Chia sẻ trách nhiệm và tổn thất

06/08/2001 00:00 GMT+7

Khác với mối quan hệ thương mại Trung - Nhật, Hàn Quốc đã tránh được một cuộc chiến tranh thương mại trong đường tơ kẽ tóc khi Hàn Quốc quyết định nhập khẩu 32.000 tấn tỏi của Trung Quốc để tránh cuộc trả đũa từ quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trước khi đi đến quyết định có hiệu lực từ tháng 8-2001, Chính phủ Hàn Quốc đứng trước hai sức ép nan giải. Nếu nhập khẩu tỏi từ Trung Quốc, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với các cuộc biểu tình của 450.000 nông dân trồng tỏi ở nước này, vì họ bị đe dọa phá sản. Ngược lại, nếu không nhập khẩu số tỏi trị giá 10,7 triệu USD từ Trung Quốc thì sẽ bị quốc gia này áp dụng các biện pháp trả đũa gây thiệt hại gần 700 triệu USD cho hai mặt hàng điện thoại di động và nhựa polyethylene (PE).
Các bộ, ngành công nghiệp thì ủng hộ việc nhập khẩu tỏi để được xuất điện thoại di động sang Trung Quốc, trong khi Bộ Nông lâm lại cho rằng việc làm đó sẽ phá giá tỏi trên thị trường nội địa. Khu vực tư nhân như một người vô can đẩy mọi việc lên Chính phủ với lý do giải quyết tranh chấp thương mại là công việc của Nhà nước.
Với quan điểm “không tham bát bỏ mâm”, Chính phủ Hàn Quốc đã cùng các bên liên quan tìm ra một biện pháp thỏa hiệp để tránh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đó là mua toàn bộ 32.000 tấn tỏi như đã cam kết trước đây với phía Trung Quốc, nhưng không phải bán toàn bộ trên thị trường Hàn Quốc mà sẽ... tái xuất một phần để không ảnh hưởng tới giá tỏi trong nước. Chính phủ sẽ lấy từ quỹ bình ổn giá lương thực một phần và cùng sự đóng góp kinh phí từ các nhà sản xuất điện thoại và PE để bù đắp giá cả cho việc tái xuất số tỏi nhập từ Trung Quốc.
Trong việc phát triển ngoại thương hiện nay, việc tranh chấp hay có những rủi ro trong các hoạt động thương mại là khó tránh khỏi. Vấn đề là phải biết cách phòng tránh và khi phòng tránh không được thì biết giải quyết sao cho có lợi nhất đối với toàn cục. Bài học chia sẻ trách nhiệm và tổn thất giữa Chính phủ và khu vực tư nhân Hàn Quốc quanh vụ tranh chấp thương mại vừa qua với Trung Quốc đáng để chúng ta tham khảo khi bước chân ngày càng nhiều vào nền thương mại thế giới hiện đại.