Tổng thống Obama thăm Hiroshima

27/05/2016 16:08 GMT+7

(NLĐO) - Tổng thống Barack Obama ngày 27-5 đã đến TP Hiroshima - Nhật Bản, trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố từng bị Mỹ thả bom nguyên tử cách đây 71 năm, khiến 140.000 người thiệt mạng.

Đài truyền hình địa phương chiếu hình ảnh ông Obama đi vào Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima.

Sau đó, ông Obama cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Tại đó, nhà lãnh đạo này lần lượt đặt vòng hoa lên đài tưởng niệm.

Sau đó, ông Obama có bài phát biểu ngắn. Theo lịch trình, ông Obama gặp gỡ những người sống sót sau vụ ném bom. Hầu hết họ là trẻ em tại thời điểm thành phố bị phá hủy.


Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: CNN


Mọi người đang chờ buổi lễ diễn ra tại đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: TWITTER

Mọi người đang chờ buổi lễ diễn ra tại đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: TWITTER

Trước khi đến Hiroshima, ông Obama cho biết sẽ không xin lỗi vì vụ ném bom hạt nhân nhưng sẽ vinh danh tất cả những người thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Phát biểu với các quân nhân tại căn cứ Iwakuni, cách Hiroshima 40 km, ông Obama nhấn mạnh: “Đây là một cơ hội để tái khẳng định cam kết theo đuổi hòa bình và an ninh của một thế giới mà vũ khí hạt nhân sẽ không còn cần thiết".

Ông Obama cho rằng Hiroshima đánh dấu một thời điểm thay đổi lịch sử làm thay đổi và nhân loại phải tránh lặp lại. Ngoài ra, ông Obama ca ngợi liên minh Mỹ-Nhật là “một trong những mạnh nhất trên thế giới”, đồng thời chuyến thăm của ông cho thấy cách thức “hai quốc gia từng là kẻ thù không chỉ trở thành đối tác mà còn là bạn bè tốt”.

Cô Han Jeong-soon, con gái của một người sống sót qua vụ ném bom, ghé thăm đài tưởng niệm ngày 27-5, chia sẻ rằng nỗi đau khổ đó đã kéo dài qua nhiều thế hệ. “Đó là những gì tôi muốn Tổng thống Obama cho biết. Tôi muốn ông hiểu được những đau khổ của chúng tôi” - Han Jeong-soon nói.

Còn với bà Kinuyo Ikegami (82 tuổi), bà đến đây chỉ đơn giản cầu nguyện cho những người đã mất. Đi dạo trong khuôn viên đài tưởng niệm, Tsuguo Yoshikawa chia sẻ rằng đây là thời điểm Mỹ và Nhật Bản bỏ lại hận thù và đi về phía trước.