Nên dành một phần quota để đấu giá?

11/07/2004 22:36 GMT+7

Ngày 9-7 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) đã tổ chức hội thảo để lựa chọn một trong hai phương án mà Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã đặt ra và và bàn cách thực hiện.

Tại cuộc họp, không một DN nào giơ tay biểu quyết cho phương án 2 như Bộ trưởng Bộ Thương mại mong muốn. Bà Đặng Phương Dung, Tổng Giám đốc Công ty May 10, phản đối cách phân bổ này cho rằng vì như thế là áp đặt chủ quan. Bà nói: “Nếu giao quota cho một DN lớn, buộc DN này phải đi gọi các DN nhỏ hơn cùng làm thì rất khó. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa? Thực tế thì mỗi khi có đơn hàng lớn phải giao gấp, chúng tôi vẫn tự đứng ra gọi DN khác cùng làm nhưng đây là sự hợp tác tự nguyện. Nếu cùng có lợi ích chung thì các DN sẽ tự tìm cách liên kết với nhau, còn gán ghép theo mệnh lệnh thì không thể có hiệu quả”.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đới Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Công ty May Chiến Thắng, cho rằng đây là một ý tưởng tốt nhưng không thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện tại. Bà đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để phân biệt DN lớn? Khi đứng ra làm đầu mối, trách nhiệm của DN này đến đâu trong việc phân phối hàng và ký hợp đồng với các DN khác, nhất là khi các đơn vị nhỏ không làm được thì trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Nguyễn Triều Dương, Phó tổng giám đốc Công ty May Hưng Yên, cho rằng nên dành 5% - 10% quota để đấu giá vì trong thực tế rất nhiều DN phải mua quota: “Đã là cơ chế thị trường thì phân bổ quota cũng nên theo quy luật thị trường”.

Theo ông Lê Văn Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại, hạn ngạch dệt may được giao hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của các DN. Bộ Thương mại đang tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ và EU để tháo gỡ khó khăn cho DN.