xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Long bào được chuộng ở trời Tây

Thanh Hiệp

Từ năm 2004 nghề may trang phục sân khấu khấm khá nhờ dịch vụ xuất hàng sang nước ngoài theo đường du lịch. Áo long bào sân khấu được giá ở trời Tây nhưng trong nước lại xảy ra tình trạng phá giá

Không rõ nghề may trang phục ở đất Sài Gòn - Gia Định xưa bắt nguồn từ đâu, chỉ biết theo lời của NSND Phùng Há thì cách đây 60 năm, các đoàn hát Tiều, hát Quảng từ Hồng Kông, Trung Quốc đến Chợ Lớn biểu diễn, khi quay về nước, họ đều bán tất cả trang phục, đạo cụ, kiếm đao, lông trĩ... cho các gánh cải lương ở Sài Gòn. Để cải tiến đồ hát cũ, các nghệ sĩ Sài Gòn bắt đầu sáng chế trang phục. Từ năm 1960, nghề may trang phục sân khấu ra đời, cung cấp cho các đoàn cải lương ĐBSCL.

Đổ xô về nước đặt hàng

Một Việt kiều có quan hệ mật thiết với giới sân khấu cải lương tuồng cổ cho biết, từ lô hàng đầu tiên của một người Việt ở Mỹ với hơn 100 long bào mua từ chợ Châu Đốc xuất sang cửa khẩu Tân Sơn Nhất đầu năm 2004, đến nay các tiểu bang có đông người Việt sinh sống tại Mỹ đổ xô nhau về nước đặt may long bào xuất khẩu. Từ 2,5 triệu đồng, có lúc giá một chiếc áo tăng lên 3,7 triệu đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thợ may Tân Châu đã bắt chước những mẫu mã mua được từ lò may trang phục sân khấu của các nghệ sĩ Công Minh, Kim Phượng - Tám Anh, cô Hai Cố Đô, Bảo Ly... sau đó thêm thắt nhiều chi tiết sao chép từ phim Hồng Kông, Trung Quốc để bán cho Việt kiều. Ở Tân Châu, nghề may trang phục sân khấu nổi lên từ khi có nhiều Việt kiều về nước đặt may áo long bào để dâng cúng Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, sau đó nghề này phất lên với lợi nhuận cao khi xuất sang các nước dưới hình thức hàng tặng phẩm.

Chú trọng hoa văn, họa tiết

Tuy nhiên, khi nhắc đến nghề may trang phục sân khấu xưa, người trong giới đều khâm phục tài năng của nghệ nhân Tám Trống. Ông được xem là tiền bối trong việc hoàn thiện trang phục dành cho vua, quan, hoàng hậu, công chúa... của bất kỳ vương quốc nào. Người đặt hàng chỉ cần nói sơ qua yêu cầu của chiếc long bào là sẽ toại nguyện với đúng thời hạn “hàng trao tiền nhận”. Quá trình sáng chế của nghệ nhân Tám Trống thường dựa trên những chất liệu có sẵn trong nước, quan trọng là hoa văn họa tiết được phối màu đẹp mắt. Lớp hậu bối của ông gần 10 năm qua gồm Công Minh, Yến Phương, Kim Phượng, Bảo Ly, Bo Bo Hoàng, Bạch Nga, Thanh Châu... đang chiếm lĩnh thị trường phân phối trang phục sân khấu cho các đoàn hát ở ĐBSCL, Huế, Đà Nẵng, các hãng phim video. Hiện nay có thêm lò may trang phục Tân Châu đã sống khấm khá nhờ xuất hàng sang các nước với giá rẻ nhưng chất lượng cao. Chị Kim Thanh – chủ cơ sở may long bào Tân Châu - cho biết: “So với hàng Trung Quốc, Hồng Kông, giá long bào sân khấu của ta rẻ hơn nhiều. Nếu hàng Trung Quốc giá khoảng 8 triệu đồng/áo thì hàng VN cao nhất chỉ 3,7 triệu đồng/áo.

Hàng hiệu nhanh, đẹp, bền

Trong số những người sống bằng nghề may trang phục sân khấu và long bào nổi tiếng tại TPHCM có nghệ sĩ Công Minh (con trai nghệ sĩ Minh Tơ, em ruột NSƯT Thanh Tòng). Anh đã sáng tạo cách dùng keo vẽ hoa văn, hình rồng, phụng lên vải, sau đó rắc kim tuyến, đính kim sa và may thành thân áo lộng lẫy (thay cho cách làm xưa phải thêu và đính bằng chỉ). Hiện nay, làng may trang phục Tân Châu và Sài Gòn đều áp dụng cách làm nhanh, đẹp và bền của anh.

Lại đối diện nỗi lo rớt giá

Đã có ý kiến phê bình trang phục tuồng cổ của một số đoàn cải lương “lai căng” phim ảnh Hồng Kông, Đài Loan... song đến nay, làng may trang phục sân khấu vẫn chưa thể góp phần khôi phục giá trị đích thực của một tác phẩm tuồng cổ dân tộc, nhất là khi cơn sốt bán long bào sân khấu tăng nhanh. Nghệ sĩ Công Minh cho biết nỗi trăn trở của các anh, chị là khâu thiết kế trang phục chỉ làm theo kiểu mạnh ai nấy làm, có khi may theo sở thích nghệ sĩ. Điều các anh chị này cần đó là sự thống nhất giữa tác giả và đạo diễn, cũng như ý thức của diễn viên. Nếu sân khấu kịch nói thường có sự liên hệ rõ ràng giữa người may trang phục với đạo diễn thì sân khấu cải lương rất lơ là trong khâu này.

Còn phải kể đến sự phá giá của một số lò, khiến công lao động và giá trị của từng kiểu trang phục sân khấu trong nước bị “rớt giá”. Ví dụ như một bộ mảng nhung dành cho Bao Công lâu nay được bán với giá 3 triệu đồng/bộ, giáp bào thêu phụng 2,5 triệu đồng/bộ... thì nay chỉ được bán với giá từ 70 đến 100 USD. Theo thông tin từ một số khán giả người Việt ở Mỹ, những bộ trang phục sân khấu được bày bán ở khu Phước Lộc Thọ dành cho người hiếu kỳ với giá từ 400 đến 900 USD/bộ. Song, đáng buồn hơn là hàng bày bán được gắn nhãn hiệu... Hồng Kông. Trong khi từng đường kim, mối chỉ đều có dấu hiệu xuất xứ từ lò Tân Châu, Công Minh, Kim Phượng, Bảo Ly...

Chị Phượng Mai ở làng Tân Châu tâm sự: “Tâm huyết của những nghệ nhân âm thầm như chúng tôi có thể cạn dần. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện truyền nghề cho con cháu, buồn nhất là công lao mình bỏ ra cho từng chiếc áo lại bị gắn mác xứ người. Chúng tôi rất cần một hiệp hội làm trung gian bảo vệ bản quyền cho nghề may trang phục sân khấu”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo