xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Náo nức đến thủ đô

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Có mặt trong đoàn 1.000 anh hùng tham gia hành trình “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi” về Hà Nội dự đại lễ, đại tá Tạ Thị Kiều xúc động: “Vậy là con sắp được gặp Bác thêm lần nữa, Bác ơi!”...

Đã hàng chục năm trôi qua nhưng đối với đại tá – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Tạ Thị Kiều, kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ vẫn còn tươi mới và nguyên vẹn cảm xúc. Sinh năm 1938 ở Mỏ Cày - Bến Tre, là một trong những chiến sĩ giải phóng quân của miền Nam, bà Kiều vinh dự được gặp Bác Hồ đến 6 lần.

 
Tiếp nối truyền thống hào hùng
 
Là một thành viên trong đoàn 1.000 anh hùng trên cả nước tham gia hành trình “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi” về Hà Nội dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đại tá Tạ Thị Kiều luôn là tâm điểm của những cuộc giao lưu.
 
Đại tá Tạ Thị Kiều tham gia cách mạng năm 1957, khi vừa tròn 19 tuổi, tiếp nối truyền thống và ngọn lửa anh hùng của thế hệ tiền khởi nghĩa như Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Thị Định...
 
Nữ đại tá tự hào: “Trong các phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tại miền Nam, chị em phụ nữ Mỏ Cày đóng góp công sức không ít.
 
Phụ nữ Mỏ Cày sớm giác ngộ cách mạng, bước ra khỏi xó bếp, vườn rau để tham gia hoạt động. Hình ảnh các chị tháo ngay đôi bông tai - kỷ vật rất thiêng liêng của mình - để hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 26-9-1945, tham gia “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng” để mua vũ khí chống giặc càng tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược”.
 
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, trên 180 nữ thanh niên tình nguyện Mỏ Cày đã tham gia dân quân du kích bảo đảm an ninh trật tự, đánh giặc gìn giữ làng quê.
 
Đại tá Tạ Thị Kiều cho biết: “Cùng với Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bến Tre, Đoàn Phụ nữ cứu quốc Mỏ Cày đã thu hút nhiều chị em tham gia. Hầu như các xã trong huyện Mỏ Cày đều có Hội Mẹ, Hội Chị chiến sĩ, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào “Ủng hộ bộ đội”, “Nuôi quân”. Con kênh mang tên Phụ Nữ là kỳ tích của phụ nữ Mỏ Cày lúc bấy giờ.
 
Kênh chỉ dài khoảng 17 km, rộng 4 m, sâu 1,5 m, trải dài từ xã Hương Mỹ - huyện Mỏ Cày đến xã Quới Điền - huyện Thạnh Phú nhưng là đường tắt để vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men, thương binh trong khu vực cù lao Minh và tuyến giao thông thủy từ Mỏ Cày đến vàm Khâu Băng, bảo đảm an toàn, bí mật, kịp thời phục vụ cho kháng chiến.

 

img

Đại tá Tạ Thị Kiều trong đoàn 1.000 anh hùng tham gia hành trình
“Thăng Long - Hồn thiêng sông núi” về Hà Nội dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội
Để sớm hoàn thành con kênh, hàng ngàn chị em không sợ bom đạn ác liệt, đào kênh vào ban đêm, ăn ngủ dã chiến nhiều ngày liền nhưng vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị, hoàn thành trước thời gian dự kiến gần 2 tháng”.
 
Pháp rút, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta, tinh thần đấu tranh kiên cường của phụ nữ Mỏ Cày càng thêm quyết liệt. Tinh thần ấy được khắc ghi đậm nét nhất là trong phong trào Đồng Khởi năm 1960. Đến cuối năm 1961, số nữ du kích xã, ấp ở Mỏ Cày đã lên đến 1.500 người/3.086 người của toàn tỉnh Bến Tre. Cũng trong thời điểm này, phụ nữ Mỏ Cày tay không 3 lần hạ bót địch, trong đó có nữ du kích Tạ Thị Kiều (Mười Lý).
 
“Tháng 5-1965 tôi được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Giải phóng. Trong giai đoạn này, hàng ngàn nữ thanh niên đã thoát ly gia đình, xóm làng, tham gia các đơn vị vũ trang của huyện, tỉnh, miền và tham gia lực lượng công an, giao bưu vận...” - bà Kiều nhớ lại.
 
Chưa kịp đón Bác vào Nam
 
Tại buổi giao lưu đầu tiên của đoàn anh hùng tham gia hành trình “Thăng Long - Hồn thiêng sông núi” diễn ra tối 26-9 tại TP Cao Lãnh - tỉnh Đồng Tháp, cả hội trường lặng đi khi được xem đoạn phóng sự tư liệu ngắn về những lần nữ chiến sĩ Tạ Thị Kiều được gặp Bác Hồ ở miền Bắc. Bà Kiều cũng không khỏi bất ngờ và xúc động khi được xem lại những hình ảnh ấy.
 
Đại tá Tạ Thị Kiều hồi tưởng: “Chẳng những được gặp Bác 6 lần, tôi còn may mắn có dịp dùng cơm chung cùng Người tại Phủ Chủ tịch. Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Bác vào năm 1965, cách nay đúng 45 năm. Kỷ niệm lần đầu tiên được ôm chầm Bác vẫn còn tươi mới, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như vừa xảy ra”.
 
Ba tháng sau khi được tuyên dương anh hùng, tháng 8-1965, nữ chiến sĩ Tạ Thị Kiều và nhiều cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam được ra thăm miền Bắc. “Khi xe đến rước, nghe nói được gặp Bác Hồ, cả đoàn cuống lên.
 
Chúng tôi tự hứa với nhau khi gặp Bác sẽ không được khóc để tranh thủ kể với Người về tình hình chiến sự và những chiến công của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Vậy mà, khi thấy Bác bước nhanh dưới bóng xoài ra đón, chúng tôi chạy ùa đến ôm chầm Người rồi òa lên nức nở. Chúng tôi khóc vì hạnh phúc quá lớn khi được gặp Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc” – bà Kiều xúc động.
 
Khi ấy, đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã bày tỏ với Bác tình cảm gắn bó, lòng kính yêu và mong mỏi lớn lao được đón Người vào thăm miền Nam khi nước nhà hoàn toàn thống nhất. “Bác nói Bác nhớ miền Nam, nhớ đồng bào, nhớ các phụ lão, nhớ các cháu thiếu nhi..., nhiều lắm. Miền Nam luôn ở trong tim Bác. Chúng tôi đã không kìm được nước mắt, lại vỡ òa ra khóc” - bà Kiều nhớ lại.
 
 
img
Đại tá Tạ Thị Kiều thắp hương tại mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc,
thân sinh Hồ Chủ tịch, trước khi lên đường ra Hà Nội dự đại lễ
 
Sau lần gặp đó, đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam được đưa đi học tập văn hóa, chính trị để tiếp tục trở về chiến đấu. Cả đoàn được đưa đến học văn hóa ở Trường Bổ túc văn hóa sơ - trung cấp của Tổng cục Chính trị, lúc bấy giờ sơ tán ở Vĩnh Phú.
 
Bác Hồ rất quan tâm, yêu quý các chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập. Mùa xuân năm 1968, dù bệnh nhưng Bác vẫn hỏi han tình hình học tập của đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Năm đó, cả đoàn được mời vào Phủ Chủ tịch ăn Tết với Bác.
 
Khoảng tháng 4-1969, Tổng cục Chính trị cho xe đến đón đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam và thông báo rằng Bác Hồ bệnh nặng, phải đi ngay về thăm Người. Đến lễ Quốc khánh 2-9-1969, xe của Tổng cục Chính trị lại lên Vĩnh Phú đón đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam và báo tin chấn động: Bác mất!
 
“Chúng tôi phải về ngay trong đêm để hôm sau viếng Bác. Mọi người khóc như mưa, còn tôi ngất xỉu lúc nào không hay biết. Chúng tôi được phân công trực bên quan tài Bác, mỗi ca 4 người. Vì quá xúc động, tôi lại ngất xỉu thêm lần nữa...” - nữ đại tá bùi ngùi.
 
Đại tá Tạ Thị Kiều tâm sự: “Sau lần đầu tiên được gặp Bác, từng lời dạy của Người đã trở thành niềm tin, sức mạnh và kim chỉ nam cho tất cả hành động đấu tranh cách mạng của tôi về sau”.
 
Mỗi người trong đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam cũng đều tự hứa với lòng phải cố gắng học tập thật tốt để mau chóng trở về chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước và để được đón Bác vào Nam. “Vậy mà chúng tôi chưa kịp đón Bác vào Nam thì Người đã đi xa” – bà Kiều nghẹn ngào.

Vinh dự lớn lao

Ở tuổi 72, đại tá Tạ Thị Kiều vẫn còn khỏe mạnh. Dáng vẻ ung dung, hiên ngang và cái chất của một nữ chiến sĩ giải phóng quân năm nào vẫn còn in đậm trong bà.
 
Nữ anh hùng bảo bà không ngờ được có mặt tại thủ đô dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày lễ trọng đại của đất nước và đây là một vinh dự vô cùng to lớn.
 
Theo chương trình của hành trình “Thăng Long – Hồn thiêng sông núi”, đoàn 1.000 anh hùng của cả nước sẽ đến Hà Nội vào ngày 8-10 và hôm sau sẽ viếng Lăng Bác.
 
Trước khi lên đường ra Hà Nội, đại tá Tạ Thị Kiều không ngăn được sự náo nức. Thắp hương tại mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chủ tịch, ở Đồng Tháp, bà xúc động: “Vậy là con được gặp Bác thêm lần nữa, Bác ơi...!”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo