xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hụt hẫng tác phẩm trong nước

Theo SGGPO

Có một thời gian, người ta buộc tội văn hóa nghe nhìn với trò chơi điện tử, phim hoạt hình, phim truyện…tràn ngập trên thị trường đã làm mất đi thú vui đọc sách nơi thiếu nhi.

Đó cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu vắng các tác phẩm dành cho độc giả nhỏ tuổi của các nhà văn Việt Nam. Nhưng với cơn sốt Harry Potter mới đây nhất chắc chắn sẽ làm thay đổi quan niệm đó.

Vắng bóng tác giả Việt

Mặc dù những tập đầu tiên của Harry Potter không thu hút độc giả nhỏ tuổi Việt Nam như nó đã từng làm ở nhiều nước trên thế giới nhưng bộ sách này quả thật đã mang lại một điều bất ngờ cho những người vẫn tin rằng trẻ em ngày nay không thích đọc sách văn học.

Ngay sau đó, như để minh chứng cho lập luận trên, hàng loạt bộ sách văn học dày - loại sách được cho là đã bị đào thải khỏi nhu cầu đọc của trẻ em ngày nay - lại liên tục xuất hiện và thu hút nhiều độc giả như Eragon, Charlie Bone, Kỵ sĩ Rồng. Đó là chưa kể những tập tiếp theo của bộ Harry Potter đang càng lúc càng lôi cuốn thêm nhiều fan hâm mộ mới.

Vừa qua, hàng chục ngàn cuốn Harry Potter tập mới nhất đã được bán hết trong vòng một ngày và đơn vị xuất bản phải vội vã tiến hành tái bản chỉ 1 ngày sau khi phát hành chính thức. Sự thành công của các bộ sách trên đã phản ánh rõ nhu cầu đọc sách vẫn là một nhu cầu không thể thay thế được đối với thiếu nhi, bất chấp việc xuất hiện các hình thức giải trí hấp dẫn khác.

Trong khi các tác phẩm văn học cho thiếu nhi của nước ngoài tràn ngập trên thị trường thì các tác phẩm văn học của các tác giả trong nước lại chìm lặng một cách đáng sợ. Ngoại trừ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lẻ loi với Chuyện xứ LangBiang giành được thành công nhất định còn lại hầu như không thấy bóng dáng một tác phẩm hay một nhà văn viết cho thiếu nhi nào tạo được ấn tượng trong lòng đôïc giả.

Không có gì lạ khi nhà văn Nguyễn Trí Công, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi khi nhận xét về công tác sáng tác cho thiếu nhi đã phải chua xót thừa nhận: “Còn bỏ ngỏ, tác phẩm viết ra không có tiếng vọng lại. Người ta không màng ngó tới”.

Cả nước có hai đơn vị chuyên xuất bản các ấn phẩm dành cho thiếu nhi là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ. NXB Kim Đồng vẫn duy trì hai dòng tác phẩm cho thiếu nhi của các nhà văn trong nước, một là tái bản tác phẩm của những nhà văn có tên tuổi, hai là các tác phẩm của nhà văn mới ở hai thể loại sách và truyện tranh.

Thế nhưng, các tác phẩm này khi đưa ra thị trường đều không tạo được ấn tượng đối với độc giả. Thậm chí, tại khu vực phía Nam khi nhắc tới NXB Kim Đồng, độc giả nhỏ tuổi hầu như chỉ nhớ tới Thám tử Conan, Doreamon, Yaiba và những bộ truyện tranh đang rất ăn khách hiện nay của NXB.

Còn NXB Trẻ với thế mạnh truyền thống của mình là mảng truyện tranh đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị làm văn hóa khác giới thiệu ra thị trường được ba bộ truyện tranh của tác giả Việt Nam trong đó có bộ Thần đồng Đất Việt gây xôn xao một dạo và bộ Kiến Vàng đang được coi là điển hình của phong cách sáng tác mới.

Tuy nhiên, các bộ truyện này quá ít so với nhu cầu cộng với sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu kịch bản và thể hiện nên đã mau chóng bị các loại truyện tranh nước ngoài đè bẹp. Về phần sách văn học cho thiếu nhi, NXB Trẻ chủ yếu dựa vào nguồn sách từ các cuộc vận động sáng tác là chính.

Sáng tác cho thiếu nhi: Dễ hay khó?

Bất chấp việc các tác phẩm cho thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam bị che khuất bởi các tác phẩm nước ngoài, nhiều nhà văn vẫn tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi. Nổi lên trong thời gian gần đây là hai nhà văn Võ Phi Hùng với bộ tác phẩm nhiều tập mang đậm tính phiêu lưu, hiện thực nhan đề Sống sót vỉa hè và Nguyễn Ngọc Thuần được xem là một hiện tượng trong làng văn học thiếu nhi với các tác phẩm mang màu sắc lãng mạn, chiêm nghiệm như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng… từng liên tục đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi. Thế nhưng các tác phẩm này cũng nhanh chóng bị lãng quên.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người được coi là thành công nhất hiện nay trong lĩnh vực viết truyện cho thiếu nhi, thì sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi không phải là chuyện dễ. Cái khó nhất của một nhà văn viết cho thiếu nhi ở mọi thời kỳ có lẽ vẫn là làm sao cho tác phẩm trở nên gần gũi với các em, cả nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Nói khác đi, tác phẩm đó phải tạo được sự tin cậy nơi các em. Hiện nay, yêu cầu đó càng ngặt nghèo hơn, vì sách không còn là cánh cửa duy nhất mở ra thế giới như mấy chục năm trước đây. Trẻ em bây giờ có ít thời giờ hơn nhưng lại có nhiều chọn lựa hơn những thú vui cho mình nên nhà văn viết cho thiếu nhi hiện nay gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các nhà văn lớp trước.

Sáng tác cho thiếu nhi đã không dễ nhưng phần đáp lại càng không xứng đáng với công sức bỏ ra. Nhà văn viết cho thiếu nhi thường bị “xếp sau” những nhà văn có sáng tác chính thống khác. Các giải thưởng dành cho nhà văn viết truyện thiếu nhi cũng không được coi trọng như các giải thưởng trao cho các tác phẩm văn học khác.

Thậm chí, có người còn cho rằng các tác phẩm văn học cho thiếu nhi chỉ là những tác phẩm giải trí, không chứa đựng những tư tưởng lớn. Trong khi đó sáng tác xong, nhà văn phải chờ đợi một thời gian dài, có khi là vài năm mới có thể xuất bản được sách của mình. Nếu tác phẩm in 2000 cuốn bán với mức giá 12.000 đồng/cuốn thì số tiền nhuận bút chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, không đủ để tái tạo sức lao động nói gì đến việc có tác phẩm hay.

Vừa qua, tại Ninh Bình đã diễn ra Hội nghị bàn về công tác văn học thiếu nhi 2005-2010 do Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Ninh Bình phối hợp tổ chức. Trong đó, để khuyến khích năng lực sáng tạo những tác phẩm mới cho thiếu nhi, các đại biểu chủ yếu đề cập đến trách nhiệm của các nhà văn trước làn sóng tác phẩm văn học cho thiếu nhi của nước ngoài.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn kêu gọi chú trọng hơn nữa việc phát hiện tài năng sáng tác cho các em thiếu nhi cũng như kêu gọi sự hỗ trợ giúp sức của các cơ quan thông tin trong việc khuyến khích các đề tài viết cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, nhiều nhà văn khác lại cho rằng điều quan trọng nhất là phải có tác phẩm hay, từng nhà văn phải cố viết cho thật hấp dẫn. Harry Potter đã không thể thu hút độc giả nếu bà J.K Rowling không có cách viết lồng hư ảo vào hiện thực một cách hấp dẫn như vậy.

Để nhà văn có thể viết tốt cần có những ưu đãi, hỗ trợ và cần được đặt ở một vị trí xứng đáng với những đóng góp của mình. Khi đã có tác phẩm hay, mới cần điều thứ hai: phải có chiến dịch quảng cáo tiếp thị cho xứng đáng. Điều nghịch lý hiện nay là các tác phẩm nước ngoài được quảng cáo rất rầm rộ và chuyên nghiệp trong khi những tác phẩm tốt trong nước lại chưa được giới thiệu một cách xứng đáng. Việc thiếu một hình thức quảng bá rộng rãi là một nguyên nhân khiến sách văn học thiếu nhi trong nước xa rời bạn đọc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo