xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ cô dâu Huỳnh Mai bị sát hại tại Hàn Quốc: Đổ vỡ một giấc mơ!

Theo Phương Nguyên- Hiếu Trung-Hoàng Điệp(Tuổi Trẻ)

Ông bố Huỳnh Văn Sáu không cho con lấy chồng Hàn Quốc. Nhưng Huỳnh Mai (ảnh) năn nỉ quá, “gia đình mình quá nghèo, con đi hai, ba năm làm có tiền sẽ gửi về phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học”, ông đã gật đầu.

Và rồi bi kịch xảy đến với cô gái mới 21 tuổi nơi xứ lạ mà gia đình ông đến lúc nhận được hung tin vẫn cứ ngỡ đó là thiên đàng của người con gái nhỏ...

Giấc mơ...

Xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) là một xã nghèo. Ấp Ngọc An nơi gia đình của Huỳnh Mai sinh sống là xóm cũng thuộc dạng cực nghèo, lao động chủ yếu làm thuê hoặc nông nghiệp.

img
Giây phút hạnh phúc ngắn ngủi của Huỳnh Mai

Căn nhà nơi Huỳnh Mai sinh sống trước khi ra đi bằng lá đơn sơ, rách nát. Bên trong buồn ảm đạm. Chiếc bàn thờ nhỏ vừa được dựng lên ở góc nhà, chân nhang còn chưa đầy lư hương. Di ảnh cô dâu Việt nơi xứ Hàn cười rất tươi trong khuôn mặt tròn phúc hậu - tấm ảnh mà cô chụp đi chụp lại tới 80.000 đồng mới chọn được để làm giấy tờ đi lấy chồng. Gương mặt cười rất tươi ấy cứ ngỡ rằng sẽ hạnh phúc sau khi về nhà chồng, nhưng éo le thay đó cũng chính là tấm ảnh duy nhất mà gia đình có được để thờ cúng.

"Tôi không ngờ chính cái gật đầu đồng ý của tôi đã phải trả giá bằng sự ra đi đau đớn của đứa con gái ngoan hiền" - ông Huỳnh Văn Sáu đau đớn nói.

Gia đình có năm nhân khẩu, hai vợ chồng và ba người con, trong đó Huỳnh Mai là con gái lớn. Nhà chẳng có cục đất chọi chim, đến ngôi nhà đang ở cũng phải ở nhờ trên đất mẹ vợ.

Cuộc sống hằng ngày của gia đình phải nhờ vào sức lao động của người cha khi có ai đó đến mướn cắt lúa, bón phân... Cái nghèo dai dẳng đã khiến Huỳnh Mai bỏ học sớm, xuống tận Bạc Liêu làm công nhân thủy sản từ năm 15 tuổi. Bốn năm sau Mai chuyển hướng về Bình Dương làm ở một xưởng gỗ trước khi trở về quê lấy chồng Hàn Quốc.

Đầu năm 2006, một số người ở xóm lấy chồng Hàn Quốc về quê và đến nhà "kêu gọi" gia đình cho Huỳnh Mai lấy chồng xứ Hàn. Gia đình không đồng ý. Nhưng Mai nghĩ đây là lúc mình có thể trả nợ được cho gia đình, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng hiện nay nên đã mạnh dạn nêu ra ý kiến trước cả nhà. Không được cha mẹ đồng ý nên Mai cứ nài nỉ: "Gia đình mình nghèo khó, con đi làm hai, ba năm kiếm được tiền sẽ gửi về giúp ba mẹ đỡ khổ, lo cho các em ăn học". Và cuối cùng Mai cũng được đi.

Theo "trưởng đoàn" môi giới là một phụ nữ có tên Yến, Huỳnh Mai đã theo lên TPHCM để các ông chồng tương lai xem mắt. Chồng cô là ai cô cũng chẳng biết. Trong vòng vài giờ xem mắt ở một nơi không xác định, đám cưới được định lúc 11 giờ trưa 23-12-2006 tại TPHCM. Lúc này gia đình của Huỳnh Mai mới hay tin liền thuê xe 15 chỗ tức tốc lên TPHCM nhưng trễ giờ làm lễ.

Lễ cưới được tổ chức tập thể với hai đôi uyên ương khác cũng là chồng Hàn Quốc. Tiệc chỉ có... hai bàn. Ra về gia đình cô dâu được chú rể cho 400 USD, tới cửa bị "trưởng đoàn" thu lại 200 USD. Còn lại 200 USD không đủ trả tiền thuê xe và ăn uống dọc đường.

...Tang tóc

Bà Trần Thị Giang, mẹ của Huỳnh Mai, khi nghe tin con chết cũng đã đổ bệnh, căn bệnh bướu ác tính gần như quật ngã bà.

Người em gái của Mai phải bỏ sở làm để nuôi mẹ chờ mổ ở BV Đa khoa Kiên Giang.

Mất con, vợ nằm viện, nợ nần hàng chục triệu đồng... đang giằng xé bố của Mai từng ngày - người đã vô tình gật đầu đồng ý cho Mai đi.

Tổ chức đám cưới "tốc hành" ở TPHCM xong, Mai về lại Kiên Giang làm thủ tục đăng ký kết hôn và lên đường đi Hàn Quốc hôm 22-3 âm lịch.

Đến xứ chồng, Mai liên tục gọi điện về thăm gia đình. Khi được người nhà hỏi, Mai đều nói cuộc sống bên này rất hạnh phúc, được chồng thương yêu, mỗi lần chồng đi làm về mua đồ ăn cho gia đình rất nhiều, để đầy trong tủ lạnh...

"Vì thương gia đình nên nó mới nói như thế. Chứ nó ở bên đó khổ sở lắm, chồng không cho đi ra ngoài, không được học tiếng Hàn, suốt ngày chẳng nói chuyện được với ai. Nó điện về cho hàng xóm thì khóc nức nở trong điện thoại, nhưng mọi người không dám nói thẳng với gia đình" - bà Nguyễn Thị Đẹp, ngoại của Huỳnh Mai, khóc không thành lời.

Album chụp hình ngày cưới của Huỳnh Mai vẫn còn đó, đôi vợ chồng son cười tươi. "Tôi không ngờ lại xảy ra trường hợp đau thương này với gia đình. Cách đây khoảng một tháng, khi Công an Kiên Giang thông báo với gia đình con tôi đã chết, gia đình tôi không tin đó là sự thật, vì trước khi chết một tuần con tôi còn gọi về nhà thông báo rằng sống rất hạnh phúc bên chồng, chồng con thương con lắm. Vậy mà..." - ông Sáu cho biết.

Cách đây hai ngày, ông Sáu đã có đơn gửi ủy ban xã xác nhận để gửi đơn này cho phía Hàn Quốc yêu cầu điều tra, xử lý và giải quyết vụ việc theo đúng chức năng, pháp luật hiện hành để tìm công bằng, lẽ phải cho con gái quá cố và gia đình ông. Đến hôm qua, gia đình vẫn chưa nhận được tro cốt của Huỳnh Mai.

Theo UBND xã Ngọc Chúc, đến hôm qua xã vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ trên nói đến việc Huỳnh Mai đã chết, chỉ có thông báo miệng. Theo phó chủ tịch UBND xã, trong hai năm qua toàn xã có khoảng 15 trường hợp lấy chồng người nước ngoài nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào bi kịch như của Huỳnh Mai.

“Lời cảnh tỉnh”

Đinh Thị Kiều Oanh (30 tuổi, một cô dâu Việt hiện đang sống tại Incheon, Hàn Quốc)

Đau cho tuổi 20 của em... Đau cho tình cảnh buồn thảm của em mà khi đó em không có ai để giãi bày, nương tựa. Đau cho ước mơ giản dị và tấm lòng chân thật của em bị chà đạp. Chỉ mong đây là một lời cảnh tỉnh hết sức đắt giá cho những cô gái đang muốn lấy chồng Hàn để đổi đời. Mong rằng các em hãy suy nghĩ thật kỹ và trước hết nên tìm hiểu thật nhiều thông tin về chính ông chồng tương lai của mình. Nếu có ý định kết hôn với người Hàn Quốc nào đó, các em nên bí mật lấy số chứng minh nhân dân hoặc sao chép hộ chiếu của người đó rồi mang lên đại sứ quán nhờ kiểm tra nhân thân vị hôn phu. Và khi đã sang Hàn rồi thì số điện thoại khẩn cấp nhất mà các em nên gọi khi gặp tình cảnh nguy hiểm là điện thoại của cảnh sát: 112... Ngoài ra, các em cũng nên biết số điện thoại của Hội Phụ nữ Hàn Quốc dành cho phụ nữ di trú: 1577 1366.

Các cô dâu Việt cần liên hệ với Đại sứ quán VN

Các cô dâu Việt tại Hàn Quốc khi bị gia đình nhà chồng đối xử tệ bạc cần liên hệ khẩn cấp với Đại sứ quán VN ở thủ đô Seoul để nhận được sự hỗ trợ. Đó là khẳng định của ông Phạm Hữu Chí, tham tán công sứ Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc, sau sự kiện cô Huỳnh Mai (20 tuổi, quê ở Kiên Giang) bị người chồng Hàn Quốc đánh đập đến chết.

img
Chương trình "Cùng tìm kiếm tội phạm" của đài phát thanh KBS phát bản tin về Huỳnh Mai - Ảnh: KBS

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại ngày 13-8, ông Phạm Hữu Chí cho biết:

- Đại sứ quán đã xây dựng cơ chế hỗ trợ các cô dâu Việt tại Hàn Quốc. Khi các cô dâu Việt bị bạo hành liên hệ với Đại sứ quán, chúng tôi sẽ thông báo cho Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, chính quyền địa phương và cảnh sát tại khu vực họ đang định cư để nhờ can thiệp. Đồng thời, Đại sứ quán cũng có sự phối hợp với nhiều tổ chức nhân đạo chuyên hỗ trợ phụ nữ nước ngoài tại Hàn Quốc để họ có thể can thiệp, giúp đỡ các cô dâu Việt.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây một số cô dâu Việt gặp hoàn cảnh khó khăn đã chủ động gọi điện đến Đại sứ quán và đã được giải quyết giấy tờ để về nước.

Hiện tại, trên bản tiếng Việt của website Đại sứ quán có công bố đầy đủ địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email để những người cần giúp đỡ liên hệ. Các cô dâu Việt khi gặp khó khăn hãy gọi điện trực tiếp đến số điện thoại của bộ phận lãnh sự Đại sứ quán.

Đại sứ quán đã phản ứng thế nào về vụ cô Huỳnh Mai bị sát hại?

- Điều đáng tiếc là cô Huỳnh Mai đã không liên hệ với Đại sứ quán. Chúng tôi chỉ biết được vụ việc sau khi báo chí Hàn Quốc công bố lá thư của cô Huỳnh Mai. Lúc đó chúng tôi đã chính thức đề nghị Bộ Ngoại giao và cảnh sát Hàn Quốc điều tra vụ việc. Gia đình cô Huỳnh Mai tại VN đã ủy quyền cho sứ quán tổ chức hỏa táng thi hài của nạn nhân.

Hiện tại tro thi hài của cô Huỳnh Mai vẫn được bảo quản tại Cheonan. Chúng tôi đang đề nghị Bộ Ngoại giao giải quyết thủ tục để đưa tro thi hài của cô Mai về nước. Tuy nhiên, chủ trương của Đại sứ quán vẫn là chờ cảnh sát Hàn Quốc điều tra tận gốc vụ sát hại cô Mai, xác định rõ tội danh của người chồng là ông Jangamuke mới chuyển tro thi hài cô Mai về nước.

.Xin ông cho biết hoàn cảnh của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc nói chung?

- Hiện tại ở Hàn Quốc ước tính có 15.000-17.000 cô dâu Việt. Họ sống rải rác tại nhiều tỉnh thành, nhưng phần lớn là ở khu vực nông thôn. Theo khảo sát của Đại sứ quán, cũng có cô dâu Việt sang Hàn Quốc có cuộc sống khá giả, ổn định. Tuy nhiên, phần lớn là sống trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Một vấn đề nữa là phần lớn các cô dâu Việt có trình độ khá hạn chế, do đó thường bị cô lập và thiếu sự liên hệ với bên ngoài.

Hiện tại, Đại sứ quán không thể nắm được thông tin về toàn bộ số lượng cô dâu Việt bởi phần lớn trong số họ sang Hàn Quốc qua các trung tâm môi giới hôn nhân tư nhân. Khi đi sang họ xin visa từ Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM nên không thông báo cho Đại sứ quán. Chỉ đến hai năm sau khi định cư, đến thời điểm cắt quốc tịch họ mới liên hệ với Đại sứ quán.

.Cảm ơn ông.

Địa chỉ Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc là 28-58 Samchong-Dong, Chongno-Ku,110-230, SEOUL. Website tiếng Việt của Đại sứ quán có địa chỉ là http://www.vietnamembassy-seoul.org/vi.

Trang chủ của website có mục Liên hệ với Đại sứ quán, trong đó có các thông tin về số điện thoại: (822) 739 2065; 738 2318, số fax: 739 2064; 738 2317 và địa chỉ email: vndsq@yahoo.com. Những cô dâu Việt cần sự giúp đỡ có thể gọi điện thẳng đến số điện thoại của bộ phận lãnh sự: (822) 734 7948.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo