Bão đến, vi khuẩn lúc nhúc trong đám mây

24/01/2013 12:35 GMT+7

(NLĐO)- Các nhà khoa học tại Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã phát hiện vi khuẩn và nhiều chất hữu cơ tồn tại trong các đám mây bão ở bầu khí quyển trái đất.

Trước đây các nhà khoa học đã phát hiện vi khuẩn sinh sống trong những đám mây trên đỉnh núi. Chúng có thể tồn tại ở độ cao khoảng 40 km.
 
Lần này, các nhà khoa học đã khảo sát 42 trận mưa đá hình thành từ cơn bão lớn ở Ljubljana (Slovenia), xem xét thành phần hóa học của mưa đá để xác định liệu vi khuẩn có thể sống trong những đám mây khi có dông bão lớn hay không.
 

Các nhà khoa học khám phá rằng vi khuẩn tồn tại trong mây bão - Ảnh NCAR
 
Nhóm nghiên cứu phát hiện vài loại vi khuẩn vốn cư trú ở thực vật cùng với hàng ngàn thành phần hữu cơ thường tồn tại trong đất.
 
Chuyên gia hóa học môi trường Tina Santl Temkiv cho biết: “Bão là hiện tượng dữ dội, cuốn khối không khí khổng lồ bên dưới các đám mây và đó là cách mà vi khuẩn có thể đi vào mây”. Bà Temkiv cho rằng vi khuẩn thậm chí có thể tồn tại dưới dạng bào tử trong không gian.

Một số vi khuẩn được xem là tác nhân cấu tạo băng, đóng vai trò hạt giống để các tinh thể băng liên kết nhau thành những đám mây trên bề mặt trái đất. Khi những đám mây tinh thể băng này đủ lớn, chúng sẽ rơi xuống thành mưa hoặc tuyết tùy thuộc vào nhiệt độ không khí. Do đó, theo bà Temkiv, phát hiện này cho thấy vi khuẩn có thể gây ảnh hưởng đến thời tiết. Chúng có thể sinh sôi trên các đám mây, làm thay đổi thành phần hóa học trên mây và cả bầu khí bầu khí quyển một cách gián tiếp.

Một số nhà khoa học cho rằng nghiên cứu về sự phân tán của vi khuẩn là đóng góp có giá trị cho ngành dịch tễ học cũng như sinh thái học vi khuẩn.