"Tin giả" là từ của năm 2017

02/11/2017 22:16 GMT+7

Sau khi gây không ít sóng gió trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và hiện diện tràn ngập các phương tiện truyền thông trong 12 tháng qua, không có gì lạ khi "fake news" (tạm dịch là "tin giả") được Từ điển Collins nổi tiếng vinh danh là từ ngữ của năm 2017.

Các nhà biên soạn của Từ điển Collins cho biết việc sử dụng từ "tin giả" đã tăng 365% kể từ năm 2016. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường sử dụng từ này để công kích những báo đài bị xem là không ưa ông.

Ông chủ Nhà Trắng vào tuần rồi thậm chí còn nhận mình là người phát minh ra từ "tin giả", theo tờ The Guardian hôm 2-11. Tuy nhiên, Từ điển Collins cho biết từ này đã được sử dụng trên truyền hình Mỹ trong giai đoạn 2000-2009. Đến năm 2015, người ta sử dụng từ "tin giả" nhiều hơn và đến năm nay đâu đâu người ta cũng nghe nói đến nó. Nhờ vậy, từ "tin giả" bảo đảm có một chỗ trong phiên bản in tiếp theo của Từ điển Collins.

Tin giả là từ của năm 2017 - Ảnh 1.

Tin tức về việc Giáo hoàng Francis ủng hộ ứng viên Donald Trump là một trong những tin giả gây chú ý nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Một số từ khác có liên quan đến tình hình thời sự, chính trị của thế giới trong 12 tháng qua cũng lọt vào danh sách từ của năm. Chẳng hạn, từ "antifa" (rút gọn của "anti-fascist", có nghĩa là "chống phát xít") được sử dụng nhiều hơn 7.000% theo sau các vụ đụng độ bạo lực giữa người biểu tình chống phát xít và người cực hữu, nhất là tại Mỹ.

Từ "Corbynmania" (tạm dịch "hội chứng cuồng Corbyn") từng xuất hiện năm 2015 và có sự trở lại ngoạn mục năm nay sau khi ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công Đảng, gây ấn tượng trong chiến dịch vận động tranh cử ở Anh vừa qua.

Xuất hiện trong danh sách còn có từ "gig economy" (tạm dịch "nền kinh tế gig", dùng để mô tả một nền kinh tế không có nhiều người làm việc cố định và hầu hết công việc được dành cho người lao động tạm thời hoặc tự do) hoặc từ "Insta" (dùng để chỉ sự liên quan đến ứng dụng truyền thông xã hội Instagram).