xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người phụ nữ luôn mơ ước làm chủ cuộc sống

TIỂU QUYÊN thực hiện

“Quyển sách đang viết là một nỗ lực, một trải nghiệm mới, một thách thức cũng đồng thời là một trắc nghiệm bản thân”, tâm sự của nhân vật trong tiểu thuyết đàn bà dường như cũng là tâm sự của chính tác giả- nhà văn Lý Lan - khi đối diện với bản thảo cuốn Tiểu thuyết đàn bà (do NXB Văn Nghệ ấn hành và sẽ ra mắt trong khuôn khổ hội sách lần 5-2008)

. Phóng viên: Vì sao đến thời điểm này chị mới viết một tác phẩm mang dáng dấp một hồi ức về chiến tranh?

- Nhà văn Lý Lan: Thật ra, tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết này vào năm 1992. Nhưng khi hoàn thành tác phẩm, tôi lại muốn để cho quá khứ đi qua, khi tất cả mọi người đều đang hướng tới cuộc sống thời mở cửa. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, đề tài chiến tranh không bao giờ cũ cả. Chiến tranh không hiện diện ở đất nước này, nhưng có thể đang tàn phá ở một đất nước khác. Tôi đã giở lại bản thảo bỏ quên của mình, rồi mang cuộc sống của thời hiện đại lồng ghép vào đó. Tôi nhìn chiến tranh theo góc độ của người phụ nữ, chia sẻ với những mất mát đắng cay mà họ phải chịu đựng khi sống trong một xã hội có quá nhiều rào cản; cũng như muốn chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ đang sống trong xã hội hiện nay. Dù mối bận tâm của những thế hệ sẽ khác nhau, nhưng cũng là phụ nữ, họ có những mối chia sẻ, tâm tình với nhau.

. Tiểu thuyết đàn bà – cái tựa nghe qua không ai nghĩ đến nội dung của nó có dáng dấp hồi ức về chiến tranh với những nỗi đau ngả dài qua nhiều thế hệ?

- Tôi đã cố tình đặt tựa cho tiểu thuyết của mình là Tiểu thuyết đàn bà. Người đàn bà là một con người, viết về đàn bà là viết về con người. Khi đàn bà sống vào thời chiến, số phận của họ lắm lúc bị chà đạp và họ không thể nào có được hạnh phúc. Những nỗi đau, những suy nghĩ của họ cần được sẻ chia. Tôi muốn viết về cuộc chiến tranh, về tình yêu, và những mất mát dằn vặt trong tim người phụ nữ, theo quan điểm của một người phụ nữ. Và dù trong thời đại nào, người phụ nữ vẫn ước vọng được làm chủ cuộc sống của mình, được tự do sống, tự do kiếm tìm hạnh phúc. Những người đi trước vẫn luôn kỳ vọng thế hệ trẻ không chấp nhận sự bé mọn, tầm thường và không chịu đựng sự áp đặt như đời mẹ, đời dì của chúng.

. Chị có bao giờ đắn đo khi đặt bút chạm khắc những nghiệt ngã vào số phận của những nhân vật trong tác phẩm, như nhân vật Thoa trong truyện?

- Tôi luôn phải cân nhắc từng chi tiết, cho dù là chi tiết đó sẽ mang đến nụ cười hay nước mắt cho nhân vật, và cho độc giả. Như trong tiểu thuyết này, tôi đã tạo những tình huống để có thể bộc lộ được sự nghiệt ngã của chiến tranh. Chiến tranh luôn đẩy con người ta vào những hoàn cảnh khốc liệt. Nhân vật của tôi gặp nhiều sóng gió, cuộc đời dạy họ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Mỗi con người đều phải sống cuộc đời của mình, và phải tự đứng lên trong nỗi đau, trong sự cô độc của riêng mình.

. Nhiều năm sống xa quê nhà nhưng vì sao chị không viết về cuộc sống nơi xứ người, như một số nhà văn xa xứ khác?

- Việt Nam là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Tuổi thơ và ký ức tôi dành trọn vẹn cho quê nhà. Tôi viết về đất nước mình là điều tự nhiên thôi. Tôi cũng đã từng viết về Bellingham- nơi tôi đang sống, nhưng tôi nhận ra mình chỉ chiêm nghiệm được một phần cuộc sống ở nơi đó. Chính vì vậy mà tôi luôn băn khoăn về góc nhìn của mình, dè dặt trong cách viết và trong từng suy nghĩ. Tôi không buộc phải kiếm sống nơi xứ người, tôi chỉ sống ở nước ngoài với tâm trạng của một người khách. Tôi không có nỗi buồn hoài hương hay lạc mất cội nguồn như một số nhà văn xa xứ khác, cũng không có những va chạm như họ. Sự trở về của họ, đôi khi không thể tìm lại hay nối lại sợi dây quá khứ đã để lạc mất, nên những trang viết thấm đẫm nỗi buồn. Còn tôi, tôi vẫn thường xuyên về Việt Nam. Cuộc sống nơi này là đề tài chính của tôi.

img
Bìa cuốn Tiểu thuyết đàn bà

Những trái tim đòi sống yêu đời

Một người sống đơn độc luôn bị ám ảnh bởi những dằn vặt trong quá khứ; một người cam chịu, đắng cay, tủi nhục trong sự tàn nhẫn khắc nghiệt của chế độ phong kiến; một người sống trong sự thiếu vắng yêu thương ở bên kia đại dương, hoảng loạn cùng cực khi sợi dây liên hệ với quê nhà gần như đứt đoạn; một người khác lạc vào cuộc sống nhọc nhằn suốt tháng năm... Những con người đi tìm kiếm nhau, tìm kiếm hạnh phúc trong những nỗi đau đã khắc lên số phận. Họ là những người đàn bà.

Số phận đày ải họ, nhưng lại mở ra cho họ một lối thoát khác. Như Thoa vẫn mạnh mẽ và bình tĩnh trước mọi biến cố; như bà Liễu bạc phận, chịu nhiều tủi nhục đắng cay đến cuối đời đã tìm thấy niềm vui khi mỗi ngày được phân phát cháo trong bệnh viện; như Không Bé- đứa con gái 8 tháng tuổi đã bị bỏ rơi “kiến cắn đến thâm tím mình mẩy” nhưng 30 năm sau đủ mạnh mẽ để tự đi tìm hạnh phúc cho mình... Họ là những người đàn bà. Và họ đã nhìn thấy nhau để chia sẻ cùng nhau. Sợi dây nghiệt ngã của số phận rơi xuống đời họ, chắp nối lại và bỗng trở thành sợi dây kết nối những yêu thương.

Vì là đàn bà mà bao vết đau giữa đời họ đã không tránh khỏi. Và cũng vì là đàn bà mà cuối cùng “những ước vọng kiếm tìm thả vào đêm” của họ đã đến được với những nguồn sáng trong đời. Những người đàn bà vẫn sống, vẫn mạnh mẽ “giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời”...

T.Quyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo