xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tác phẩm sân khấu: “Đỉnh thấp” còn khó, nói gì cao!

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Với đội ngũ làm nghề không chuyên nghiệp, sân khấu biểu diễn tạm bợ như hiện nay thì mong có tác phẩm đỉnh cao là điều không tưởng

img
Nghệ sĩ Hữu Châu (trái) và Tuấn Khôi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi - vở diễn được xem là tác phẩm đỉnh cao của Sân khấu Idecaf
Đòi hỏi các tác phẩm sân khấu làm ra đều “đỉnh cao” là điều không tưởng. Muốn có được tác phẩm đỉnh cao, trước hết phải làm được nhiều tác phẩm “đỉnh thấp” nhưng ngay cả tác phẩm “đỉnh thấp” “cũng khó thực hiện thì nói gì mơ đến “đỉnh cao”.

Yếu kém vì không chuyên nghiệp

Hầu hết các ý kiến của giới chuyên môn đều đồng tình với nhận định tác phẩm thường thường bậc trung hiện nay còn hiếm, nói gì đến đỉnh cao. NSND Thanh Tòng cho rằng: “Sẽ giải quyết được gì khi vấn đề mấu chốt là chiến lược vực dậy sân khấu. Kịch nói đang sống tưởng chừng như khỏe nhưng bắt đầu xuống dốc, còn cải lương thì khó mà cứu nổi. Sự thiếu chuyên nghiệp từ các khâu là nguyên nhân chính”.

Đạo diễn-NSƯT Ca Lê Hồng phân tích: “Làm kịch ngày nay quá nhanh, độ thẩm thấu kịch bản đối với người viết, người dựng, người diễn còn hời hợt, nói chi đến việc cho ra đời vở diễn đỉnh cao. Mỗi khâu cần có sự chuyên nghiệp sẽ gặt hái hiệu quả. Tìm cái chuẩn của mỗi khâu trước, sau đó chỉnh đốn rồi mới nói đến đỉnh cao”.

Đạo diễn-NSND Huỳnh Nga cho rằng: “Sự kém chuyên nghiệp còn nằm ở khâu thẩm định tác phẩm. Cứ chọn bừa kịch bản rồi quy tụ diễn viên làm vở mà không xác định thời điểm, xu hướng và chiến lược lâu dài để định hướng một thương hiệu. Từ cải lương đến kịch nói đều làm tự phát và thiếu chuyên nghiệp trong cách chọn kịch bản đã làm cho sân khấu mất dần khán giả. Ngày xưa, các đoàn hát của đại bang: Dạ Lý Hương, Kim Chung, Kim Chưởng, Thanh Minh… đều có những tác giả thường trực định hướng sáng tác và khai thác đề tài, để từ đó có vở diễn hay và hướng đến tác phẩm đỉnh cao, vừa đạt doanh thu vừa đạt chất lượng nghệ thuật”.

Theo đạo diễn Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM: Tính chuyên nghiệp xuất phát từ ý thức làm nghề của diễn viên. Nếu chỉnh đốn khâu kịch bản, đạo diễn mà diễn viên xuống cấp về ý thức thì bó tay. Kịch hiện nay bị ảnh hưởng bởi phim truyền hình. Khi diễn viên về với sàn tập sân khấu trong bộ dạng mệt mỏi sau những giờ làm việc tại phim trường thì làm sao có thể diễn hay được; sân khấu kịch chỉ là bến tạm đối với nghệ sĩ thì làm sao họ hết lòng sáng tạo và hướng đến tác phẩm đỉnh cao.

Sân khấu không thể là tạm bợ

NSND Doãn Hoàng Giang chia sẻ: “Làm nghệ thuật, ai cũng ao ước có tác phẩm đỉnh cao nhưng chưa an cư thì chưa thể lạc nghiệp. Tôi vào dựng vở ở TPHCM thấy hầu hết các sân khấu đều ẩm thấp, hôi hám, tối om om… Văn hóa cần sự đầu tư lâu dài, nếu quên đi sự đầu tư này thì tác phẩm “đỉnh thấp” còn không có nói gì đến đỉnh cao”.

NSƯT Hoa Hạ bức xúc nói: “Điều tôi muốn nói ở đây chính là cơ sở vật chất để tạo ra vở diễn. Trong bối cảnh sân khấu thiếu điểm diễn đúng nghĩa, thiếu nhà hát đúng chuẩn thì tác phẩm “đỉnh thấp” còn không có chỗ ra đời, nói chi đến tác phẩm đỉnh cao? Trong cảnh nghèo khó, văn nghệ sĩ đã nỗ lực suốt 36 năm qua và đã đạt được nhiều thành quả đáng kể”.

Cũng theo NSƯT Hoa Hạ, nếu nhìn các nước xung quanh sẽ thấy họ có nền sân khấu phát triển nên đã đẩy sàn diễn lên tới tận nóc nhà hát, vươn ra phía khán phòng, xoay tròn, biến mất trong tích tắc; chuyển không gian, thời gian, sông nước, biển lửa trong sự ngạc nhiên, hoa mắt đến choáng ngợp của người xem. Còn ở ta, vẫn bao nhiêu ngọn đèn của thập niên 1980, bao nhiêu đạo cụ thủ công ấy, cái gọi là tìm đúng chuẩn chuyên nghiệp còn không có, làm sao mà dám nghĩ tới tác phẩm đỉnh cao. Rất nhiều lần các diễn viên bị tai nạn lao động trong lúc làm việc. NSƯT Thành Lộc đã có lần bị chấn thương cột sống khi bị té trong chương trình kịch xiếc tại nhà bạt 23-9, một số công nhân hậu đài bị thương trong các vở diễn có mắc dây bay… Tất cả đã cho thấy sự khó khăn trong việc làm nghề thiếu cơ sở vật chất an toàn và hiện đại. Sân khấu không thể sống mãi đời sống tạm bợ mà phải có nhà hát, có rạp hát chuyên nghiệp”.

Hão huyền

Đạo diễn Ái Như, đang trên sàn tập vở diễn mới của sân khấu Hoàng Thái Thanh, cũng tỏ ra bức xúc khi đề cập vấn đề này: “Càng nói sẽ càng thấy mình tô hồng cho hướng đi mà tương lai quá mù mịt. Ai làm đạo diễn mà chẳng muốn trí tưởng tượng của mình bay bổng, đưa vào tác phẩm những sáng tạo tâm huyết nhưng với cơ sở vật chất yếu kém như hiện nay, khán phòng, sàn diễn, bục bệ chỉ bấy nhiêu thì có bay cũng không thể cất cánh. Tâm huyết dàn dựng chỉ còn bám víu vào giá trị kịch bản văn học; ý tưởng dàn dựng vẫn xoay quanh trò diễn, còn muốn dùng kỹ xảo, thay đổi không gian, hiệu ứng huyền bí từ ánh sáng, khói màu, cảnh trí di động… chỉ là điều hão huyền”.

Đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành nói: “Không thể đã mấy mươi năm qua mà sân khấu Việt Nam vẫn tồn tại chừng ấy ngọn đèn, chuyển cảnh phải đẩy bằng tay, làm đạo cụ chỉ bằng thủ công, chắp vá… Sân khấu thế giới cũng bị yếu tố thiếu kịch bản hay như chúng ta nhưng họ có cơ sở vật chất hiện đại, có thừa kinh phí để biến hóa khiến sàn diễn họ sáng đèn liên tục và tạo được sức hút từ du khách và khán giả trong nước họ. Làm sao tìm ra tác phẩm đỉnh cao trong thời buổi thiếu rạp, thiếu phương tiện kỹ thuật và thiếu cả sự đầu tư đồng bộ”.

Kỳ tới: Không trồng cây, sao đòi hái quả?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo