xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang: Vương tơ một kiếp con tằm

Cát Vũ

Từ chuyến phà tách bến Rạch Miễu vào một chiều lất phất mưa buồn gió lạnh, một trang thiếu niên 16 tuổi đã khởi đầu cuộc đời kép hát nổi trôi

TÂM TÌNH: Như câu hỏi trong vở kịch Bông hồng cài áo: Ở quê còn gì? - Còn mồ mả cha mẹ, ông bà! Tôi không bao giờ quên nguồn cội. Hễ diễn gần là thuê xe ôm về thắp nhang mồ mả...

Những ngày này, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Diệp Lang khá bận rộn với vai Bá Kiến trong vở kịch Chí Phèo vừa khai trương ở Sân khấu Phú Nhuận. Cùng với bọn trẻ, “bác Hai” đã đêm ngày quần quật trên sàn tập. Nhìn phong thái rắn rỏi, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng cùng ánh mắt tinh anh đầy quyết đoán, ít ai dám nghĩ ông vừa mừng “sáu mươi năm cuộc đời” của mình với gần năm mươi năm thăng trầm trên sàn diễn.

Làm nghề đờn tủi lắm con ơi!.- Thuở nhỏ, khi bắt đầu nhận biết được sự vật chung quanh, cậu bé Dương Công Thuấn (tên thật của NSND Diệp Lang) hiểu ra rằng người cận kề nhất bên mình suốt quãng thời thơ ấu là ông nội. Quê nội ở làng Bình Tiên, Sa Đéc. Nhà nội có cây vú sữa, trông ra một dòng sông. Ba mẹ từ rất lâu đã gửi cậu ở lại quê nhà để theo đoàn hát. Ngày ngày, cậu theo đám trẻ con trong làng đi giăng câu, bơi xuồng... Lên tám tuổi, cậu rời quê theo cha - thầy đờn Ba Diệp - đi theo đoàn cải lương Tam Phụng. Là một tay đờn kìm tài hoa song thầy Ba Diệp dứt khoát không cho con trai theo nghề đờn. Ông nói, làm nghề đờn tủi lắm, làm gì cũng chỉ ngồi trong cánh gà. Người ta ca hư ở ngoài sân khấu cũng đổ tại mấy ông đờn. Vì vậy, thầy Ba Diệp xin cho con trai học đóng vai quân lính, dù chỉ là quân chạy cờ, chưa được phép nói. Cậu thiếu niên 12 tuổi hồi hộp chờ ngày đầu tiên được ra sân khấu. Ấy là đêm đoàn cải lương Kim Thoa diễn vở Lấp sông Gianh tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1). Đêm diễn bị liệng lựu đạn, có hai người trong đoàn thiệt mạng, cha con thầy Ba Diệp thoát chết trong gang tấc. Đoàn Kim Thoa kéo về đình sống nhờ sự ủy lạo của bá tánh. Thấy đi hát khổ quá, cậu xin đi học nghề sửa xe hơi, nhưng mới qua ngày thứ hai phải quay về đoàn hát vì chủ không cho kẻ học việc ăn cơm. Thầy Ba Diệp bảo con: “Số mày đi hát. Ba muốn có con cận kề bên. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhưng rồi, chẳng được bao lâu, thầy Ba Diệp bị bệnh nặng, phải bỏ đoàn về quê. Ngày chia tay, ông mặc bộ đồ bà ba trắng, thân hình gầy gò, tay xách cây đờn kìm. Một bữa, cậu con trai về thăm ông. Thầy Ba Diệp xem chừng đã yếu lắm, vẫn bảo con: “Con ca sáu câu đi, ba đờn cho”. Ca xong sáu câu, ông hứng quá, bảo con trai ca tiếp sáu câu nữa mới ngưng. Ngày ông mất, con trai ông không có tiền về thọ tang, đến lúc về được thì mộ ông đà xanh cỏ.

Thắp nhang trên mồ cha xong, cậu con trai lại vội vã ra đi (đoàn đang lưu diễn ở Bến Tre). Đứng trên chuyến phà tách bến Rạch Miễu vào một buổi chiều lất phất mưa buồn gió lạnh, chàng thiếu niên 16 tuổi ngậm ngùi nhìn lại quê hương Bình Tiên tự hỏi không biết bao giờ mới trở về được vì từ đây cậu sẽ phải một mình khởi đầu cuộc đời kép hát nổi trôi. Cậu đi mang theo lời dặn dò của cha: “Con ráng học hát, lo cho sự nghiệp, đừng chơi bời, đừng có vợ con sớm...”.

Diệp Lang, tức con Ba Diệp.- Long đong theo nhiều đoàn, từ Kim Thoa, Việt Hùng - Minh Chí, đến Phụng Hảo - Ba Vân..., người con trai của thầy Ba Diệp vẫn chỉ có những vai hụ hợ, đến khi được soạn giả kiêm ông bầu Nguyễn Huỳnh đưa về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, anh mới được giao vai chính: vai hoàng tử trong vở Chiếc nhẫn kim cương. Bấy giờ, soạn giả Nguyễn Huỳnh mới hỏi: “Đóng kép chánh phải có tên. Mày có tên gì chưa?”. “Dạ chưa!”. “Vậy từ giờ phút này, tên mày là Diệp Lang, tức con trai Ba Diệp!”.

NSND Diệp Lang cười: “Cái tên được đặt một cách tình cờ nhanh chóng như vậy nhưng để giữ được cái tên đó lâu dài cho tới ngày nay là cả một quá trình trầy trật gian khổ!”. Soạn giả Thu An ngày ấy được mệnh danh là “phù thủy cải lương”. Ông đưa tuồng cho ai, người đó thành danh. Một hôm, ông hỏi Diệp Lang: “Giao cho chú vai ông già 70, đóng được không?”. Chàng kép 21 tuổi Diệp Lang mừng rỡ gật đầu. Đó là vai người cha trong vở Người anh khác mẹ (đoàn Kim Chưởng), vai đã đem lại cho Diệp Lang giải thưởng Thanh Tâm năm 1963 và giúp anh lãnh thêm bằng danh dự một năm sau đó, dành cho nghệ sĩ giải Thanh Tâm giữ được phong độ.

Công chúng cải lương của ba mươi năm sau lại biết đến một Diệp Lang ở vị trí mới. Ông trở thành là một trong những cột trụ vững vàng hiếm hoi của thế hệ mình còn lại trên sân khấu. Cho dù đó là trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), Hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Quý (Tâm sự Ngọc Hân), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm)... của thập niên 80, hoặc là ông nội (Cây lẻ bạn), ông Hai (chương trình Đờn ca tri kỷ)... của  bây giờ thì Diệp Lang vẫn là một Diệp Lang với tất cả những nét sắc sảo, tài hoa trong nghề diễn, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật và nhân hậu, giản dị trong cuộc sống.

Trải qua nhiều cương vị từ diễn viên, đạo diễn, đến phó đoàn, trưởng đoàn... ông vẫn sống một cuộc sống thanh đạm trong một căn hộ nhỏ ở cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10). Đồng tiền cải lương là đồng tiền âm - NSND Diệp Lang thường tự an ủi như vậy. Ông nói, sống bằng nghề hát bị túng quẫn là chuyện bình thường. Ông đã có lúc phải uống nước phông ten để “cầm cự”! “Nhưng từ sau 1975, nghệ sĩ chúng tôi được nhiều thứ!” - Cái “được” lớn nhất mà ông cảm nhận rõ hơn cả là được xã hội nhìn nhận một cách xứng đáng. Dẫu chỉ sống nhờ nghề song những nghệ sĩ như ông không phải đi hát vì mục đích kiếm tiền. Có một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng: “Có những người bỏ cuộc sống giàu có nhàn hạ, chịu cực theo gánh hát. Chiều chiều chỉ cần nghe tiếng trống, đã thấy lòng náo nức. Có người bị bệnh đi không nổi, tay run vẫn ráng hóa trang, màn mở bước ra sân khấu, nhập vai nghe khán giả trầm trồ là quên hết bệnh”. Ông chợt mỉm cười nhớ đến những lời mời đi ca đám giỗ gần đây khi khán giả thấy “anh Hai” ca đám giỗ trong Đờn ca tài tử trên truyền hình. Ông cho đó là tín hiệu vui cho việc về nguồn của sân khấu cải lương.

Khắc khoải một chiếc đờn kìm lưu lạc.- Gần nửa thế kỷ thăng trầm đời hát, NSND Diệp Lang thanh thản với ý nghĩ những khổ cực rồi cũng sẽ được quên hết. Có còn chăng là nỗi đau ngày cha mất không được cận kề cùng với việc thất lạc chiếc đờn kìm. Chiếc đờn kìm của thầy Ba Diệp nghe đâu đã từng được một người học trò đem về thờ. Người học trò ấy nay cũng đã ra người thiên cổ. Người con trai của Ba Diệp luôn cầu mong, nếu cây đờn “có hồn”, một ngày nào đó sẽ tìm về với ông, một người con đã sống hoàn toàn xứng đáng với niềm hoài vọng của người cha.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo