xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Suzucho Karate Do và những chuyện ly kỳ

Lương Duy Cường

Cho đến lúc nước mắt tự hào trào trên khóe mắt các tuyển thủ Karate Việt Nam trong lễ thượng cờ tại Seagames 22, rất nhiều người vẫn chưa biết rằng chỉ trong 40 năm du nhập vào Việt Nam môn võ này đã có một sự phát triển nhanh đến lạ kỳ, và hơn thế nó còn gắn với rất nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc dời ly kỳ của những cao thủ võ lâm. NLĐO xin giới thiệu cùng bạn đọc một vài câu chuyện ly kỳ này.

Kì I: Chuyện tình người đẹp xứ dừa

Bà Nguyễn Thị Minh Lệ (sinh ngày 15-1-1922) là con thứ 5 trong số 10 người con của một gia đình giàu có tiếng những năm đầu thế kỷ 20 của xứ dừa Tam Quan, Bình Định. Thuở xuân thì, cô Lệ đẹp nổi tiếng với mái tóc phi dê và thường dạo đường quê trong những bộ áo đầm cực kỳ sang trọng. Đám trai làng hầu như “kính nhi viễn chi” trước bông hoa làng quá kiều diễm. Nhưng phận má hồng lắm nỗi truân chuyên, 19 tuổi cô Lệ lên xe hoa để rồi chỉ 1 năm sau đã phải ly hôn. Cô quay về nhà mẹ đẻ với đứa con chưa thôi vú mẹ. Gái một con lại đang tuổi xuân xanh nên cánh trai làng thường đánh tiếng chắp nối dù biết cô đã một lần đau nỗi duyên tình. Nhưng cô Lệ không chịu nhận lời ai, suốt ngày chỉ vui đùa với con và phụ mẹ bán quán nước đầu ngõ. Phận hoa tưởng đã an bài, bỗng một thời gian sau dân làng thấy cô Lệ vụt như cây khô sống lại. Cô xông xáo tham gia vào những phong trào xã hội của quê hương như dạy bình dân học vụ, các phong trào của phụ nữ, thanh niên.

Vào khoảng những năm 1949, vùng Chợ Chùa tỉnh Quảng Ngãi có một xưởng sản xuất dụng cụ y tế phục vụ cho mặt trận Liên khu V. Xưởng trưởng là đại úy trẻ Phan Văn Phúc. Mang một cái tên rất Việt Nam nhưng đại úy Phúc lại là người Nhật Bản, từng ở trong đội quân của Nhật đến Việt Nam và số phận đã đẩy đưa anh đến với Mặt trận Việt Minh chống Pháp sau khi kết thúc đệ nhị thế chiến. Từ xưởng sản xuất ở Chợ Chùa, đại úy Phúc thường xuyên dẫn nhân công mang vác trang thiết bị y tế, thuốc men đi phục vụ mặt trận. Rất nhiều chuyến đi ngang qua xứ dừa Tam Quan, đoàn nhân công của xưởng đã dừng chân ở quán nước của gia đình cô Lệ. Dừa Tam Quan mát ngọt nổi tiếng cùng cô con gái chủ quán xinh đẹp đã níu chân người. Kẻ ở người đi biết bao bịn rịn để đến một ngày kia đại úy Phúc ngỏ lời, dù vốn tiếng Việt chưa đủ để nói hết những điều con tim cần nói nhưng cũng đủ để làm xiêu lòng cô Lệ. Cô nhận lời kết tóc xe duyên. Mối tình Việt - Nhật nồng ấm này đã đi đến kết quả là họ có với nhau 3 người con cùng mang 2 dòng họ Phan và Suzuki.

Nhưng lần lên xe hoa thứ hai này có một điều còn lớn hơn cả việc cô Lệ lấy chồng mà không một ai lúc bấy giờ, kể cả cô Lệ, có thể biết được, đấy là chuyện chàng đại úy đẹp trai làm chồng của cô Lệ không chỉ là một người Nhật Bản bình thường mà là một samurai thứ thiệt, là người đầu tiên đưa môn võ Karate Do của Nhật Bản truyền vào Việt Nam và sáng lập ra một hệ phái karate Việt Nam hoàn toàn mới mang tên Suzucho karate Do, và để rồi bông hoa của xứ dừa Tam Quan không bao lâu sau đó đã trở thành vị sư mẫu trong sự tôn kính của hàng vạn môn đồ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ, Úc, Canađa và nhiều nước khác trên thế giới.

Sau năm 1954, vợ chồng cô Lệ về sống ở Huế. Chồng mở lò dạy võ, vợ may võ phục và lo cơm nước phục vụ cho các môn sinh từ xa đến trọ học. Lò võ của vợ chồng cô Lệ chính là cái nôi của làng Karate Do Việt Nam.

Phong trào theo học các lớp võ thuật do võ sư Choji Suzuki (tên Nhật Bản của chồng cô Lệ) trực tiếp huấn luyện phát triển mạnh và ngày càng có nhiều môn sinh từ tỉnh xa khăn gói tìm về đến mức phải mở thêm phân đường ở các tỉnh thành, mà nơi đầu tiên là Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, võ sư Choji Suzuki vừa dạy võ vừa đảm nhận giúp thành phố trong vai trò của trưởng ban bài trừ du đảng nên công việc vô cùng bận rộn, chỉ những ngày nghỉ cuối tuần võ sư Choji Suzuki mới có thời gian để quay về Huế thăm gia đình và các môn đồ đang miệt mài luyện tập trong sự điều phối và quản lý của cô Lệ.

Khi xa chồng, thương nhớ chồng, mỗi người phụ nữ có một cách để bày tỏ. Cô Lệ có một kiểu quan tâm có một không hai. Vừa muốn giúp sẻ chia niềm đam mê tâm huyết của chồng bằng việc cáng đáng lo toan trọn vẹn võ đường ở Huế, cô vừa tìm cách để làm sao cho người chồng của cô ở nơi xa vẫn được chăm sóc chu đáo từ miếng ăn đến bộ võ phục. Và không ai ngờ đến việc cô Lệ đã quyết định tìm cho chồng một người nâng khăn sửa túi. Người được nhắm tới là cô Đặng Thị Mỹ Lợi, một cô gái Huế đang làm nghề may võ phục ở TP Đà Nẳng. Cô này không chỉ hiền lành nết na mà còn xinh không kém cô Lệ hoa khôi xứ dừa ngày nào, và từ lâu đã quá kính phục vị võ sư oai phong lẫm liệt nên cuối cùng cũng đã thuận ý với mong muốn của cô Lệ. Điều khó nhất là việc thuyết phục chồng. Ai cũng nghĩ một vị cao thủ võ lâm tinh thần đầy sắt đá như thế thì không dễ gì lay chuyển được tâm ý, ai ngờ rốt cuộc vẫn bị cô Lệ hạ “đo ván”. Không lâu sau đó đám cưới đã diễn ra tại Đà Nẵng. Bấy giờ nhiều người gọi đây là một đám cưới có một không hai vì trong số nội thân ngoại thích của hai bên có một người vừa đại diện đàng trai lại vừa đại diện cả đàng gái, đấy chính là cô Lệ.

Chuyện một người vợ rất mực yêu chồng và hoàn toàn không có gì trục trặc trong quan hệ nhưng lại đi cưới vợ cho chồng quả đã là chuyện rất lạ lúc bấy giờ, nhưng chuyện chung sống hòa bình giữa hai bà vợ này cũng có lắm chuyện lạ. Số là sau ngày cưới vợ cho chồng, chính cô Lệ đưa ra một nội qui bất thành văn như thế này: Lấy đèo Hải Vân làm ranh giới chia đôi. Trong năm ngày mỗi tuần mà ông chồng ở phía nam Hải Vân, cô Lợi phải chăm sóc chu đáo như những gì chính lẽ ra cô Lệ làm, những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ tết ông chồng phải quay về phía bắc Hải Vân thì thuộc trách nhiệm cô Lệ. Cô Lệ nắm giữ tay hòm chìa khóa nhưng chi phí trang trải cho việc hoạt động và sinh hoạt của cả gia đình thì chính tay cô phân bổ trên nguyên tắc hợp lý và bình đẳng. Phần thu nhập từ việc may võ phục của cô Lợi được nhập về quĩ chung của gia đình do cô Lệ giữ. Ban đầu ai cũng nghĩ cuộc sống của cô Lợi như thế sẽ phải phụ thuộc vào bà vợ cả. Mãi sau mới vỡ lẽ ra rằng bà vợ cả chỉ thu về và dồn cất giữ riêng một phần để đấy chứ không hề đưa vào quĩ chung chi dùng trong gia đình. Rồi sau đó, khi đã cất dồn được một phần kha khá, chính cô Lệ đã trích thêm một phần nữa từ nguồn tích lũy của cá nhân cô để trao lại cho cô Lợi làm vốn riêng sau này dưỡng già. Những năm cuối đời, võ sư Choji Suzuki đưa cô Lệ và 4 người con về Nhật sinh sống, cô Lợi ở lại Việt Nam. Những ngày lễ lạc giỗ tết bao giờ cô Lợi cũng thay mặt cho cả gia đình đến tổ đường ở Huế để chăm lo hương khói. Phần cô Lệ, dù xa xôi cách trở nhưng vẫn thường xuyên thư từ về cho cô Lợi với những lời thăm hỏi thật chân tình. Đến mức sau này khi có người hỏi thử suy nghĩ của cô về bà vợ cả, cô Lợi bảo rằng cô chỉ ân hận có mỗi một điều là không được ở gần bên bà trong những ngày tuổi già bóng xế để hầu hạ trả món nợ ân tình.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng (hiện đang ở Huế, là trưởng tràng đời thứ 13 của hệ phái Suzucho Karate Do) kể rằng từ khi võ sư Choji Suzuki mất (1995), ngoài những chuyến quay về Việt Nam, sư mẫu Nguyễn Thị Minh Lệ còn thường xuyên đến một loạt nước khác như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, Ý, Áo v.v… là những nơi mà môn đồ đã mở được võ đường lớn, để chăm lo đến sự phát triển của hệ phái. Vì thế, sự nghiệp của võ sư Choji Suzuki và hệ phái Suzucho Karate Do phát vượng được như ngày nay là có vai trò rất quan trọng của vị sư mẫu đầy tôn kính này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo