xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Càng thành công càng biết lắng nghe

Cát Vũ thực hiện

Nghệ sĩ Hữu Châu nghĩ rằng có ăn học cỡ nào mà không hiểu đạo lý cũng là kẻ bỏ đi. Nghệ sĩ chỉ biết có nghề mà không biết đến sĩ cũng không được

- Phóng viên: Hẳn là anh rất vui với chiếc HCV đầu tiên cho vai Lý Đạo Thành trong vở Ngàn năm tình sử tại Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua?


-  Nghệ sĩ Hữu Châu:
Ai đi thi cũng muốn mình được giải thưởng. Tôi cũng vậy, nhận được HCV chắc chắn là vui nhưng điều đó cũng khiến tôi nhìn lại bản thân.  Tôi nghiệm ra rằng nếu biết nghĩ đến người khác thì Tổ sẽ cho mình.  Tôi muốn san sẻ giải thưởng vai Lý Đạo Thành cho hai “đứa em” mà tôi nghĩ  rất xứng đáng  trong vở là Mỹ Duyên và Hương Giang.  Đó là những diễn viên  đang có tên tuổi nhưng vẫn sẵn sàng đóng vai quần chúng suốt vở một cách rất nhiệt tình, hết lòng vì lợi ích chung.

img
Hữu Châu tại lễ trao giải Mai Vàng lần thức XIV-2008. Ảnh: N.Hữu


- Anh đã tạo được sự khác biệt giữa một Hữu Châu - Lý Đạo Thành trong Ngàn năm tình sử với Hữu Châu- Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi. Điều này thật không dễ ?

- Khi nhận vai Lý Đạo Thành, tôi  sợ sẽ bị diễn trùng lặp với vai Nguyễn Trãi, vì hai ông cũng  đều là quan văn nhưng vì danh dự nghề nghiệp, tôi phải cố tìm sự khác biệt và may mắn là đã tìm được. Nguyễn Trãi đã cáo lão hồi hương, vẫn giữ một chức vụ nhưng không có thực quyền, không can dự chuyện triều chính. Còn  Lý Đạo Thành là thái sư đương triều, quyền hành chỉ  dưới vua.

Vì vậy, tôi tạo cho hai ông có phong thái khác nhau về cơ bản.  Nguyễn Trãi là nhà thơ nên lãng mạn hơn, nhân hậu hơn, tự tại hơn trong cách đi đứng, nói năng. Lý Đạo Thành đang chấp pháp, là người rất tôn trọng nguyên tắc và điển lễ nên bước đi nhanh nhẹn hơn, thần khí mạnh mẽ hơn.  Tôi tìm được hai phong cách khác nhau này chẳng khác nào tìm ra được đáp số cho riêng mình. Và may thay, đáp số đó đã được mọi người chấp nhận.  Tôi coi đó chính là một phần thưởng.


- Anh có buồn khi Ngàn năm tình sử không được giải cao nhất?

- Tôi nghĩ cái gì của mình vẫn sẽ là của mình. Phần thưởng lớn nhất của nghệ sĩ là do công chúng ban tặng nhưng cũng đừng ngủ quên trong đó. Càng thành công càng phải biết lắng nghe.

- Người ta nói rằng cách thể hiện hình tượng các nhân vật lịch sử của Hữu Châu mang nặng dấu ấn cải lương? 

- Nói như vậy đâu có sai.  Nghệ thuật truyền thống của ông bà mình để lại có nhiều cái phải học.  Triều đại nào ngày trước cũng có “bộ lễ” để quy định cách ăn mặc, đi đứng, chào hỏi, ... Đã lễ nghi là phải có phong thái, bộ tịch.  Muốn có phong thái phù hợp với bộ triều phục thì không đâu bằng tìm trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc, nơi cha ông mình đã chọn lọc thành hình mẫu. 

Tôi bắt buộc phải mượn ít nhiều hình thức từ cải lương để có những bước chân của người xưa, trong đôi giày xưa... Cách đi của Nguyễn Trãi rất nhẹ nhàng như ông tiên, còn Lý Đạo Thành thì nhanh và chắc.


- Nhập vào những vai như vậy hẳn là anh rất mệt?

- Mệt lắm và vui lắm.  Bữa nào diễn xong tôi cũng có cảm giác như mình chỉ còn cái xác ve, thở không ra hơi nhưng có khán giả đến nắm tay hỏi anh ơi có mệt lắm không, có đau cổ không là tôi hạnh phúc rồi. Còn gì bằng khi khán giả hiểu được mình. 

Khi chuẩn bị đóng những vai này, tôi lật sách vở ra tìm hiểu thì biết rằng đó là những kẻ sĩ chân chính. Mà chữ sĩ được định nghĩa là người hiểu đạo lý. Tôi bèn liên tưởng đến những nghề có kèm chữ sĩ như nghệ sĩ, bác sĩ,... Có ăn học cỡ nào mà không hiểu đạo lý cũng là kẻ bỏ đi. Nghệ sĩ chỉ biết có nghề mà không biết đến sĩ cũng không được.


- Một danh hài lại được mến mộ qua vai bi. Hữu Châu lý giải thế nào về sự nghịch lý này của mình?

- Thế hệ của tôi ngày trước mấy ai ra trường không sống bằng nghề tấu hài?  Nhờ những vai hài mà tôi được nổi tiếng, có tiền, có nhà. Nếu hỏi tôi thích diễn vai bi hay vai hài, tôi sẽ trả lời rằng vai bi. Bởi vai bi giúp tôi được nằm một góc nhỏ trong trái tim khán giả.  Tôi muốn mình đến già cũng còn được diễn và ao ước được nằm hoài trong góc nhỏ đó. 


- Hữu Châu  là một trong vài nam diễn viên đóng giả gái thành công.  Những vai diễn này của anh luôn thể hiện sự sáng tạo như vai mụ mối Prozin trong vở Lão hà tiện, Thị Mầu, bà lão (vở Trắng, xanh, vàng, đỏ), Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình)… và mới đây là Kỳ Duyên (Cuộc chơi nghiệt ngã).  Anh nghĩ gì khi nhận đóng loại vai này?

- Tôi chẳng hề suy nghĩ gì. Nghề diễn cứ có vai là nhận và cố gắng làm tốt các vai được giao. Nhìn lại, những vai nữ của tôi đều rất khác xa nhau, mỗi người một kiểu.  Diễn vai nữ rất khó, chỉ cần nhích một chút là thành lố, không tính kỹ một tí là thành “dơ”. Tôi vào các vai nữ này nhẹ nhàng, không căng thẳng, lo lắng như khi đóng các nhân vật lịch sử mà mình yêu thích.


- Mấy chục năm đứng trên sân khấu, có điều gì khiến anh buồn ?

- Tôi chính thức lên sân khấu trên 30 năm, còn nếu tính từ khi tốt nghiệp ra trường thì sang năm 2010 là đúng 25 năm. Nếu có điều gì buồn là buồn cho nhân tình thế thái giữa những người làm nghề. Đành rằng ai cũng có tham vọng nhưng đôi lúc cũng phải biết nhường cho người khác.

Nhiều khi nhìn người ta đối xử với nhau, không dính dáng gì tới mình, tôi cũng buồn, phải chi họ tử tế với nhau một chút.


- Anh có hài lòng với cuộc sống hiện tại?

- Tôi không mong gì hơn nữa. Tổ đã cho tôi gặp được những vai diễn tốt, được khán giả yêu mến. Anh em trong nghề khi gặp gì khó khăn thường tin tưởng nhờ tôi giúp. Có những người bạn mấy chục năm nay vẫn còn thân thiết với mình. Hạnh phúc nhất là những lúc mình buồn thì có những người chân thật cạnh mình để chia sẻ. Điều tôi ước ao, muốn làm khi mới vào nghề, nay đã làm được.

Đó là xây được ngôi nhà khang trang, sắm sửa tiện nghi đầy đủ  để phụng dưỡng mẹ và anh em có điều kiện sống quây quần bên nhau. Tôi không có gia đình riêng nên trở thành “ba Châu” của tất cả các cháu. Bao nhiêu tiền bạc tôi kiếm được đều dồn hết lo cho gia đình chung, không giữ gì cho riêng mình.

Vinh dự  


Nghệ sĩ Hữu Châu đã hai lần đoạt Giải Mai Vàng:  Vai ông Cả trong vở Cái tráp vàng (năm 2000) và vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (năm 2007).

Hai Giải Mai Vàng chưa phải là nhiều so với những gì Hữu Châu đóng góp cho sân khấu trong mấy chục năm qua. Anh tâm sự: “Tôi học ở người xưa sự tự tại, cái gì tới sẽ tới, không tới cũng không buồn, có tới cũng không làm mình hóa điên. Dường như năm nào tên tôi cũng được nằm  trong danh sách đề cử Giải Mai Vàng. Chỉ vậy thôi là tôi cảm thấy vinh dự rồi".


TÀI TRỢ GIẢI MAI VÀNG 2009

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo