xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tác giả bức ảnh “Em bé Napalm” nghỉ hưu

Phạm Nghĩa (Theo AP)

(NLĐO) – Nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer, Nick Ut, nổi tiếng với bức ảnh “Em bé Napalm” sẽ nghỉ hưu trong tháng này sau 51 năm làm việc cho hãng tin AP.

“Em bé Napalm” được ông Nick Ut chụp vào ngày 8-6-1972 khi nhiếp ảnh gia người Việt này bước sang tuổi 21. Trong bức ảnh, cô bé Phan Thị Kim Phúc trần truồng chạy trên một con đường sau khi ngôi làng của em ở Trảng Bàng, Tây Ninh bị dội bom napalm.

Thay đổi số phận

Bức ảnh mang tính biểu tượng nói trên đã làm nên tên tuổi của Nick Ut. Phóng viên chiến trường Peter Arnett – người từng đoạt giải Pulitzer danh giá – bình luận về “Em bé Napalm”: “Bức ảnh đó minh họa rõ nét về những gì xảy ra thường xuyên ở Việt Nam trong nhiều năm: Bom napalm dội xuống những ngôi làng xa xôi, dân thường bị giết hại và nỗi sợ hãi gây ra bởi chiến tranh. Những bức ảnh như vậy hiếm khi chúng ta tìm thấy trong quá khứ”.


Nhiếp ảnh gia Nick Ut. Ảnh: AP

Nhiếp ảnh gia Nick Ut. Ảnh: AP

Bức ảnh “Em bé Napalm”. Ảnh: AP
Bức ảnh “Em bé Napalm”. Ảnh: AP

Sau khi chụp bức ảnh, Nick Ut để máy ảnh của ông sang một bên rồi đưa bé Kim Phúc – khi đó mới 9 tuổi - vào bệnh viện. “Tôi đã khóc khi nhìn thấy cô bé đang chạy. Nếu tôi không giúp cô bé, nếu có chuyện gì đó xảy ra và cô bé tử vong - tôi nghĩ mình sẽ phải tự tử” - Nick Ut từng thổ lộ với một đồng nghiệp ở AP.

Các bác sĩ ban đầu từ chối cứu chữa vì vết bỏng trên người cô bé quá nặng, sợ không qua khỏi. Nick Ut nổi giận, chìa thẻ phóng viên ra và dọa ngày hôm sau cả thế giới sẽ thấy bức ảnh chụp cô bé cùng lời chú thích bệnh viện đã từ chối chữa trị ra sao. Cuối cùng, Kim Phúc được các bác sĩ cứu sống.

"Bức ảnh đó đã thay đổi đời tôi. Thay đổi cả đời Kim" - ông Nick Ut trong một lần cả hai gặp lại nhau ở Trảng Bàng. Năm nay 53 tuổi, đã kết hôn và có 2 con tại Canada, bà Kim Phúc vẫn là bạn thân của ân nhân mình.

Nhờ tấm ảnh ám ảnh này, ngôi sao điện ảnh Mỹ Warren Beatty đã có lần hỏi han Nick Ut tới 30 phút bên lề Đại lộ Danh vọng ở Hollywood. Một lần khác, khi đến nhà nữ diễn viên Joan Collins chụp ảnh, ông Nick Ut được chủ nhà bật sâm-panh chào mừng.

"Từ địa ngục đến Hollywood"

Trong 44 năm tiếp theo, Nick Ut chụp thêm rất nhiều bức ảnh, từ người nổi tiếng trên thảm đỏ Hollywood cho đến những nhân vật ở tòa án. Ông từng nói ngắn gọn: “Từ địa ngục đến Hollywood” để mô tả sự nghiệp cầm máy của mình..

“Nếu ngôi sao nào gặp rắc rối, họ sẽ nhìn thấy tôi” – nhiếp ảnh gia 65 tuổi hóm hỉnh cho biết. Dù mái tóc đã chuyển sang màu xám bạc nhưng Nick Ut vẫn giữ được sự nhiệt tình và trẻ trung như những ngày đầu mới bước chân vào nghề, theo AP.


Ông Nick Ut gặp lại Em bé Napalm Phan Thị Kim Phúc tại bang California - Mỹ ngày 3-6-2012. Ảnh: AP

Ông Nick Ut gặp lại "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc tại bang California - Mỹ ngày 3-6-2012. Ảnh: AP

Gần đây, tại phòng họp của văn phòng AP tại TP Los Angeles – Mỹ, ông Nick Ut ngồi xem lại những bức ảnh nổi tiếng nhất do mình chụp trong quá khứ.

Danh sách bao gồm bức ảnh diễn viên Robert Blake gục đầu khóc nức nở trên bàn làm việc sau khi tuyên bố giết vợ; bức ảnh ông hoàng nhạc pop Michael Jackson nhảy múa trên một chiếc SUV bên ngoài phòng xử án vì không bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em và bức ảnh cô nàng Paris Hilton nước mắt lưng tròng do xộ khám về tội lái xe ẩu.

Đam mê suýt bị từ chối

Là đứa con thứ 11 trong gia đình có 12 con, Nick Ut thần tượng anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, cũng làm việc cho hãng tin AP nhưng qua đời vào năm 1965. Tại tang lễ của anh mình, Nick Ut tiếp cận biên tập viên mảng ảnh Horst Faas – từng 2 lần giành giải Pulitzer - đang làm ở văn phòng AP tại Sài Gòn để xin việc làm. Tuy nhiên, người này từ chối vì không muốn nhà họ Huỳnh mất đi thêm một đứa con trai.

Cuối cùng, nhiếp ảnh gia này đành nhượng bộ, để Nick Ut – khi ấy 15 tuổi - vào làm từ ngày 1-1-1966 với điều kiện: Không được xách máy ảnh vào vùng chiến sự. Nick Ut nghe lời, dành vài năm tiếp theo làm việc trong phòng tối và chụp những bức ảnh về Sài Gòn. Cho đến năm 17 tuổi (1968), ông mới chính thức trở thành phóng viên chiến trường.

Ông Nick Ut rời Việt Nam năm 1975 và sang Mỹ. AP sau đó đưa ông sang làm việc tại văn phòng của hãng tại Tokyo - Nhật Bản. Tại đây, ông gặp người trở thành vợ mình là bà Hong Huynh. Năm 1977, hai người chuyển tới Los Angeles - Mỹ. Họ có 2 con và 2 cháu.

Thổ lộ với AP, ông Nick Ut nói nghỉ hưu rồi ông sẽ dành thời gian chăm cháu và tất nhiên là tiếp tục chụp ảnh. "Tôi sẽ chụp ảnh tới lúc chết. Máy ảnh là bác sĩ, là thuốc thang của tôi" - ông nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo