xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có một giao hưởng làng

Bài và ảnh: Thảo Chi

Trong các loại nhạc cụ, violon được xếp vào hàng “quý tộc”. Người chơi violon thường được đào tạo hẳn hoi. Nhưng tại một làng quê nghèo ở Bắc Giang, có một đội violon nổi danh đã nửa thế kỷ nay

Năm 1962, tại Liên hoan Ca múa nhạc quần chúng phía Bắc, đoàn Bắc Giang đã khiến người ta phải ngỡ ngàng khi đăng ký dự thi tiết mục hòa tấu violon Vũ khúc hoa sen. Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn nữa, tất cả nhạc công của đội violon ấy đều là người cùng một làng: làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trên sân khấu, khúc hòa tấu đàn dây của những chàng nông dân vang lên chẳng kém gì dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp. Huy chương vàng của liên hoan được trao cho Vũ khúc hoa sen trong sự đồng thuận tuyệt đối của Ban Giám khảo và sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả.

Sau Huy chương vàng ấy, đội văn nghệ làng Then thường xuyên được mời đi biểu diễn khắp nơi. Không chỉ là các ngày hội, ngày lễ trong huyện, trong tỉnh mà cả ở những sự kiện lớn của cả nước: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (1976), Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2005...

Những nhạc công chân đất

Cũng như bao vùng quê khác ở Bắc Giang, Bắc Ninh, người dân làng Then mang sẵn trong mình tình yêu âm nhạc, thi ca. Từ xưa, mỗi dịp hội hè đình đám, khắp làng lại vang lên tiếng nhị, sáo, đàn tranh... Năm 1954, khi miền Bắc được giải phóng, làng Then được đón đoàn văn công bộ đội về biểu diễn. Lần đầu tiên, người dân làng Then biết đến những nhạc cụ khác với những loại cổ truyền mình thường chơi: mandolin, kèn Tây và đặc biệt là violon. Không lâu sau, cây đàn violon đã xuất hiện trong làng Then. Mê tiếng vĩ cầm, nhiều người trong làng dám bán cả trâu, lợn, thóc..., ra tận Hà Nội tậu đàn về chơi. Không có thầy dạy, người dân làng Then tự bảo nhau, tay chuyền tay những quyển sách dạy nhạc lý cơ bản, hướng dẫn sử dụng violon...

Sau mỗi buổi cày ruộng, đào ao, đắp đập, họ lại lôi violon ra chơi. Những dịp nông nhàn, họ lại kéo nhau đi từ làng này qua làng khác để biểu diễn, có khi đi bộ cả chục cây số. Họ chơi đàn chẳng bởi lý do gì khác ngoài vì vui, vì thích. Trong một chuyến biểu diễn như thế, các nhạc công chân đất làng Then ghé vào thăm Ty Văn hóa Bắc Giang và ngay lập tức được Ty Văn hóa cử thầy Đỗ Bào về tận làng để dạy mọi người chơi violon một cách bài bản. 12 học sinh của lớp violon được bắt đầu từ năm 1956 này chính là đội văn nghệ giành được Huy chương vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc năm 1962.

Trở về từ liên hoan, đội vĩ cầm làng Then mỗi người một nơi: người đi chiến trường, người vào văn công... Vắng tiếng nhạc, không khí trong làng im ắng hẳn. Các cụ bô lão trong làng liền “triệu tập” ông Nguyễn Hữu Đưa - một cây violon xuất sắc của làng, đang là nhạc công của Đoàn Ca múa kịch Hà Bắc - về dạy nhạc cho con em trong làng. Tiếng vĩ cầm lại vang lên réo rắt, thiết tha khắp các bờ đê, gốc rạ của làng Then. Kể từ lớp học đầu tiên vào năm 1972 gồm 13 người, đến nay, ông Đưa đã dạy violon cho gần 100 học trò. Không chỉ con em làng Then, những người ở các làng xung quanh như làng Chùa, xóm Dạ... cũng tìm đến học. Hầu hết học trò của ông Đưa đều trở thành diễn viên, nhạc công ở các đoàn nghệ thuật tỉnh, trung ương.

Phong trào chơi vĩ cầm ở làng Then phát triển mạnh nhất là vào đầu những năm 1980. Lúc đó, nhiều học trò của ông Đưa vừa rời quân ngũ trở về, mang theo những kiến thức âm nhạc học được trong quân đội cũng như lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hơn bao giờ hết, Nhà Văn hóa của làng mở quanh năm, tưng bừng lời ca, tiếng nhạc. Có những khi họ chơi violon thâu đêm. Tiếng đàn không chỉ khiến xóm giềng xích lại gần nhau hơn mà còn giúp người dân xua tan những nhọc nhằn, vất vả. Đắm mình vào âm nhạc, họ được sống một cuộc sống khác - bay bổng, lãng mạn, khác xa với những lo toan chật vật vì miếng cơm manh áo đời thường.

Còn ai nâng tiếng vĩ cầm?

Hiện nay, người kế tục ông Đưa trong việc truyền dạy violon cho con em trong làng là anh Nguyễn Quang Khoa. Giữa năm 2005 vừa qua, anh Khoa cùng những học trò cùng lớp học năm 1975 của thầy Đưa đã đứng ra tổ chức một cuộc hội ngộ kỷ niệm 50 năm phong trào văn nghệ của làng Then. Trong ngày hội ấy, “dàn nhạc giao hưởng làng” gồm 3 thế hệ đã cùng nhau chơi những bản hòa tấu “tủ” của mình trong niềm hưng phấn tột đỉnh: Hoa thơm bướm lượn, Du kích Sông Thao, Việt Nam đẹp nhất tên Người...

Tuy nhiên, cuộc hội ngộ này không đủ xóa đi những ưu tư trên nét mặt của những người tâm huyết với “đặc sản” của làng như ông Đưa, anh Khoa. “Số trẻ theo học violon ngày một ít đi. Một phần vì loại đàn này rất khó chơi: không có các nốt cố định, hoàn toàn phải cảm nhận bằng tay, bằng tai, phải rất kiên trì mới tập được. Phần nữa là các cháu còn phải tập trung học văn hóa để còn tính chuyện tương lai sau này. Violon chỉ để chơi thôi, mà mấy ai dám bỏ cả triệu đồng ra mua đàn chỉ để cho con chơi trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay” – anh Khoa nói.

Hy vọng

Theo ông Nguyễn Hữu Đưa, có một tổ chức của Nhật hứa sẽ tài trợ cho việc khôi phục, phát triển phong trào chơi vĩ cầm ở làng Then.

img
Tay vĩ cầm kỳ cựu của làng Then: Nguyễn Hữu Đưa

Lời hứa ấy, người dân làng Then nghe nói đã khá lâu, đến giờ vẫn chưa thấy thành hiện thực, nhưng dẫu sao cũng nhen nhóm lên trong lòng họ ít nhiều hy vọng...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo