xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyễn Hải: Thèm một vai diễn lớn trên sân khấu

(TT& VH)

Khởi nghiệp, anh chuyên vào những vai chính diện trong kịch nói. Rồi, với thời gian, những vai diễn của Nguyễn Hải ngày càng được trau chuốt hơn - cho tới khi anh tham gia một bộ phim truyền hình. Chỉ với vai diễn ấy, Chuyện làng Nhô khiến con đường sân khấu của Hải phải đổi thay tất cả!

1. Phát sóng năm 1998, Chuyện làng Nhô gây nên một cơn sốt với người xem ngay từ tập đầu. Ở thời điểm mà truyền hình đang là "một nửa cuộc sống", khán giả của nó hồ hởi đón nhận bộ phim với tất cả sự nhiệt tình có thể. Những ngày ấy, dù ở cơ quan, bệnh viện hay quán bia hơi, người ta không khó để nghe kể về một "gã” Trịnh Khả nào đó. Gã sống ở một làng quê đồng bằng Bắc bộ. Với vỏ bọc một trí thức có đầu óc khá lạnh lùng, trong lòng Khả ngùn ngụt ham muốn tự khẳng định mình cùng bao toan tính khác. Rồi, nhân khi những sai lầm của chính quyền xã đang gây hoang mang cho dân làng, Khả vận dụng hết tài tổ chức và trí thông minh, kích động làng Nhô đứng lên khởi loạn...

Ít người biết, Nguyễn Hải đến với vai Trịnh Khả khá bất ngờ - khi diễn viên Bùi Bài Bình rút lui vào phút chót. Còn trước đó, sân khấu mới là con đường mà anh chọn cho mình. Năm 23 tuổi, niềm đam mê khiến chàng trai gốc Nam Định bỏ nghề kỹ sư hầm lò- dù đã tốt nghiệp Đại học Mỏ Địa chất. 6 năm tiếp theo, Hải vào học Trường Sân khấu Điện ảnh. Ra trường, anh về đoàn kịch Bộ Công an và lần lượt tìm được những vai diễn của mình trong: Ông không phải là bố tôi (vai giám đốc Thiết), Cuộc chia tay lần cuối (vai Hoàng Đảm), Khoảnh khắc mong manh (ông bố), Thằng Mẫn tóc nâu... Chính ở ba vai sau, Hải liên tục giành 3 HCB tại các Hội diễn Sân khấu 1995, 1999 và Liên hoan Sân khấu nhỏ 1996.

2. Chuyện làng Nhô phát sóng tập đầu, Hải còn ra đường.

Sau lưng anh là những tiếng nguýt dài: nhìn phát tởm! Hết phim, anh ngồi trong quán bia mà vẫn ngay ngáy, sợ một cái ghế cao hứng bổ xuống đầu mình. Cậu quý tử xấu hổ, đòi bỏ học. Bố anh than thở dưới quê: Bao nhiêu vai tử tế không chọn, nó làm vậy, làng xóm trát trấu vào mặt mình. Những "sự cố” nghề nghiệp ấy không làm Hải buồn. Đơn giản, anh hiểu thành công đã đến. Chỉ còn đó một băn khoăn: Tại sao mình lại vào vai phản diện “siêu" đến vậy? Nhưng, một loạt vai diễn tiếp theo khiến Hải chẳng còn thời gian tự vấn. 7 năm sau Chuyện làng Nhô, anh đóng không dưới ba chục bộ phim truyện hình: Con nhện xanh, Cổ cồn trắng, Cái chết con thiên nga, Chuyến xe bão táp...

Tất nhiên, đó đều là những vai phản diện! Bởi, các đạo diễn nhìn thấy ở Hải nét riêng trong loại vai này. Nhân vật của anh là loại người có thiên bẩm về chất lưu manh. Ở đó, cái ác càng trở nên khủng khiếp, khi người sở hữu nó luôn kiên nhẫn trau dồi óc thông minh và khả năng quan sát để mài giũa những góc tối sẵn trong mình!

3. Rồi một ngày, Hải thấy nhớ những vai diễn chính diện trước đây từng diễn. Xa hơn, anh thèm một vai lớn. Một vai diễn sân khấu mà người trong nghề vẫn thầm mơ ước - cỡ như: Hamlet, Vũ Như Tô, Othenlo, Chu Phác Viên, Trần Cảnh..., ở đó, nhân vật của anh sẽ không đơn thuần là kẻ xấu. Họ sẽ không chiến đấu với cái thiện, mà khó khăn hơn, phải tự vật lộn với những mâu thuẫn đa chiều trong tính cách mình.

Nhưng, Hải cũng hiểu rằng khán giả vẫn chỉ muốn được nhìn anh như một Trịnh Khả trên sân khấu kịch. Và các đạo diễn cũng vậy. Vai phản diện, họ mặc nhiên tin tưởng giao cho Hải. Bởi, anh sẽ lại chăm chỉ đọc, nghiên cứu và dò dẫm mổ xẻ tâm lý nhân vật bằng những kiến thức vốn có của mình (vài năm trước, anh tốt nghiệp Đại học Luật tại chức và một khóa ngắn về tâm lý học tội phạm).

Hội diễn Sân khấu 1999, Hải giành HCB. Còn hội diễn vừa rồi, anh chẳng có vai. Giữa 2 mốc ấy, Hải gắn vai diễn của mình với một loạt kịch bản của nhà văn Hữu Ước. Ở những vở kịch này, Hải không đơn thuần là nhân vật trong trí tưởng tượng. Anh phải xắn tay, bước ra thể hiện vai diễn từ những nguyên mẫu bằng xương thịt ngoài đời. Ở Quả báo, Hải là trùm cửu vạn Khánh “trắng”. Ở Vòng xoáy, đồng nghiệp xuýt xoa, khen anh trông chẳng khác... Năm Cam. Hải vui - nhưng anh vẫn thầm chờ một cơ hội khác. Điều ấy tưởng đã tới khi kịch Công an dựng Vòng vây cô đơn dựa theo một nguyên mẫu ngoài đời, nhân vật Duy Bảo của Hải có nội tâm khá phức tạp, đa chiều. Say mê tập, đồng nghiệp và đạo diễn Lê Hùng đều khen Hải "lột xác”. Tiếc cho anh, khán giả lại chú ý tới vở diễn từ những chuyện thời sự hơn- khi báo chí liên tục đăng tin về những rắc rối giữa tác giả và gia hình... Duy Bảo “thật”.

4. Bây giờ, gặp anh ngoài đường, vẫn không ít khán giả hớn hở reo "Trịnh Khả!" Hải cười và cám ơn họ - đề lúc rỗi lại than thở với bạn bè. Anh bảo: "Vai Trịnh Khả giết tôi, các ông ạ! Người ta đổi tên mình, rồi quên luôn tên thật. Thậm chí, vai diễn khác, họ cũng không muốn nhớ”. Ngẫm nghĩ một lát, anh nói thêm: "Kịch bản bây giờ cũng lạ. Kẻ xấu luôn sống động và chân thực. Còn người tốt, chẳng hiểu tác giả xây dựng thế nào. Những nhân vật đó luôn bị một điểm giống nhau: cứng nhắc, giáo điều và... vô cùng nhạt". Khi nói câu đấy, "Trịnh Khả” không hề cười!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo