức, đào tạo, đến tiêu thụ sản phẩm… mà khi chuyển đổi phương thức làm ăn, nhập vào kinh tế thị trường cũng lần lượt giải tán…

Bây giờ thì hầu như những người "thế hệ thứ nhất" của Nam Ban đều đã có cơ ngơi ổn định, con cái học hành đàng hoàng. "Lá rụng về cội", một vài cặp bố mẹ đang tính chuyện bàn giao lại cho con cháu để trở về quê dưỡng già. Một số khác thì lại đang hướng đến một cung cách làm ăn mới, bài bản hơn. Riêng gia đình ông Hoàng Hùng Nhất là dạng đặc biệt, hai vợ chồng, mỗi người một phe. Tiếp chúng tôi trong một ngôi biệt thự nhà vườn sang trọng, có cây khế trĩu quả được trồng từ hồi nhận đất, bà vợ ông Nhất kể với khách, nhưng là cũng để nói với hai cô con gái lớn về thăm mẹ cùng nghe:

- Chúng tôi hết nghĩa vụ rồi. Ba anh chị đã học hành đầy đủ, dựng vợ gả chồng đâu đấy. Chỉ còn thằng út đang học đại học luật năm thứ tư ở Sài Gòn, mai mốt về làm tư pháp huyện. Nhà 200 mét vuông, cà phê hơn 2 héc ta đấy, nó quản lấy mà ăn - Bà Nhất hạ giọng, nghe như có tiếng thở dài - Còn chúng tôi, chúng tôi phải về Hà Nội. Mồ mả ông bà còn cả ngoài ấy.

Nhưng ông Nhất lại thuộc phe thứ hai. Ông đang theo học lớp tập huấn về hợp tác xã ở thành phố Hồ Chí Minh. Nam Ban đang chủ trương thí điểm thành lập hợp tác xã tằm tang và cà phê theo mô hình mới. Không phải hợp tác xã kiểu "góp gạo thổi cơm chung" như ngày xưa, mà là một tập đoàn dạng cổ phần đàng hoàng, chủ động vốn liếng, có đầu ra, đầu vào, đủ sức cạnh tranh và chống trọi được với những cơn cuồng phong của kinh tế thị trường…

Xe chúng tôi lao xuống triền dốc, giữa hai hàng cúc quỳ héo khô bên đường. Nam Ban đang bị hạn hán nặng. Những cây cà phê chè, loại xuất khẩu được ưa thích đang lụi dần, cạnh lá cháy xém... Cung nói như hét, át tiếng gió thổi bạt: "Những người trụ lại được ở đây đều là những người đã qua thử thách".

Bản báo cáo của ông bí thư chi bộ

Tôi đến nhà ông Nguyễn Phương Hồ, bí thư kiêm trưởng ban khu phố Ba Đình, đúng lúc ông đang làm báo cáo chuẩn bị cho đại hội chi bộ. "Đi thẳng vào vấn đề", ông Phương bảo: Tôi cũng đang phân tích GDP của khu phố, để giải thích trước đại hội chi bộ vì sao lại có nhận định: Đời sống của dân cư ở khu phố ổn định và tiếp tục phát triển. Thì đây…". Rồi ông Phương lập luận bằng một loạt thống kê: Khu phố Ba Đình của ông có 190 hộ, gần 800 khẩu; đã có 60 con em tốt nghiệp học đại học; trong đó, có 120 hộ làm nông, Tuy đất sản xuất ít, mỗi người chỉ 750 mét vuông, nhưng các hộ hoăc là thâm canh cà phê, hoặc trồng chè, nuôi heo, ổn định về sản lượng và thu nhập. Số còn lại gồm 42 hộ làm nghề buôn bán, 28 hộ làm dịch vụ, thu nhập gấp hai ba lần làm nông; cộng với gần 100 người đang làm ăn ở nơi khác, ít nhiều đều có tích lũy.

Ông Phương là người làm việc có bài bản. Chỉ với phần nháp của báo cáo tại đại hội chi bộ mà ông khai thác đầy đủ những chi tiết mang đậm tình người, có ái ố, hỉ nộ: Chi bộ vừa kết nạp bốn đảng viên mới. Một người đang chuẩn bị kết nạp thì bị kẹt vì chưa học hết trung học cơ sở, không biết "lách" bằng cách nào. Cả khu phố có hai người đi làm ăn xa, "rước" bệnh nghiện ma túy về, phải vất vả lắm mới cô lập để cai nghiện. Kinh tế thị trường ào đến, nhưng nếp sống thanh tịnh chẳng thơm cũng thể hoa nhài… vẫn được gìn giữ như xưa. Sự trân trọng giá trị phấn đấu, hòa nhập với cộng đồng, xã hội vẫn là nếp văn hóa bình dị của người vùng ven Hà Nội. Bằng khen, giấy khen, của người lớn, trẻ con vẫn được treo ngay ngắn trên tường. Cả thị trấn có 30 quán karaoke, nhưng không có tiếp viên. (Anh có dám liều vào karaoke ôm không, khi mà sáng hôm sau cả khu phố đều biết). Kinh tế ổn định, có an cư, ắt lạc nghiệp, con cháu sinh sôi thành làng xóm; gia đình này thông gia với gia đình kia, hình thành những dòng tộc, gia phả mới của vùng đất Lâm Hà…

Ông Phương năm nay sáu mươi ba tuổi, thuộc thế hệ đầu của Nam Ban. Năm 1977 sau khi rời quân ngũ, ông xung vào chân cán bộ biệt phái, phụ trách một tổng đội sản xuất vùng kinh tế mới. Năm 1978, hết hạn ông trở ra Hà Nội; đến 1980, ông đưa gia đình vào lại Nam Ban. Ra đi với bầu đàn thê tử, con gái đầu mới 7 tuổi, hai con trai - đứa 3 tuổi, đứa 7 tháng; năm 1983 thêm thằng út. Nay thì cả ba đều là cậu cử, cô cử, có việc làm; chỉ còn lại cậu út đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một chuỗi ngày chắt bóp, vất vả. Lương ông cộng với lương hưu của vợ (cũng là bộ đội phục viên) được một triệu thì phải cưa một nửa cho các con ăn học. May mà chúng sáng dạ, lại học cách nhau khá xa và có hai đứa theo ngành an ninh, được học bổng toàn phần… Cuối câu chuyện, tôi đạt câu hỏi: liệu thế hệ bây giờ có bằng cha anh trước. Ông Phương reo lên:

- Úi giời ơi. Họ giỏi hơn chúng tôi nhiều chứ. Họ tự làm, tự vận dụng, tự quản lý. Thế hệ họ có triệu phú, tỷ phú, chứ lớp chúng tôi bói đâu ra.

Tỷ phú Nam Ban

Người ở Nam Ban vẫn giữ thói quen của dân ngoại thành Hà Nội: Ghép tên vợ chồng để nói về gia đình nào đó. Làm nông có nhà Lộc - Thịnh; tuy chỉ có một héc ta cà phê, nhưng lại nuôi hẳn bốn hộp tằm, trung bình mỗi tháng thu 1,5 tạ kén bán được trên 4 triệu đồng. Làm dịch vụ có vợ chồng nhà Hạnh - Thành, Trung - Hóa, Quyến - Mai… họ có cửa hàng lớn bán vật tư, máy say cà phê; có xe khách chạy Sài Gòn, chạy Nam Bắc; có xe tải chở gạo, xuống hẳn đồng bằng sông Cửu Long, mua tận gốc, bán tận ngọn.

Tôi theo cách thống kê này tìm đến nhà Nguyệt - Lành nằm giữa phố chợ của thị trấn. Chỉ nhìn cơ ngơi của họ đã thấy nể. Nguyệt - Lành sở hữu một mặt tiền chiều ngang 27 mét, gồm hai căn nhà lớn, môt làm cửa hàng, một làm nhà ở. Giữa hai nhà là khoảng sân rộng để làm chỗ cho ô tô bốc dỡ hàng hóa; phía sau là xưởng ươm tơ và dãy chuồng heo. Lành 55, Nguyệt 43 tuổi, nhưng họ thuộc lớp đầu tiên đến Nam Ban. Lý do ra đi cũng rất đơn giản: Cả hai đi dự đại hội đoàn huyện Đông Anh. Đại hội phát động xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, họ cùng với mười tám thanh niên ghi tên tình nguyện. (Tất cả sau đó đã bỏ về, chỉ còn lại Nguyệt - Lành). Vào đây, họ cùng ở một lâm trường, cùng đi học lớp kế toán, rồi quen nhau, cùng… liếc trộm nhau khiến ông tơ, bà nguyệt cảm động. Cưới nhau xong, họ được chia đất, chia nhà, được mẹ chồng cho hai con heo làm vốn. Lâm trường vỡ, họ ra ngoài, mua đất của lâm trường, túc tắc làm ăn, túc tắc đẻ ba đứa con trai. Nay đứa lớn 22 tuổi cùng làm với bố mẹ, đứa thứ hai 20 tuổi, sửa chữa ô tô, đứa thứ ba đang học lớp tám…

Nguyệt có giọng nói trong trẻo, nhút nhát như con gái. Khi nói, đầu cúi xuống, tay vân vê tà áo. Câu chuyện tuần tự đến hồi làm ăn khá giả, Nguyệt cho biết từ sáu năm trở lại đây, họ đầu tư cho dân. "Đầu tư như thế nào? Tôi hỏi. Trả lời: "Thì… chúng em bỏ trứng tằm, phân bón và các thứ cho hộ nông dân". "À. Vậy là bỏ mối". Đáp: "Vâng thì gọi là bỏ mối cũng được". Và theo đề nghị của tôi, Nguyệt giải thích:

- Đại khái là vợ chồng em cấp vốn, mua trứng tằm, mua gạo, mua phân bón rồi bỏ cho 300 hộ trồng dâu nuôi tằm. Đến vụ, bọn em mua kén của họ về ươm tơ, bán".

- Ồ… Thế thì đúng là đầu tư chứ không phải bỏ mối - Tôi vỡ lẽ, reo lên - Đầu tư y hệt nhà nước".

- Vâng", Nguyệt lại hiền lành, cúi đầu đáp. Và cô cho biết, mọi may rủi của vợ chồng cô gắn với hộ nông dân. Có khi gia đình họ có người đi viện, mình phải xuất tiền. Hiện, đang hạn hán, dâu chết héo. Đã vậy, người ta lại đua nhau nhập kén Liên Xô rẻ hơn, bóp chết kén Lâm Hà. Hộ làm nghề tằm tang không có kén, phải trả bằng heo. Vợ chồng cô cũng đành phải nhận. Vốn vẫn còn nằm trong dân, không thể bỏ ngang được. Bây giờ chỉ mong sao yên hàn, nông dân làm ăn được để rút vốn ra. Hỏi, vốn trong dân còn bao nhiêu, Nguyệt nhất định không nói. Tôi nài nỉ, gợi ý "sai số vài chục triệu cũng được". Nguyệt ngập ngừng, định nói nhưng lại bảo:

- Thôi! Em chẳng nói đâu.

- Thế liệu có đến bảy, tám trăm triệu không? - Tôi đánh bạo, ướm. Nguyệt cúi đầu, nói lý nhí, vừa đủ nghe:

- Bảy tám trăm triệu thì em lo nghĩ làm gì cho mệt. Tôi "ồ" thầm trong bụng. Chỉ trong vòng chưa đầy mười lăm phút của câu chuyện, Nguyệt đã làm tôi hai lần ngạc nhiên. Chia tay Nguyệt, trong tôi lẫn lộn một cảm giác thán phục, xen lẫn áy náy. Áy náy thay cho cái cảnh chôn vốn khổng lồ của vợ chồng Nguyệt - Lành.

Bữa chiều ở Nam Ban, tôi được Phó Chủ tịch Lũy đãi tiệc. Khách ba chủ nhà bảy. Phía khách có tôi và hai công an phòng chống ma túy của tỉnh; phía chủ tề tịu tới năm sáu con dê Hà Nội. Chuyện làm ăn, nắng hạn gác sang một bên, nhường lời cho giai điệu hào hùng của quê hương, được hòa âm từ những giọng ca sung mãn, thơm nồng mùi rượu nếp Bắc "Ta đi trên đường đường Hà Nội rực rỡ chiến công…"

Rạng đông, chiếc xe tốc hành đến đón tôi về thành phố Hồ Chí Minh. Lác đác trong hàng cúc quỳ héo úa bên đường, một vài bông hoa nhuốm ánh thái dương vươn cao, vàng rực. Sức sống mạnh mẽ của nó lại khiến tôi nhớ đến gia đình ông Phương, Đào Văn Cung, Phan Công Lũy, cặp Nguyệt - Lành; Quyến - Mai… Họ như những bông cúc quỳ kia, dẻo dai, chịu đựng mọi thời tiết. Rồi mưa sẽ xuống, những bông cúc quỳ sẽ lại nở rộ, vàng tươi, rực rỡ…

Tháng 4-2004

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo