xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dịch mù không chặn được ở một xã của Sóc Trăng

Bài và ảnh: Huỳnh Lợi

Về Vĩnh Châu, Sóc Trăng ở đâu chúng tôi cũng nghe thấy nhiều chuyện thương tâm về “xóm mù Lạc Hòa”. Có nhiều người sức khỏe vẫn tốt, đang lao động bình thường thì bỗng nhiên mắt bị xốn, đau nhức và khoảng 1 tháng sau thì bị mù lòa. Có nhiều gia đình bị mù 3 - 4 người, phần lớn là những lao động chính. Bị mù không lao động được, không có thu nhập, hàng loạt gia đình đang lâm vào cảnh thiếu đói, nợ nần chồng chất.

Điều đáng nói là, đến thời điểm này nhiều người vẫn chưa biết vì sao mình lại bị mù dù hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm.

Cả gia đình đang sáng bổng mù!

Từ thị trấn Vĩnh Châu, muốn về làng mù Đại Bái, xã Lạc Hòa phải đi theo đường liên xã Vĩnh Châu - Vĩnh Hải (có người còn gọi đây là “Thế giới đen”). Chúng tôi đến gia đình của bà Danh Thị En, 72 tuổi, người dân tộc Khmer, một trong những gia đình có đến 4 người bị mù. Bà En kể: Từ trước đến nay gia đình bà chuyên sống bằng nghề làm mướn. Cách đây khoảng 10 năm, trong lúc đang nhổ cỏ ngoài đồng thì bỗng nhiên mắt bị xốn, đau nhức. Không tiền thang thuốc, bà dùng lá cây xung quanh nhà đắp lên mắt cùng với muối, khoảng hơn tháng thì bị mù. Sau khi bà En bị mù khoảng 2 năm thì anh Thạch Hươl, con trai dưỡng nuôi bà cũng tiếp tục bị mù lòa cả hai mắt. Đến năm 1996, đứa con trai lớn của anh Hươl là Thạch Hiền lại nối gót theo con đường mù lòa của cha và bà nội. Chưa hết, Thạch Hiền còn mang thêm chứng bệnh tâm thần, tối ngày bỏ nhà đi lang thang. Gần đây, đứa con gái 16 tuổi của anh Hươl lại tiếp tục bị mù. Tất cả 4 trường hợp đều không rõ nguyên nhân và không ai đến bệnh viện để điều trị vì... không tiền.

Lại cũng đi làm cỏ về đột ngột mù!

Trường hợp chị Sơn Thị Kha Mao, cũng ở ấp Đại Bái A còn bi thảm hơn. Gia đình có đến 8 miệng ăn nhưng chẳng có một cục đất cắm dùi, chồng lại bị bệnh nên chị trở thành lao động chính. Hàng ngày đi nhổ cỏ, lặt hành tím, tưới rẫy... ai kêu việc gì làm việc nấy, nhưng giỏi lắm cũng chỉ đủ mua gạo ăn hàng ngày. Cách đây 7 năm sau khi đi nhổ cỏ về, bỗng nhiên mắt bên phải bị đau xốn rồi nhức dữ dội, vài ngày sau thì không còn nhìn thấy ánh sáng. Đến tháng 6- 2002, thì mắt trái tiếp tục bị đau nhức, thấy chị nghèo không tiền thang thuốc những người xung quanh cho chị mượn 100.000 đồng, lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng điều trị. Nhưng chỉ 2 ngày sau thì chị trốn về... vì hết tiền. Đến nay cả 2 mắt chị Mao đều bị mù lòa, không còn làm thuê làm mướn được. Chị Mao than thở: Từ khi bị mù thì gia đình đã nghèo lại càng nghèo thêm, đứa con trai lớn bỏ nhà lên thành phố bụi đời, 2 đứa kế phải đi ở đợ cho người khác, 3 đứa nhỏ thì ở nhà với chị. Hôm chúng tôi đến thì nhà chị không còn một hột gạo ăn, chị mò đường đi mượn gạo nhưng chẳng được hột nào, vì cả xóm ai cũng nghèo.

Có tới hàng chục nguyên nhân gây mù hàng loạt

Theo báo cáo ban đầu của Sở Y tế Sóc Trăng, hiện tượng mù ở Vĩnh Châu có các nguyên nhân như: mù do đục thủy tinh thể, mù do bệnh nổ mắt, viêm loét giác mạc, bệnh quặm mi, bệnh teo nhãn cầu, bị võng mạc dịch kính, và một số bệnh lý khác... Trong đó nhiều người khi mới bị bệnh đã không điều trị kịp thời, lâu ngày không chữa trị hoặc tự ý trị bằng lá cây đắp lên mắt, trị không đúng bệnh dẫn đến mù nặng thêm. Cũng theo kết luận từ Sở Y tế, có đến 98,7% người dân bị mù thường xuyên sử dụng nguồn nước chưa được xử lý trong sinh hoạt hàng ngày. Một số người thường tiếp xúc với bụi cát, bụi vôi và bột phấn trắng trộn với thuốc trừ sâu để bảo quản củ hành tím ngay trong nhà. Đây là thông tin rất đáng lưu ý, bởi từ nhiều năm nay Vĩnh Châu là địa phương trồng hành tím lớn nhất ĐBSCL, với diện tích trung bình từ 3.500 ha- 4.000 ha/năm, sản lượng hàng năm từ 50.000 tấn- 60.000 tấn. Do hành tím chỉ trồng được trong mùa khô và thu hoạch trong thời gian ngắn, thường dẫn đến tình trạng dội chợ không tiêu thụ hết cho nên người dân bảo quản hành để chờ giá bằng cách dùng bột phấn trắng trộn với thuốc trừ sâu Mipcin và Sherpa phun vào. Nhờ vậy hành tím bảo quản được từ 4 - 6 tháng.

 Toàn huyện Vĩnh Châu: 2.898 người mù

Tháng 8-2000, Sở Y tế Sóc Trăng đã thành lập hội đồng khoa học đánh giá thực trạng và các yếu tố liên quan đến bệnh mắt ở huyện Vĩnh Châu. Hội đồng gồm 50 bác sĩ và những cán bộ chuyên môn điều tra trong 4 tháng.

Kết quả: 2.898 người bị mù, chiếm đến 0,9% tổng dân số của huyện, trong đó có đến 1.242 người bị mù hoàn toàn cả 2 mắt, và 1.656 người bị mù 1 mắt (mù mắt trái hoặc mù mắt phải). Số người mù tập trung nhiều nhất ở các xã Lạc Hòa, Vĩnh Phước, thị trấn Vĩnh Châu... Số người mù từ 10 năm trở lên chiếm 51,7%, mù từ 3-10 năm chiếm chiếm 9,1%, mù từ 1-3 năm chiếm 22,4% và mù trong l năm chiếm l6,7%.

1.200 người mù mới mỗi năm!

Bác sĩ Trần Văn Dũng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y dược, Sở Y tế Sóc Trăng, cho biết: Mỗi năm ngành y tế Sóc Trăng đầu tư trên 200 triệu đồng điều trị bệnh cho những người bị mắt hột. Bên cạnh đó, tiến hành phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho người mới bị mù. Nhưng hàng năm ở Sóc Trăng vẫn có thêm 1.200 người mù mới do đục thủy tinh thể, trong đó có 40% từ chối phẫu thuật. Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh còn 3.000 trường hợp cần phẫu thuật. Ngoài ra, Sở Y tế còn trang bị các loại thuốc nhỏ, kháng sinh điều trị mắt cho các trạm y tế ở Vĩnh Châu cấp miễn phí cho người dân, đồng thời thường xuyên kiểm tra xử lý nguồn nước, hướng dẫn người dân lắng lọc trước khi sử dụng... Đối với việc bảo quản củ hành tím bằng thuốc trừ sâu, bác sĩ Dũng nhấn mạnh: Mặc dù thuốc Mipcin và Sherpa là loại thuốc ít độc và phân hủy nhanh, nhưng khi trộn thuốc vào hành cần phải đeo kính bảo vệ mắt.

Phải nói rằng, thực trạng mù ở Vĩnh Châu đang ở mức báo động đỏ nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi nào ngăn chặn và điều trị kịp thời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo