xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà văn Tô Hoài an nhiên vào cõi bất tử

Lê Phương Liên

Nhà văn Tô Hoài không chỉ là một nhà văn lớn, tác giả những tác phẩm độc đáo để đời làm rạng danh văn học Việt Nam, hơn thế, ông còn là một nhà hoạt động văn hóa - xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng

Đối với những nhà văn viết cho thiếu nhi như tôi, nhà văn Tô Hoài không chỉ là cha đẻ của Dế mèn phiêu lưu ký, một tác phẩm lừng danh đã đồng hành cùng tôi từ tuổi ấu thơ cho đến suốt cuộc đời. Hơn thế nữa, ông như một người cha tinh thần của đại gia đình các nhà văn viết cho thiếu nhi Việt Nam. Ông là một người thân, vâng, thực sự là người nhà của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Đây là NXB mà ông là một trong những người sáng lập, là người đặt tên khai sinh.

Thích tìm tòi, tinh nghịch với con chữ

Từ năm 1971, khi được NXB Kim Đồng in cuốn Những tia nắng đầu tiên, lúc ấy mới 20 tuổi bỡ ngỡ bước vào làng văn, tôi đã được gặp nhà văn Tô Hoài. Tôi còn nhớ khi gặp nhà văn, tôi đã lúng túng xin lỗi rằng chưa tặng ông cuốn sách đầu tay của mình. Nhà văn Tô Hoài chỉ cười và bảo: “NXB họ tặng tôi rồi!”.

Nói xong, Tô Hoài cho tôi xem cuốn sách mà ông đã đọc rất kỹ, gạch bút màu đỏ vào những câu chữ với nhận xét khen chê chính xác khiến tôi rất bất ngờ. Nhờ thế mà tôi biết ông có tầm ảnh hưởng rất lớn với Ban Biên tập NXB Kim Đồng và cũng nhận ra ông rất chăm chú vào câu chữ.

Sau này, khi đã trở thành biên tập viên làm việc với những bản thảo viết tay của ông, tôi càng hiểu sự tìm tòi, sáng tạo độc đáo về câu, từ tiếng Việt của nhà văn Tô Hoài. Ông không thích sự sáo mòn, dễ dãi trong dùng từ, đặt câu. Tô Hoài thích tìm tòi, tinh nghịch với những từ thuần Việt và câu nói dân dã… Ông đã làm cho những từ bình thường bỗng bật sáng lên ý nghĩa.

Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Lê Phương Liên trong một cuộc họp về văn học thiếu nhi tháng 3-2008 tại Hà Nội.  (Ảnh do tác giả cung cấp)
Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Lê Phương Liên trong một cuộc họp về văn học thiếu nhi tháng 3-2008 tại Hà Nội. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Có lần, ông nói chuyện ngày xưa, chiếc xe đạp là cả một gia tài của gia đình nên người ta không bảo “mua xe đạp” mà nói “tậu xe đạp”. Nói ra một từ hay, ông cười như tự thưởng thức cái ý vị hay của từ đó.

Đọc truyện nào của nhà văn Tô Hoài, ta cũng nhận ra ngay tài quan sát tinh tế ngoại cảnh được biểu hiện theo cách nói, cách nghĩ ngợi thật hóm hỉnh và hơi nghịch ngợm của ông. Không chỉ ỷ lại những khả năng trời phú về tài quan sát, Tô Hoài rất chăm đọc sách, đọc báo hằng ngày.

Khi nghe tin nhà văn Tô Hoài ra đi mãi mãi, tôi tưởng như hiển hiện trước mắt hình ảnh của ông trong những năm tháng lao động nghệ thuật miệt mài. Ở tuổi 50, 60, 70 là những năm tháng ông làm việc quên tuổi tác.

Trong bộ 3 tác phẩm tiểu thuyết lịch sử: Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần với số lượng hàng vạn chữ, hàng trăm trang sách, nhà văn Tô Hoài đã sáng tạo từ tư liệu lịch sử, từ trí tượng tưởng, từ việc nghiên cứu kỹ càng những phong tục tập quán trong dân gian… rồi kết hợp tạo thành một “bữa cỗ” ngôn từ tiếng Hà Nội. Ông đã viết tay tất cả bản thảo đó, viết bằng bút sắt chấm mực như học trò vậy.

Như người anh cả, người cha, người ông

Không chỉ chăm lo sáng tác cho riêng mình, nhà văn Tô Hoài còn như một người anh cả, một người cha, người ông dẫn dắt đàn em, đàn cháu… Hình ảnh của ông xuất hiện như là “linh hồn” của những sự kiện trong phong trào văn học nghệ thuật nói chung, phong trào văn học thiếu nhi nói riêng và cả phong trào văn học nghệ thuật của thủ đô Hà Nội. Ông là người sáng lập, chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Hà Nội, sau này là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Ông cũng là chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam.

Với các nhà văn trẻ vừa có tác phẩm mới ra đời, Tô Hoài thường tự tìm đọc và đưa ra những nhận xét kịp thời khá chính xác mà có khi ông chưa có dịp trực tiếp gặp tác giả. Trong phong trào văn học Hà Nội thời đổi mới, nhà văn Tô Hoài rất yêu quý, trân trọng những tài năng như Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… Trong phong trào văn học thiếu nhi cả nước vào cuối những năm 1980, khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên văn đàn, dư luận Hà Nội còn có nhiều ý kiến khen chê, nhà văn Tô Hoài đã khẳng định: “Cậu ấy viết được đấy, viết vui được như thế đâu có dễ”.

Còn nhớ những năm tháng đầu thời kỳ đổi mới, khi những ý kiến về tranh truyện chưa ngã ngũ, nhà văn Tô Hoài đã ủng hộ sự đổi mới văn học thiếu nhi. Ông tham gia đón tiếp họa sĩ Fujiko F. Fujio - tác giả bộ truyện tranh Doraemon và đã góp phần làm nên uy tín của Quỹ Hỗ trợ giáo dục trẻ em Việt Nam mang tên Doraemon.

Trong cuộc đời khá trường thọ của mình, từ những năm tháng tuổi trẻ hoạt động trong Phong trào Văn hóa cứu quốc, Tô Hoài đã không chỉ là một nhà văn lớn, tác giả những tác phẩm độc đáo để đời làm rạng danh văn học Việt Nam. Hơn thế, ông còn là một nhà hoạt động văn hóa - xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng…

Vẫn biết từ vài năm nay, nhà văn Tô Hoài tuổi đã cao, sức đã cạn, tử sinh là lẽ thường, thế mà khi nghe tin ông từ trần, lòng tôi bỗng có một khoảng trống trải vô hạn, như gia đình vắng mặt một người ông, như khu vườn rộng mất đi một cây đa lớn… Để rồi, khi cầm lại trên tay các tác phẩm của ông, tôi bỗng hiểu rằng cái chết chỉ có nghĩa là giã từ cõi tạm, hình như nhà văn Tô Hoài vẫn đang tủm tỉm cười an nhiên vào cõi bất tử.

Nhà văn của đồng bào dân tộc thiểu số

Tô Hoài là người Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh trưởng ở vùng Nghĩa Đô bên sông Tô Lịch thuộc phủ Hoài xưa. Bút danh Tô Hoài của ông ghi lại nơi sinh quán ấy. Với những năm tháng tuổi thơ ở một vùng ven đô đất Thăng Long trù phú và tài năng quan sát thiên bẩm, cậu bé Sen đã có một tâm hồn giàu tình yêu thương với muôn loài côn trùng bé nhỏ và cỏ cây hoang dại.

Từ vốn sống và vốn ngôn ngữ dân dã tươi tắn, Tô Hoài đã sáng tạo nên những truyện loài vật mang đậm màu sắc nhiệt đới - khác hẳn những tác phẩm của văn học thiếu nhi Âu, Mỹ mang sắc thái lạnh giá của băng tuyết… - không chỉ ở những tác phẩm viết từ khi trẻ tuổi như: Dế mèn phiêu lưu ký, Võ sĩ bọ ngựa, Đám cưới chuột… mà còn tiếp nối sau này với những Đàn chim gáy, Cá đi ăn thề…

Nhà văn Tô Hoài không phải là một người cao lớn nhưng ông có sức khỏe, lao động dẻo dai, đúng như một chú dế mèn. “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm…” - ông hóm hỉnh. Tô Hoài kể thời thanh niên, trong kháng chiến chống Pháp, ông đã đi bộ xuyên rừng, trèo núi, sống cùng với đồng bào người H’Mông, Dao, Tày, Nùng… Nhờ thâm nhập sâu thực tế đời sống của người dân mà vốn là một chàng trai Hà Nội, ông đã sáng tạo ra những nhân vật người miền núi thật sống động như Mị, A Phủ trong Vợ chồng A Phủ, cả Kim Đồng và Vừ A Dính - những hình tượng để đời cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Lúc sinh thời, Tô Hoài vẫn thường nói vui, đại ý: “Tôi không chỉ là nhà văn Hà Nội mà còn là nhà văn của đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo