xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những “nữ tướng” làm phim tài liệu

TIỂU QUYÊN

Có thể bỏ ra 7 năm trời để theo đuổi một bộ phim tài liệu, chấp nhận đi ngay trong đêm và đến bất cứ đâu chỉ vì một nguồn tư liệu quý; có thể lang thang suốt nhiều ngày đêm để ghi hình cho 36 phút phim ngắn ngủi; và có thể bất chấp nắng mưa, gió bụi trên những chặng đường dài... Những công việc tưởng chừng chỉ dành cho phái nam nay được trao cho các đạo diễn nữ.

Chia sẻ, biết ơn cuộc đời

Được rất nhiều người biết đến với tư cách là một nhà thơ (với các tập thơ Nằm nghiêng, Rỗng ngực), nhưng công việc chính của Phan Huyền Thư lại là đạo diễn - biên kịch (đã có 9 năm công tác tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Hà Nội). Vì mơ ước “ngày nào đó sẽ trở thành một tác giả thực thụ của điện ảnh tài liệu” mà chị đã theo đuổi dòng phim “không khán giả, không lối thoát” như lời chị nói.

Chọn mảng đề tài về chân dung cuộc sống, Phan Huyền Thư đã gửi đến khán giả Hà thành những bộ phim sâu sắc và xúc động: Khoa, Cha mẹ xin lỗi con, Quyền được học, Bản hợp đồng lao động, Đồng hành cùng dân tộc... Nhiều phim chị làm không có lời bình, những hình ảnh trên phim cũng chính là những gì cuộc sống đang diễn ra. Đạo diễn để cho người xem đi cùng cuộc sống của nhân vật, để nhân vật tự sẻ chia và cũng là để khán giả nhìn thấy được ý nghĩa nhân văn mà bộ phim gửi gắm. Mới đây, Phan Huyền Thư lại ra mắt một bộ phim xúc động, không có lời bình Mẹ, con đã về - được thực hiện tại “xóm chạy thận” ở phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Bộ phim đã mang về cho chị giải Cánh diều bạc và giải Đạo diễn xuất sắc tại Giải Cánh diều 2008. Chị cũng là tác giả kịch bản của hàng loạt các phim tài liệu đã đoạt giải khác: Đời muối, Hương đá ong, Hồn rối, Một trích đoạn cũ, Chất xám, Lúc sương tan, Đại hồ cầm...

Với Phan Huyền Thư, những đề tài, những nhân vật trong các phim của chị cũng như là một món quà của cuộc sống mà chị đã nhìn nhận trong cuộc hành trình của mình. Chị cho biết: “Tôi làm phim tài liệu để chia sẻ với mọi người và lòng biết ơn cuộc đời đã cưu mang tôi. Tôi luôn tin rằng mình sẽ nhận được sự đồng cảm nào đó trong thế giới bao la này”.

Người đi tìm những huyền thoại

Không chọn góc nhìn về cuộc sống hiện đại như Phan Huyền Thư, đạo diễn Lê Phong Lan (Hãng phim TFS) lại đi tìm huyền thoại từ những nhân vật lịch sử. Trong suốt 7 năm trời tìm kiếm tư liệu và thực hiện 12 tập phim Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, đạo diễn Lê Phong Lan lại ấp ủ bức chân dung của những nhân vật mới.

“Tôi luôn có một câu hỏi rất lớn: Chiến tranh đã đi qua, nhưng đằng sau niềm tự hào của dân tộc là cái gì? Đằng sau những đoàn quân chiến thắng, những lá cờ tung bay trên bầu trời tự do, đằng sau những khúc ca khải hoàn của dân tộc là cái gì? Con người luôn hấp dẫn ở mảng chìm và tôi luôn muốn đi tìm câu trả lời ở phía bên kia. Phía sau tất cả những tấm huy chương lấp lánh, phía sau niềm hạnh phúc rạng ngời của đồng bào mình là những cống hiến, những hy sinh thầm lặng của bao người”. Chính vì những trăn trở ấy mà Lê Phong Lan vẫn mải miết đi trong hành trình thầm lặng, đi tìm những con người bình thường như bao người nhưng lại đủ sức làm nên huyền thoại.

Trở lại với niềm đam mê sau một chặng đời dài phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, đạo diễn Lê Phong Lan đã dành trọn nhiệt tâm cho dòng phim tài liệu, cho những khát vọng kiếm tìm những hình ảnh rạng ngời giữa núi sông. Vừa trở về từ Lao Bảo (Quảng Trị) sau khi ghi hình xong bộ phim tài liệu, đạo diễn Lê Phong Lan lại tiếp tục bắt tay vào thực hiện các dự án phim tài liệu mới mà chị đã âm thầm tìm kiếm, thu thập nguồn sử liệu từ mấy năm qua. Sau tướng Phạm Xuân Ẩn, đạo diễn Lê Phong Lan sẽ tiếp tục thực hiện 20 tập phim về một vị tướng tình báo hoạt động trong lòng địch cũng trở thành một huyền thoại không kém tướng Ẩn. Bên cạnh đó, nhiều kịch bản phim về các nhân vật lịch sử khác cũng đã chờ ngày bấm máy.

img
Đạo diễn Lê Phong Lan trong một chuyến hành trình đi tìm “những huyền thoại” (Ảnh do các đạo diễn cung cấp)

Sống hết mình cho những khát vọng một thời bị bỏ quên, phần thưởng mà Lê Phong Lan nhận được là sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả trẻ dành cho bộ phim Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, là kỷ niệm chương của Tổng cục Tình báo. Và một điều chị không ngờ là bộ phim Người thanh niên đến từ nước Mỹ của chị đã nhận được huy chương vàng tại Liên hoan Phim toàn quốc lần thứ XV. Bộ phim là một góc nhìn nhân văn, xúc động về nhân vật Lance Carlton Cross II - con trai của một cựu binh Mỹ. Anh sang Việt Nam để tìm nguyên nhân gây ra những ám ảnh tận cùng cho cha anh. Sau khi tham chiến tại Việt Nam, ông đã không trở về nhà mà bỏ đi sống trong rừng suốt hơn 20 năm trời; để tìm câu trả lời cho nỗi đau: Vì sao anh không biết đến vòng tay cha trong suốt thời thơ ấu.

Và cũng vì nhân vật này mà dù đang bận rộn với hàng loạt dự án về các phim mới, đạo diễn Lê Phong Lan phải sắp xếp dành thời gian để đến Mỹ theo lời mời của L. Carlton: cha anh - cựu đại úy Lance Cross - đã trở nên điên loạn và luôn tìm cách tự tử, cảnh sát luôn phải bảo vệ cẩn mật. Dù chưa biết phải làm thế nào để an ủi con trai cựu đại úy qua lúc khó khăn này nhưng đạo diễn Lê Phong Lan vẫn sẽ đến. Chị đến bằng cái tâm, bằng sự sẻ chia chân thành dành cho nhân vật, đến bằng cả trái tim và niềm tin của một người luôn tìm thấy những điều huyền diệu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo