Tại sao họ lại khước từ quyền lợi?

13/04/2017 22:17 GMT+7

Công ty tôi thành lập từ năm 2014 và bắt đầu hoạt động chỉ với vài lao động. Đến nay, sau 3 năm thành lập, công ty đã dần phát triển ổn định và số lao động cũng tăng lên nhanh chóng.

So với nhiều đơn vị khác thì quy mô của công ty tương đối nhỏ song điều đáng mừng là ban giám đốc rất quan tâm đến Công đoàn và người lao động (NLĐ). Điều đó thể hiện rõ qua thỏa ước lao động tập thể của đơn vị, qua các năm, số điều khoản có lợi cho NLĐ cũng tăng lên, ví dụ như tăng ngày nghỉ phép năm so với quy định của nhà nước (vẫn hưởng lương)…

Đặc biệt, về tiền lương, ban giám đốc đồng ý chuyển tất cả các loại phụ cấp vào lương và sẵn sàng đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương đó để anh chị em được hưởng chế độ cao hơn trước mắt cũng như sau này khi nghỉ hưu. Đây là chính sách tốt, thể hiện sự quan tâm của ban giám đốc. Tuy nhiên, đáng buồn là khi triển khai lại vấp phải sự phản đối của NLĐ.

Vì sao có nghịch lý đó? Bởi hiện tại, hầu hết doanh nghiệp đều tách riêng tiền lương (bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu vùng một ít) và các loại phụ cấp. Như vậy, NLĐ chỉ đóng BHXH căn cứ theo lương cơ bản, rất thấp; về phía doanh nghiệp cũng cắt giảm được một khoản chi phí không nhỏ. Và thế là vì cái lợi trước mắt (không phải đóng nhiều) mà NLĐ chấp nhận. Thế nhưng, mấu chốt của vấn đề không hoàn toàn ở chỗ đó. Theo tôi, có suy nghĩ ấy trong số đông NLĐ là bởi mức sống hiện tại quá thấp, trong khi cái lợi của việc đóng BHXH thì quá xa vời, chưa kể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Họ nghĩ có thêm được một khoản tiền lương, dù nhỏ, để giải quyết khó khăn trước mắt và phòng ngừa rủi ro là điều quan trọng nhất. Thứ hai, với NLĐ, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, lương hưu là một khái niệm không tưởng và bản thân họ không đủ tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội này, nhất là trước những thông tin về việc thay đổi cách tính lương hưu hay việc thất thoát hơn 1.000 tỉ đồng cách đây vài năm.

Không nói đâu xa, vừa qua, dự thảo Bộ Luật Lao động đề xuất tăng tuổi hưu, một trong những nguyên nhân dẫn đến đề xuất này là tránh vỡ quỹ BHXH. Một chính sách an sinh rường cột nhưng tồn tại những nguy cơ như thế thì NLĐ có quyền suy nghĩ đây là một kiểu đầu tư bắt buộc nhưng không chắc chắn sẽ có lãi trong tương lai. Bản thân tôi vừa là NLĐ vừa là cán bộ quản lý, dù rất muốn giải thích cho họ hiểu được cái lợi trong việc đóng BHXH cao để đầu tư cho tương lai nhưng thật sự rất khó để thuyết phục họ đồng tình.

Tôi cho rằng để NLĐ thật sự hiểu luật và vui vẻ chấp hành, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì nhà nước cần phải củng cố niềm tin nơi NLĐ về chính sách BHXH, không nên có bất cứ một sự cố đáng tiếc nào như điều 60 Luật BHXH trước đây.