xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sáng tạo là nguồn vui bất tận

Cát Vũ THỰC HIỆN

Người phụ nữ châu Á đầu tiên giảng dạy mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển; giảng viên mỹ thuật người Việt duy nhất hiện nay có được một hội mỹ thuật mang tên mình ở nước ngoài (Thành - Gruppen); người được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ đến 300 bức chân dung

Sau 17 năm sáng tác và giảng dạy mỹ thuật ở nước ngoài, nữ họa sĩ Văn Dương Thành vừa trở về mở xưởng họa và phòng tranh tại số nhà 421/29 Sư Vạn Hạnh nối dài, phường 12, quận 10 - TPHCM. Phòng tranh vừa thành lập sẽ được khai mạc vào lúc 16 giờ chiều nay, 10-7-2004, với 45 tác phẩm. Nhân dịp này, họa sĩ Văn Dương Thành đã dành cho NLĐ cuối tuần một cuộc trò chuyện.

. Phóng viên: Điều gì thúc đẩy chị mở xưởng họa và phòng tranh ở quê nhà giữa lúc chị đang rất thành đạt và bận rộn với công việc sáng tác và giảng dạy ở nước ngoài?

- Nữ họa sĩ Văn Dương Thành: Tôi qua sống ở Thụy Điển từ năm 1987 đến nay. Trong từng ấy năm, tôi đã nỗ lực hết mình để có thể cùng lúc làm tròn những công việc cần thiết như lấy hai bằng đại học (tiếng Anh và Thụy Điển), nuôi con, giảng dạy và sáng tác. Trong hơn 10 năm qua, tranh của tôi được triển lãm ở nhiều nước. Và cho dù đích đến cuối cùng của người nghệ sĩ vẫn là kết quả sáng tạo bất kể họ ở đâu, thì quê hương vẫn luôn là nơi thiêng liêng nhất trong mỗi con người. Tháng 3-2001, tôi đã trở về mở xưởng vẽ của mình ở Hà Nội, một ngôi nhà khiêm tốn trong ngõ hẻm cạnh Hồ Gươm. Từ đó đến nay, tôi đi đi về về với gần một nửa thời gian là ở Việt Nam. Việc mở xưởng vẽ và phòng tranh ở TPHCM là bước chuẩn bị cho cuộc trở về lâu dài hơn nữa của tôi cũng là nhân kỷ niệm 30 năm cầm cọ. Tôi muốn qua phòng tranh này, người yêu thích tác phẩm của Văn Dương Thành có điều kiện thưởng thức những bức tranh từ thời kỳ đầu cho tới những sáng tác còn ướt màu trên giá vẽ. Các bức tranh sáng tạo tại quê nhà cũng như các tác phẩm được lựa chọn từ các triển lãm ở các viện bảo tàng thế giới. Bốn mươi lăm bức tranh triển lãm lần này có chiều dài từ 0,5 m đến 1,5 m gồm nhiều đề tài, từ phong cảnh quê hương đất nước cho đến những di tích nổi tiếng của thế giới.

. Nhiều người nhận xét rằng tranh của Văn Dương Thành mang dấu ấn của sự gặp gỡ giữa tâm lý phương Đông và điệu sắc phương Tây. Chị có đi theo một trường phái nào hoặc khởi xướng cho mình một trường phái hội họa riêng?

Sự nghiệp:

. Tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980.

. Bức tranh sơn dầu Hoa cúc trắng sáng tác năm 20 tuổi được Viện Bảo tàng Mỹ thuật VN mua, là người trẻ nhất được vinh dự này.

. Có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật VN các năm 1972, 1974, 1975.

. Hai tác phẩm Làng cổ VN và Sự yên lặng được chọn là những tác phẩm xuất sắc nhất trong Chương trình nghệ thuật quốc tế kiệt xuất do các giám khảo Pháp và Mỹ chọn trong số 36 nước tham dự vào hai năm 1975 và 1977.

. Bức tranh lớn nhất Phụ nữ và thiên nhiên (6,5 m x 1,5 m) được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Staffanstorp, Thụy Điển.

. Đã vẽ trên 1.500 bức tranh.

- Tôi không bao giờ cố ý tạo cho mình một trường phái mà chỉ đơn thuần muốn ghi lại những rung động bất chợt qua cách diễn đạt được dẫn dắt bởi niềm xúc cảm đang trào dâng. Người xem nhận ra được những thông điệp riêng tư của mình, đó chính là hạnh phúc của người vẽ. Dấu ấn quê hương có được sâu đậm trong tôi nhờ những năm làm cán bộ Viện Nghiên cứu Mỹ thuật (Bộ Văn hóa) được đi khắp nước, được nhìn ngắm vẻ đẹp dung dị của cảnh quan và con người, làng quê VN. Còn kỹ thuật vẽ cổ điển châu Âu là những bài học cơ bản từ trong Đại học Mỹ thuật Hà Nội vốn theo giáo trình của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũ, được bổ sung khi tôi có dịp trực tiếp chiêm ngưỡng những kiệt tác của các danh họa ở nhiều viện bảo tàng châu Âu. Kỹ thuật vẽ Tây phương thường dùng các màu đối chọi trong cùng một bức tranh, còn tôi, mỗi bức thường là một gam màu thuần nhất, ít pha trộn.

. Những ai lưu dấu mạnh mẽ nhất trên con đường hội họa của chị?

- Đó là những người thầy đã trực tiếp hướng dẫn tôi như họa sĩ Vũ Giáng Hương, họa sĩ Trần Lưu Hậu và đặc biệt là danh họa Bùi Xuân Phái. Tuy ông không dạy tôi ở trường song tôi học ông rất nhiều về kỹ thuật vẽ sơn dầu, về tâm hồn, về phong cách. Ông là người bạn lớn của tôi và trong hai mươi năm “làm bạn”, ông đã vẽ 300 bức chân dung tôi. Còn người mà tôi mang ơn suốt đời, không có ông thì không có một Văn Dương Thành họa sĩ, là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Một lần ông đến thăm trường tiểu học, xem bức tranh ký họa tôi vẽ trong giờ học, ông giới thiệu tôi vào Trường Mỹ thuật mà không phải qua thi tuyển, năm ấy tôi 12 tuổi. Để thi đậu vào Trường Mỹ thuật vào thời kỳ đó là rất khó, là điều tôi không hề dám mơ ước.

. Vừa dạy học, vừa đi nhiều như vậy, chị vẽ vào lúc nào và chị có đặt ra chủ đề cho từng thời kỳ sáng tác?

- Tôi không bao giờ định ra chủ đề trước mà “vẽ gì” là tùy theo điều kiện chi phối của phong cảnh xung quanh. Tôi ở Thụy Điển đã lâu nhưng một hôm, đi ngang qua nhà thờ Saint Peter ở Malmo, chợt thấy rung động bởi ánh chiều đỏ rực, chiếu vào ngôi thánh đường như dát vàng. Cảm xúc đó khiến tôi cầm cọ vẽ ngay thành tác phẩm Nhà thờ Thụy Điển với gam toàn màu đỏ. Thuở đi học, tôi xem họa sĩ Auguste Renoir là thần tượng về chủ nghĩa ấn tượng, luôn mơ ước được một lần trực tiếp nhìn ngắm tranh ông. Khi có được chút ít tiền từ triển lãm, tôi mua vé bay sang Pháp đến thăm ngôi nhà ông. Đó là một ngôi nhà cổ nằm giữa một khu vườn rất đẹp rộng cả nghìn mét. Tôi như run lên khi được nhìn thấy bức tranh còn dang dở của ông trên giá vẽ. Tôi xúc động dành nguyên một tháng để họa lại ngôi nhà ông. Khi nghe tin tôi có bức này, nhiều người gọi đến đặt mua và tất nhiên sau đó, chỉ một người trong số họ mua được. Tôi vẽ không kể ngày hoặc đêm, bất cứ lúc nào có thể, có khi ở khách sạn, có khi trên đường từ nước này qua nước khác.

. Là người đã từng có nhiều cuộc triển lãm tranh ở nước ngoài, điều gì để lại ấn tượng sâu đậm cho chị nhất và chị thường mặc trang phục gì vào những dịp ra mắt như vậy?

- Các cuộc triển lãm lớn ở nước ngoài của tôi đều do các đại sứ VN tại nước đó cắt băng khánh thành và luôn có treo cờ VN. Những lúc ấy tôi vô cùng xúc động bởi nghĩ rằng cá nhân mình nhỏ bé lại được sự ưu ái quá lớn. Vào tất cả các buổi lễ quan trọng nhất, không riêng gì ở các cuộc triển lãm, nơi thường gặp các nguyên thủ quốc gia, bộ trang phục mà tôi tự hào và vui thích nhất luôn là chiếc áo dài VN.

. Hiện nay, chị sống với ai ở Thụy Điển và có lúc nào chị cảm thấy mệt mỏi vì nghề không?

- Hiện tôi sống cùng con trai, năm nay 20 tuổi, đang học khoa sử tại Đại học Stockholm.

Cháu mơ ước học xong sẽ về VN giảng dạy. Chúng tôi sống trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ được xây dựng cả trăm năm, giữa một mảnh vườn có nhiều hoa và cây trái. Khung cảnh ở đây yên tĩnh, thanh bình phù hợp với cách sống của chúng tôi. Ba mươi năm gắn bó với hội họa, tôi luôn say mê, trăn trở, tìm tòi, lắm khi có cảm giác đau đớn như sinh nở nhưng rất thú vị và chưa bao giờ thấy chán cũng như không có thời gian để buồn. Ở đâu tôi cũng sáng tác, cũng rất bận, và cũng có những tình bạn sâu sắc. Tôi chọn con đường nghệ thuật như chọn cho mình một lý tưởng, một tôn giáo để đi suốt đời với lòng say mê và tự nguyện. Tôi hạnh phúc vì nghệ thuật đã mang lại tình cảm của bạn bè ở nhiều nước và cả hiệu quả về kinh tế. Vào đầu tháng 8 này, tôi sẽ trở qua Thụy Điển dạy học và chuẩn bị cho triển lãm tại Washington D.C vào cuối năm.

*

Cuộc trò chuyện tạm xong, lẽ ra bài viết có thể kết thúc, song tôi vẫn muốn viết thêm đôi dòng cảm nghĩ về chị. Đó là một người đàn bà đẹp và rất dịu dàng. Nét đẹp ở tâm hồn chị toát ra một sức quyến rũ vừa cao xa lại vừa gần gũi. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi này thực ra chưa thể hiện hết những gì chị đã gặt hái được trong 30 năm sáng tác, nhất là vai trò sứ giả văn hóa trong 17 năm qua của chị ở nước ngoài, đặc biệt là việc chị trở thành chiếc cầu nối cho quan hệ ngoại giao giữa VN và Thụy Điển.

img
Tác phẩm Làng cổ Việt Nam

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo