Dưới tấm trần rỉ mưa

12/11/2017 02:00 GMT+7

Buổi chiều gió lộng bên bờ sông Hàn, vào một ngày cuối thu tháng 10, Đỗ Thượng Thế tặng tôi cuốn thơ vừa mới ra lò "Dưới tấm trần rỉ mưa" (NXB Hội Nhà văn - 2017).

Theo lời giới thiệu tập thơ biết anh là người ba quê, mặc dầu khoảng cách địa lý không xa lắm: sinh ra ở quận Nhì (Đà Nẵng), quê nội ở Cẩm Kim (Hội An), khoảng trời ấu thơ sống cùng gia đình ở quê ngoại Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam) và nay công tác một trường tiểu học ở Đà Nẵng.

Dưới tấm trần rỉ mưa - Ảnh 1.

Một vòng tròn khép kín đầy duyên nợ. Quê ngoại mang nhiều kỷ niệm trong thăm thẳm ký ức của anh. Ngay từ đầu tập thơ, là bản "tuyên ngôn thơ" của anh, với những dòng thơ đầy tâm huyết, hào sảng: "Đại Hồng!/Những ngày tháng mù mịt/ ta thường mơ về khu vườn tụ gió bốn phương/ở đó thầy ta gầy gầy mắt kiếng, đêm đêm treo ngọn đèn thơ". Có lẽ ngọn đèn ấy đã soi đường chỉ lối cho anh, cho chúng ta lần lượt khám phá cuộc đời dâu bể: đâu là giới hạn, là bến bờ, là cõi phù sinh tuyệt diệt... Nên ta cứ đi, cứ trôi, cứ hòa tan theo hình hài ngọn gió thi ca mà anh mải mê theo đuổi đến quên cả bản thân mình: "Từng đũa bông bí luộc từng đũa nhà quê/Từng đũa nuốt trộng bao điều mơ ước". Khó có ai có thể ra đi mà quên nỗi nhớ quê nhà, cũng như ở chính vuông đất ấy lại mong được một lần ly hương trên chính quê hương mình.

Xuyên suốt tác phẩm là những khúc thức tự do, sáng tạo: "Mùa đơm thơ/những ý niệm đôi bờ hoa cỏ/dòng sông lần phơi từng trang/từng trang/dòng sông ấy/ chúng ta/thả trôi một bản thảo" ("Bản thảo tháng giêng"); những khắc khoải đồng vọng hiện lên từ ký ức: "Ánh đèn ngủ say, sương khuya tạc bóng/ngư phủ già trầm mặc phía trùng khơi" ("Cây đa bên bờ sông Hàn").

Với tập thơ này, Đỗ Thượng Thế đã khơi thông dòng chảy thi ca, như quan niệm thơ tôi đọc được ở đâu đó: "Thơ cũng huyền diệu như trời" (Charles Henri Ford).