xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải lương đang gặm nhấm hào quang quá khứ

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nhiều kịch bản mới chưa đủ sức lay động lòng người, còn xa rời cuộc sống, nhân vật mờ nhạt

Sàn diễn cải lương năm nay sôi động với nhiều live show và chuyên đề sân khấu của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời được đua nhau tổ chức, một hình thức không mới để tự cứu mình của sân khấu cải lương.  Hầu hết các chương trình đều sử dụng kịch bản cũ với các trích đoạn đã được khán giả thuộc nằm lòng.


Dựng lại vở cũ cho chắc ăn


Điều gì khiến người xem vẫn còn yêu mến nghệ sĩ dù đến xem những vai diễn cũ? Trả lời câu hỏi này, soạn giả Kiên Giang giải thích: “Khán giả cải lương thường trung thành với những dấu ấn mà nghệ sĩ đã mang tới cho họ. Ở một lớp tuồng hay, một câu vọng cổ mùi mẫn cũng đủ sức làm say đắm lòng người và lôi kéo họ đến rạp. Ma lực đó được hình thành từ những cảm xúc chân thật mà nghệ sĩ đã truyền đến cho khán giả. Không phải ai cũng đủ sức làm nên ma lực đó một khi không có kịch bản hay, không có sự sáng tạo, không có sự lao động hết mình. Thà xem một vai cũ, một trích đoạn cũ còn hơn xem một trích đoạn mới mà chẳng cảm được nội dung”.


Về phía nghệ sĩ, hầu hết đều có suy nghĩ rằng tổ chức đêm chuyên đề và live show của mình thì phải làm lại những vai diễn đã in sâu trong tâm trí người xem, nhưng họ quên mất là tuổi thanh xuân và khả năng ca diễn không còn thích hợp với nhân vật, do đó hiệu quả nghệ thuật sẽ không cao. Chính điều này càng bào mòn ấn tượng của khán giả về những gì thần tượng của mình đã đạt được cách đây mấy mươi năm.

img
NSƯT Thanh Sang - NSƯT Bạch Tuyết trong trích đoạn Kiều Nguyệt Nga, một vở cũ rất ăn khách


NSƯT Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Vũ Linh là những nghệ sĩ ý thức được điều này, nên trong các đêm diễn của mình, họ đã cố gắng tìm cái mới dù là vai diễn cũ nhưng hình thức thể hiện phải mới. Ngay cả với ca sĩ Hương Lan khi hoài niệm về chiếc nôi cải lương, chị cũng muốn mình được mới hơn nên chọn trích đoạn Võ Tắc Thiên để diễn trong live show của chị vừa diễn ra tại Nhà hát Bến Thành (TPHCM), dù phải đóng vai đào độc.

Tâm lý chọn vai diễn cũ để quay hình kỷ niệm chỉ là một phần, phần lớn hơn là bảo toàn đồng vốn đầu tư cho đêm diễn. Nghệ sĩ Vũ Luân giải thích: “Khán giả không chịu xem tôi diễn vở mới, nhất là vở xã hội. Cho đến hôm nay, dù không ít khán giả đã thuộc lòng vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  do tôi diễn nhưng hễ đưa lên lịch diễn vở này thì lập tức cháy vé. Do đó, khi làm live show với số vốn đầu tư từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, mình phải chọn vở cũ diễn lại cho chắc ăn”.


Kịch bản mới chưa lay động lòng người


Nhìn vấn đề vực dậy sân khấu cải lương ở tầm bao quát để thấy sàn diễn của bộ môn này không thể tồn tại với các đêm diễn “lấy ngắn nuôi dài”. Nghệ sĩ nào cũng tranh thủ làm chuyên đề, tổ chức live show nhưng chỉ là hình thức, nói như NSƯT Ngọc Giàu: “Tự gặm nhấm phần hào quang quá khứ của chính mình”. Sân khấu cải lương của một trung tâm văn hóa lớn của cả nước phải có những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Thế nhưng từ khi UBND TPHCM chỉ đạo nâng cấp cải lương đến nay, có quá ít vở diễn đạt tính nghệ thuật và doanh thu. Nói đúng hơn nhiều kịch bản mới chưa đủ sức lay động lòng người. Nhiều vở diễn tạo khoảng cách quá xa với thực tế cuộc sống hôm nay, chưa nói đến sự ấu trĩ của người viết khi áp đặt những câu chuyện, những mâu thuẫn của thời trước vào suy nghĩ, quan điểm của con người ngày nay, thông qua các nhân vật chỉ xuất hiện mờ nhạt.

Chính những yếu tố đó khiến các vở diễn ra mắt không bao lâu đã chìm vào lãng quên. Sân khấu Vàng của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương – Lệ Thủy cũng phải chọn kịch bản cũ, nổi tiếng một thời: Sông dài, Lá sầu riêng, Tô Ánh Nguyệt, Rạng ngọc Côn Sơn, Đoạn tuyệt... để dựng lại, vì theo NSƯT Minh Vương: “Kịch bản mới không thuyết phục chúng tôi thì làm sao khán giả chấp nhận”. NSƯT Lệ Thủy cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều kịch bản mới lắm, nhưng đọc rồi thấy khó dựng quá, vì lời văn câu hát không có chiều sâu.

Hiện nay tôi đang chọn được hai kịch bản mới: Mưa nguồn của Hoàng Song Việt và Người đẻ mướn của Duy Chung, nhưng phải trao đổi với tác giả để viết lại một số cảnh”.

Khan hiếm tác giả viết kịch bản cải lương

Hiện các sân khấu cải lương đang gấp rút tìm kiếm kịch bản mới để dàn dựng tham gia Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức vào tháng 10-2009 tại Cần Thơ. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã chọn kịch bản Dấu ấn giao thời (nhóm Thắp sáng niềm tin) để tham dự. Nhóm nghệ sĩ Vũ Luân dàn dựng vở cải lương Diễn kịch một mình, do NSƯT Bạch Tuyết đạo diễn. Chưa biết những sáng tạo trong các vở diễn này đạt đến ngưỡng nào nhưng qua một số vở diễn tham gia hội diễn trước đây, cho thấy chúng đều chịu chung số phận hẩm hiu là không đến được với công chúng.

Một nghịch lý mà các nhà chuyên môn đã nhìn nhận đó là đội ngũ tác giả trẻ viết kịch bản cải lương đang khan hiếm trầm trọng. Ngoài Hoàng Song Việt, Duy Chung, Tô Thiên Kiều, Võ Tử Uyên... đã trong ngoài tuổi 40, còn lại đều đã trên 60 tuổi. Thiếu vốn sống, thiếu thực tế trải nghiệm là một nguyên nhân khiến những cây bút sáng tác kịch bản cải lương hiếm có tác phẩm hay. Chiều sâu của kịch bản sẽ làm nên diện mạo mới cho đời sống sàn diễn cải lương nhưng rất tiếc chiều sâu đó khó mà đạt được trong một thời gian ngắn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo