KIẾN THỨC TIÊU DÙNG.- Cách giải quyết đầu CD khó đọc đĩa

04/09/2001 00:00 GMT+7

Các loại máy đọc đĩa compact trên thị trường do nhiều hãng sản xuất, vì vậy chất lượng và tính năng kỹ thuật của từng kiểu đôi khi có khác biệt nhau chút ít.


Cá biệt có trường hợp là hai máy mới khui thùng (cùng xê-ri) nhưng cái này đọc đĩa được tốt, cái kia lại lừng khừng. Một nguyên nhân nữa khiến cho việc đọc đĩa trở nên khó khăn là do đĩa kém chất lượng hoặc đĩa tốt nhưng qua thời gian sử dụng đã bị trầy xước. Khi gặp trường hợp như trên, chúng ta nên thực hiện theo một số lưu ý sau, ít ra vẫn sử dụng được đĩa ở những máy khó tính, máy đã xuống cấp hoặc những đĩa đã cũ.


- Đối với máy có phím search (dò tìm) nằm riêng: Cho đĩa vào để phát, nếu muốn chọn bản khác thì ta ấn phím dò tìm để hệ di quang kéo đầu phát tia laser di chuyển từ từ, đến vị trí nào đó mà ta cần tìm thì không ấn phím này nữa để máy hoạt động (lúc ấn phím, cần quan sát trên màn đèn hiển thị để tìm cho đúng bài nhạc mà ta cần vì càng ấn lâu, tốc độ truy tìm càng nhanh, nếu không nhanh tay thì dễ bị vuột sang bài khác).


- Loại máy có chức năng search nằm chung với phím skip (nhảy bài): Khi ấn phím dò tìm phải ấn dứt khoát, nếu không máy sẽ hiểu là ta ấn để thực hiện chức năng skip.


Một điều cần lưu ý là để thực hiện được cách làm trên, máy phải nhận dạng được bài nhạc đầu tiên (bài số 1 trong tổng số các bản nhạc của đĩa). Điều đó có nghĩa là ta chỉ thao tác được ở trên máy đang đọc bài A nhưng không thể nào ấn phím skip hoặc program để đọc các bài khác (nếu ấn thì máy sẽ bị treo, không thể đọc đĩa được nữa), khi đó ta mới cầu cứu tới chức năng  search này.