xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Phù thủy” Ánh Tuyết

Bài và ảnh: MINH NGA

Với ca sĩ Ánh Tuyết, đáng sợ là khi già, chúng ta không có câu chuyện nào để nhắc nhớ, kể lại; không có nỗi đau nào để khắc khoải và thậm chí không có niềm vui nào để mỉm cười tự tại

Dạo này, ca sĩ Ánh Tuyết có thêm một vai trò mới: Ngồi ghế giám khảo trong chương trình Những bài hát còn xanh. Ngoài lý do toàn bộ tiền thưởng nhận được từ chương trình sẽ được quyên góp vào quỹ “Tấm lòng Việt - VTV hướng về biển đảo”, chị nhận lời còn là vì cảm thấy thích, thấy hứng thú khi nghe những giai điệu bất hủ đã đi qua năm tháng được thổi một sức sống mới qua những giọng ca trẻ.

Ngẫu hứng và say sưa

Thật ra, ai từng chơi thân và hiểu ca sĩ Ánh Tuyết đều biết chị có thói quen làm không bao giờ nói trước. Chị làm việc ngẫu hứng đến mức đôi khi khiến người xung quanh… phát bực. Chị đã thích là làm ngay, làm say sưa, không cần biết đã chuẩn bị tốt chưa, kết quả thế nào.

Ca sĩ Ánh Tuyết trong đời thường
Ca sĩ Ánh Tuyết trong đời thường

Mỗi lần chúng tôi gọi điện hỏi thăm Ánh Tuyết có dự định ra album nào mới không, có kế hoạch tổ chức đêm nhạc nào chưa, chị đều trả lời gọn lỏn: “Không. Chẳng có kế hoạch nào cả!”. Vậy mà đùng một cái, chị ra album, tổ chức live show hoành tráng với lời giải thích: “Tôi thích là làm, nghĩ sao làm vậy, nhớ cái gì làm cái đó!”. Chả vậy mà lâu lâu, chị lại làm khán giả giật mình, ví như lần ra album Đi tìm vậy. Có ai nghĩ một Ánh Tuyết trong veo, trong vắt trong những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn lại nổi loạn trong những Vết lăng trầm, Trở về bến mơ, Mùa thu cánh nâu… như thế? Nghệ sĩ Thành Lộc khi mua album về cũng do dự mãi đến 2 ngày mới dám nghe, khi nghe xong thì gọi điện phán một câu: “Đúng là "phù thủy" âm nhạc! Chỉ có thể là Ánh Tuyết”.

Tính cách của Ánh Tuyết là đại diện cho phụ nữ miền Trung: ngẫu hứng, cứng đầu và bướng bỉnh. Cái gì đã không thích là không bao giờ làm, cái gì đã thích rồi thì có trời mới cản được. Đã vậy, chị lại có tính say sưa. Lúc nói chuyện, một khi ai “dò” đúng tần số của chị thì khó lòng cắt ngang được. Chị gặp người hợp ý là nói huyên thuyên, “tràng giang đại hải”, nói chuyện trên trời dưới đất, quên cả giờ giấc, quên luôn ăn ngủ. Còn khi chị đã buồn lòng thì cạy miệng cũng không ra một từ.

Chia sẻ bằng âm nhạc

Ánh Tuyết nói chuyện đã say sưa mà hát lại càng say sưa hơn. Không ít lần chị bước lên sân khấu trong cơn đau nhức nhối vì cột sống hành hạ nhưng hễ nhạc nổi lên là quên hết, chỉ biết say sưa hát, hát như đang “lên đồng” vậy.

Có một lần đi diễn ở Huế, không biết bị bạn bè chọc ghẹo làm sao mà Ánh Tuyết khóc nức nở. Nhưng khi nghe giới thiệu tên mình, chị gạt nước mắt bước ra hát tỉnh queo. Hát xong, chị vào ngồi… khóc tiếp. Ánh Tuyết là vậy, khi hát là quên mọi thứ xung quanh, trời đất có sập xuống cũng mặc. Chị trải qua một quá trình đi khá nhiều và khá dài với giọng hát của mình. Chị hát ở hố bom, bệnh viện, thậm chí cầm loa sắt ở chợ vẫn hát nghêu ngao như thường.

Khuất đâu đó trong hình ảnh áo dài tha thướt, giọng hát thánh thót là một nỗi niềm u hoài. Ánh Tuyết không ít lần hát bằng tiếng nghẹn xót xa, tiếng nấc nghẹn ngào. Những ngày tháng tuổi trẻ nhiều niềm đau, lắm nỗi buồn chất chứa, Ánh Tuyết không biết tỏ bày cùng ai, chị chọn cách chia sẻ bằng âm nhạc. “Niềm vui tôi rất dễ sẻ chia nhưng nỗi buồn thì rất khó tỏ bày. Vì vậy, tôi chọn cách mượn những ca từ của ca khúc để giãi bày cùng khán giả. Có như vậy, tôi mới thấy nhẹ nhõm lòng” - chị lý giải.

Thấm đau từng bước đi

Ánh Tuyết khăn gói vào TP HCM năm 1984 trong sự ngơ ngác của một cô gái miền Trung quê mùa, cục mịch. Cô gái trẻ đi tìm kế mưu sinh trong muôn nẻo đường trần bằng một lý tưởng cao đẹp. Dường như cái nghiệp của chị là phải trân mình chịu đựng. Chị lủi thủi, lang thang rồi bôn ba, xuôi ngược đi hát để kiếm tiền. Nắng Sài Gòn dù cháy gắt gao đến mấy cũng không khắc nghiệt bằng cuộc sống phức tạp, ganh đua. Chị đã làm hết sức, bằng tình yêu, bằng đam mê nhưng vẫn trắc trở. Có những đêm Ánh Tuyết nằm gác tay lên trán, mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà tự hỏi: “Tại sao mình có thừa tài năng, nhiệt huyết mà vẫn không ngóc đầu lên được?”.

Mãi đến tận bây giờ, Ánh Tuyết đã nhận ra. Chị ngang bướng, làm không theo quy định mà theo quy luật tự nhiên của bản thân. Những điều chị thích, chị làm lại không vui lòng những ai quen tính áp đặt. “Tôi cứ cắm cúi đi trên con đường của mình mà không nhận ra những tác động từ xung quanh. Tôi đã bầm dập trên từng bước đi, thấm thía nỗi đau trong từng sự cố cũng vì không biết khéo léo, uyển chuyển” - chị bày tỏ.

Ánh Tuyết mân mê những ngày cũ như một báu vật vô giá. Có phải khi đã đi qua thăng trầm, con người ta càng nhìn đời nhẹ nhàng và thanh bình hơn? Ánh Tuyết bảo không biết thế nào là trưởng thành nhưng khi nhìn lại đời qua lớp bụi thời gian, chị thấy mình học rõ và hiểu lắm bài học của người, của đời và của chính mình. Tuổi trẻ chị đã bước qua chưa bao giờ tạo ra giá trị vô nghĩa dù lắm chông gai, thăng trầm, nước mắt. Chị coi đó là những vết sẹo như một lời nhắc nhở mình: “Đừng bao giờ hằn học với nỗi đau của mình. Bởi có nỗi đau thì tôi mới thấm thía được nhiều giá trị sống”.

Với Ánh Tuyết, nỗi đau đó không đáng sợ, mà đáng sợ hơn là khi già, chúng ta không có câu chuyện nào để nhắc nhớ, kể lại; không có nỗi đau nào để khắc khoải và thậm chí không có niềm vui nào để mỉm cười tự tại. Với chị, đi qua chông gai, thăng trầm, nước mắt, mọi thứ trong đời sống bây giờ chỉ để vui thôi.

Biết san sẻ, sớt chia

Khi buông công việc ra, Ánh Tuyết hồn nhiên như một đứa trẻ. Chị cười nói giòn tan. Ánh Tuyết ngay cả bây giờ vẫn còn thừa nét trong trẻo, mộc mạc của người con gái miền Trung. Dạo này, mỗi lần trò chuyện, chị ít say sưa kể về quá khứ nữa. Chị xua tay: “Những buồn vui không giờ hết trong diễn biến của cuộc đời. Thôi thì cái gì đã qua, nếu quên được hãy quên, nếu bỏ được hãy bỏ, nếu gạt được hãy gạt”. Tuy nhiên, “không còn nhớ gì nữa cả” là một kết luận đường đột. Bởi lẽ, vẫn có những thứ in hằn vào góc ký ức thì mãi còn nguyên vẹn.

Liệu Ánh Tuyết còn lo gì, trăn trở gì khi đã ổn định như bây giờ: sự nghiệp đã lung linh, gia đình hạnh phúc, kinh tế ổn định? Chị bảo chị lo đâu phải cho mình mà lo cho người khác. Những trang viết thấm đẫm nước mắt và tấm lòng tri ân những nhạc sĩ tài hoa cơ hàn, bất hạnh từng khiến bao người xúc động. Những mảnh đời nghèo khó, lang thang được chị tìm đến sẻ chia, bù đắp dù chỉ là một bữa no. “Tiền bạc có nhiều mấy thì khi chết cũng không mang theo được. Đã là con người thì đều giống nhau hết, không có quyền khinh thường người khác, khi mình khinh người ta thì người khác cũng sẽ khinh mình. Vậy nên, hãy mở lòng san sẻ, sớt chia cho người khác một ít” - chị tâm sự.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo