xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sân khấu không bột sao gột nên hồ? Cần quy tụ tác giả giỏi

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Ổn định đời sống của tác giả, tập trung nâng cao tay nghề cho đội ngũ sáng tác, sân khấu sẽ có kịch bản hay

Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết trước những vấn đề cấp thiết trong sáng tác, sắp tới, hội sẽ tổ chức tọa đàm “Sân khấu hôm nay và khán giả” để tìm ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu tác phẩm hay cho sàn diễn cải lương, kịch nói.

Phải biết trọng dụng nhân tài

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, sân khấu xã hội hóa không mất phương hướng như nhận định của một vài nhà chuyên môn. Các sàn diễn cần nhiều thể loại kịch nên mỗi sân khấu phải biết rõ sở trường của từng tác giả để đặt hàng. Đơn cử, Bùi Quốc Bảo đang là cây bút có nhiều ý tưởng lạ, độc đáo; Mỹ Dung đi vào chiều sâu của những vấn đề xã hội, còn Vương Huyền Cơ có thế mạnh thâm nhập đời sống xã hội, chuyển tải những vấn đề thời sự qua dạng kịch sinh hoạt. “Chúng tôi đã đặt hàng họ, trân trọng ý tưởng trong từng kịch bản, đề nghị chỉnh sửa, gia cố, để có được thành phẩm cuối cùng. Bằng chứng là “Xóm nhỏ Sài Gòn”, “Ai là tỉ phú” của Vương Huyền Cơ; “Phép lạ” của Bùi Quốc Bảo; “Thú… yêu thương” của Mỹ Dung nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả” - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói.

Vở kịch “Visa” của Sân khấu Hồng Hạc khai thác vấn đề đang được xã hội quan tâm, đã thu hút người xem
Vở kịch “Visa” của Sân khấu Hồng Hạc khai thác vấn đề đang được xã hội quan tâm, đã thu hút người xem

Theo tác giả Mỹ Dung, sự “chiêu hiền đãi sĩ” của Sân khấu Kịch IDECAF làm chị thấy thoải mái trong việc hợp tác. “Giá tác quyền mỗi suất diễn ở Nhà hát Bến Thành 1,3 triệu đồng/suất/kịch bản là con số tích cực để tác giả như chúng tôi cảm thấy sống được với ngòi bút của mình. Bên cạnh đó là sự trọng thị, lắng nghe ý kiến và có sự trao đổi, phản biện để vở diễn đạt chất lượng cao nhất”.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận đặt hàng tác giả sáng tác kịch bản dựa theo tác phẩm văn học để có được một loạt tác phẩm: “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “Chị Dậu”, “Bỉ vỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”… đã tạo cho sàn diễn này dấu ấn đậm nét. Nhưng để đầu tư cho kịch bản văn học, với tiền tác quyền quá thấp, đội ngũ viết giỏi dần ngại viết.

Ngoài ra, một vài sàn diễn chưa tôn trọng tác giả. Nhiều đạo diễn thích phá cách, chỉ giữ lại tên nhân vật, còn lại thay đổi tất cả tâm lý, tính cách, tình huống khiến sau cuộc hợp tác, giữa tác giả và đạo diễn xảy ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”. “Một số sàn diễn lâu nay thiếu tôn trọng tác giả, đó là cách làm thiếu chuyên nghiệp dẫn đến hệ lụy ngày càng ít tác giả chuyên nghiệp đồng cam cộng khổ với sàn diễn xã hội hóa” - tác giả Vương Huyền Cơ phân tích.

Lập tổ chế tác để gỡ bí

Học theo cách tổ chức sáng tác của bà bầu Thơ, Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, trước đây, nhiều sân khấu kịch xã hội hóa đang lập tổ chế tác kịch bản, nghệ sĩ Mạnh Tràng - quản lý Sân khấu Kịch Sài Gòn - cho biết: “Chúng tôi gỡ bí bằng cách lập tổ chế tác gồm các nghệ sĩ có kinh nghiệm để họ cùng suy nghĩ về một chủ đề kịch, sau đó tác giả chấp bút chính là Đăng Minh và đạo diễn của từng vở sẽ dựa vào kịch bản hoàn chỉnh để dựng. Các thành viên trong tổ chế tác được hưởng lương cơ hữu nên họ có thu nhập ổn định, từ đó dốc hết sức cho sàn diễn”.

Tương tự, NSND Hồng Vân khuyến khích tổ chế tác gồm Xuân Trang, Diệp Tiên, Đinh Mạnh Phúc, Xuân Nghị… cùng mình tổ chức tìm nguồn kịch bản, sau đó nâng cao chất lượng bằng cách đưa ra thảo luận, bồi đắp, chỉnh sửa cho kịch bản hoàn chỉnh. “Chúng tôi còn nhận được sự tư vấn rất nhiệt tình của các tác giả chuyên nghiệp như Lê Chí Trung, Chu Thơm, Minh Hoàng… cũng như các đạo diễn gạo cội: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Phạm Thị Thành, NSƯT Trần Minh Ngọc… Lập tổ chế tác trong giai đoạn này là giải pháp cần thiết, cứu nguy cho sàn diễn. Bây giờ sợ lắm những kịch bản khi dựng vở chỉ diễn được vài suất rồi hạ màn” - NSND Hồng Vân nói.

Cũng theo NSND Hồng Vân:  “Huy động lực lượng diễn viên nổi tiếng tập dượt đã khó, tìm kịch bản hay lại càng khó hơn. Tác giả buông bút rồi đến lúc chúng tôi sẽ buông sàn diễn vì cứ dựng các vở kém chất lượng, khán giả sẽ quay lưng. Đây là điều cảnh báo nếu TP không quy hoạch lại, tập hợp nguồn tác giả để định hướng sáng tác cho sân khấu thì kịch tiếp tục còn khó khăn”.

Tác giả Vương Huyền Cơ thì cho rằng muốn tìm được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, các sân khấu phải biết “chiêu hiền đãi sĩ”, cơ chế đầu tư cho tác giả cần thoáng hơn, không gò bó trong sáng tác và tác giả có thu nhập ổn định. Nếu đội ngũ chuyên nghiệp có đời sống tốt thì sẽ có tác phẩm tốt.

Bỏ ngỏ cải lương tuồng cổ

Theo soạn giả - NSND Thanh Tòng, sân khấu tuồng cổ lâu nay bị bỏ ngỏ việc đầu tư để cho ra đời những kịch bản mang tính văn học. Vấn đề cần làm là tập trung lực lượng sáng tác cải lương, để mở lớp tập huấn và truyền đạt những kinh nghiệm viết kịch bản. Tuồng cổ thường gắn với lịch sử, nếu người viết “dốt” sử, cứ vay mượn từ nước ngoài thì tuồng cổ Việt Nam sẽ không có màu sắc riêng. Vì thế, rất cần có sự đầu tư một cách tập trung để nâng cao giá trị nghệ thuật tuồng cổ. Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết những cây bút trẻ cho bộ môn cải lương đang ngày càng hiếm. “Họ chưa am hiểu hoặc chưa có niềm tin, sự chuẩn mực để học hỏi và thâm nhập công việc sáng tác kịch bản, chỉ viết trích đoạn, ca cảnh. Chiến lược của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong thời gian tới là đào tạo nguồn nhân lực trẻ, trong đó có đội ngũ tác giả” - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo