Bệnh nhân vừa phẫu thuật não vừa chơi ghi-ta

21/07/2017 18:06 GMT+7

(NLĐO) – Các bác sĩ tại bệnh viện Bhagwan Mahavir Jain (Ấn Độ) yêu cầu bệnh nhân Abhishek Prasad, 37 tuổi, chơi đàn ghi-ta trong suốt quá trình phẫu thuật.

Báo The Hindustan Times ngày 21-7 đưa tin về ca phẫu thuật của anh Prasad. Người đàn ông 37 tuổi trước đó được chẩn đoán mắc chứng "rối loạn vận động" khiến anh gặp một số hạn chế khi sử dụng nhạc cụ yêu thích của mình. Ba ngón tay trái của anh Prasad bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh hiếm gặp.

Các bác sĩ tại bệnh viện Bhagwan Mahavir Jain đã tiến hành ca phẫu thuật cho anh Prasad cách đây 10 ngày tại TP Bangalore, miền Nam Ấn Độ. Họ mở hộp sọ của bệnh nhân và đốt cháy các phần não gây ra tình trạng rối loạn. Các bác sĩ gây tê phần da đầu, nơi hộp sọ bị cắt và đội cho bệnh nhân một dụng cụ giống như mũ bảo hiểm.

Bệnh nhân vừa phẫu thuật não vừa chơi ghi-ta - Ảnh 1.

Anh Prasad (phải) và bác sĩ Srinivasan. Ảnh: THE HINDUSTAN TIMES

Do phần não còn lại của Prasad vẫn hoạt động bình thường nên anh được yêu cầu chơi ghi-ta trong suốt quá trình phẫu thuật. Điều này cho phép các bác sĩ biết rằng các phần não bị đốt có làm việc hay không và phải đốt thêm bao nhiêu.

Bác sĩ giải phẫu thần kinh Sharan Srinivasan nói: "Những cuộc phẫu thuật như vậy đòi hỏi bệnh nhân phải tỉnh táo và kích hoạt bộ não nhằm đánh giá phản ứng của họ".

Anh Prasad trải qua 6 đợt đốt não trong ca phẫu thuật. Lần đầu tiên, người đàn ông không cảm thấy có gì thay đổi nhưng tới lần thứ ba, ngón tay anh bỗng trở nên tê cứng. Sau lần thứ sáu, bàn tay trái của anh đã cử động bình thường như trước đây.

Bệnh nhân vừa phẫu thuật não vừa chơi ghi-ta - Ảnh 2.

Anh Prasad chơi ghi-ta trong lúc phẫu thuật. Ảnh: PTI

Bệnh nhân vừa phẫu thuật não vừa chơi ghi-ta - Ảnh 3.

Người đàn ông 37 tuổi đã chơi nhạc cụ bình thường sau ca phẫu thuật. Ảnh: BBC

Ông Srinivasan rất vui mừng khi ca phẫu thuật thành công 100% (tỉ lệ thông thường là từ 70-80%). "Phương pháp này được sử dụng phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Nhưng ở đây chúng tôi có rất ít các nhà giải phẫu thần kinh đủ trình độ thực hiện nó".

Prasad bỏ việc trong ngành công nghệ thông tin để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Năm 2015, anh cảm thấy các ngón tay của mình tê cứng khiến việc chơi nhạc cụ gặp nhiều khó khăn. Có người sau đó giới thiệu anh tới bác sĩ Srinivasan.

Gia đình của Prasad không giấu được niềm vui sướng vì trước khi phẫu thuật, anh bị trầm cảm gây ảnh hưởng tới vợ và cô con gái 7 tuổi. "Tôi muốn Abhishek hạnh phúc trở lại" – vợ anh Prasad, cô Mudita, chia sẻ.