xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Con cà, con kê” là con gì?

Hoàng Tuấn Công

Nghĩa bóng của thành ngữ này hầu như ai cũng hiểu nhưng nghĩa đen của “con cà, con kê” mới là thứ tốn hao giấy mực, gây tranh cãi đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Nhóm quan điểm thứ nhất, trong đó có GS Nguyễn Lân, cho rằng: “Cà là do từ cổ có nghĩa là gà”. Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ giải thích: Con gà âm Hán là kê, tiếng Mường là kha, tiếng Nghệ Tĩnh là ga, cổ âm đồng hóa với ca, cà. “Con cà, con kê” là nói đi nói lại cùng một chuyện, dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại... con gà”.

Trong khi nhóm ý kiến thứ hai lại cho rằng cà và kê ở đây thực chất là 2 loại cây. Lê Gia trong sách “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” giải thích: Quả cà và bông kê là 2 thứ “rất nhiều hột”, khi gieo ương thì mọc rất nhiều cây con và thường gọi là “con cà, con kê”, để “chỉ sự sinh sản ra quá nhiều, thường dùng chỉ về sự nhiều việc, nhiều chuyện xảy ra”.

Cũng lại có ý kiến cho rằng thành ngữ này sử dụng từ có gốc tiếng Pháp. Theo đó, caquet (từ tượng thanh đọc là ca kê) chỉ tiếng gà cục tác, nghĩa bóng là ba hoa. “Caqueter (động từ) nghĩa là nói không ngừng, nói dông dài, nói chuyện tầm phơ khiến người nghe phải khó chịu”. Ta đã nhập caquet của Pháp, rồi Việt hóa thành “cà kê”.

Những người thuộc nhóm ý kiến thứ nhất đã bác bỏ cách hiểu thứ hai vì cho rằng trong khoa học, không có con nào tên là con cà.

Ngược lại, những người ở cách hiểu thứ hai đã chỉ ra điểm không ổn của việc tự điều chỉnh lại nghĩa bóng cho hợp với cách giảng nghĩa đen (thành ngữ ám chỉ sự lan man, dài dòng, hết chuyện này sang chuyện khác chứ không phải nói loanh quanh, lòng vòng, nhăng cuội, hết chuyện con gà rồi lại quay lại... con gà).

Theo chúng tôi, “con cà, con kê” (dị bản “cà kê dê ngỗng”) là chuyện lan man, dông dài, không theo chủ đề nào, giống như từ chuyện “cây cà” chuyển sang chuyện “cây kê”; từ “dê” lại sang chuyện “ngỗng”. Trong khi “cà” với “kê”, “dê” với “ngỗng” là những giống loài hoàn toàn khác nhau, chẳng dính dáng gì đến nhau.

Tuy nhiên, thành ngữ nói “con cà” chứ đâu nói “cây cà”?

Lý giải cho cách hiểu này thì ở Thanh Hóa hiện vẫn còn gọi giống cây trồng là “con”. Ví dụ: “Nghề làm con rau” (tức làm giống rau), “Đi chợ bán con rau”, “Mua vài bó con cải (con đay, con su hào...) về trồng”; “Trồng được mấy trăm con cà”... “Con cải”, “con cà” và “con kê”... ở đây đơn giản là chỉ cây con, cây giống. Cách gọi này có vẻ như thật khó tin. May thay, “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) đã thu thập chữ “con” (danh từ) với nghĩa chỉ giống cây, cây nhỏ mới mọc và xếp vào diện “id” (ít dùng), với lời giảng: “con [id] cây nhỏ mới mọc, thường dùng để cấy trồng, gây giống: cấy khoảng vài trăm con rau ~ mua mấy trăm con giống về trồng”.

Có thể nói, dị bản “cà kê, dê ngỗng” cho chúng ta thêm bằng cứ để khẳng định “con cà, con kê” không thể “đều là gà”. Bởi nếu vậy, dị bản “cà kê, dê ngỗng” phải là “cà kê, dê dương” mới đúng với nghĩa nói quanh quẩn, hết chuyện cà (gà) rồi lại quay lại gà, hết chuyện dê rồi lại chuyện dê (dương).

Như vậy, “con cà, con kê” là những câu chuyện vãn, chuyện phiếm, cốt giết thời giờ rảnh rỗi. Vì là chuyện gẫu (gặp đâu nói đó) nên câu chuyện thường chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác lúc nào không hay. Chính bối cảnh nhàn rỗi, chẳng có gì thúc bách về thời gian đã tạo nên tính chất rề rà của “con cà, con kê” chứ không phải việc trồng cà, trồng kê tỉ mẩn, rề rà, chậm chạp, lâu xong mà thành “con cà, con kê”.

Dĩ nhiên, đến đây chúng ta cũng có thể mạnh dạn loại trừ thuyết cho rằng caquet được “nhập cảng”, rồi chuyển nghĩa ba hoa của ca kê trong tiếng Pháp, thành “cà kê”, rồi “con cà, con kê” trong tiếng Việt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo