xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tại sao VN thiếu một nền dịch thuật lành mạnh?

Nguyễn Cảnh Bình

Trong bài này, tôi muốn nêu lên một số lý do giải thích nguyên nhân không có một nền dịch thuật lành mạnh từ phía các dịch giả…nhằm tìm ra giải pháp để phát triển một nền dịch thuật lành mạnh hiện đang rất cần thiết đối với Việt Nam.

• Nguyên nhân thứ nhất: nhuận dịch thấp.

Hiện nay, các NXB thường chỉ chi trả 8-12%, tối đa không quá 15% cho việc dịch, có thể lên đến 20% nếu bán hết bản quyền và NXB có toàn quyền sử dụng phần dịch. Với một cuốn sách khoảng 500 trang, in 1000 bản, giá bán in trên bìa sách khoảng 55.000-60.000đ thì nhuận dịch khoảng 6-7 triệu đồng, nếu bán bản quyền dịch khoảng 10 triệu đồng. Tiền công mỗi trang dịch chỉ ở mức 15.000đ/trang trong khi chi phí dịch ở ngoài cửa hàng ít nhất là 50.000đ/trang đối với loại văn bản cực kỳ đơn giản, và khoảng 100.000đ/trang đối với các văn bản khó và phức tạp. Nhuận dịch đối với các văn bản của các tổ chức quốc tế như WB hay UNDP cũng thường ở mức 100.000đ/trang hoặc hơn. Với nhuận bút dịch sách thấp như vậy, chắc chắn không một ai sống được bằng nghề dịch sách.

Nhưng việc dịch một cuốn sách không những phải hiểu biết rất vững chắc chuyên môn, còn phải có một vốn từ tiếng Việt phong phú, cùng với một kiến thức rất rộng để biên soạn một khối lượng công việc đồ sộ, ngoài ra còn phải chỉnh sửa và chú thích vì tôi cho rằng việc dịch một cuốn sách không chỉ là công việc chuyển ngữ. Với một trí tuệ và vốn kiến thức, vốn ngoại ngữ và tiếng Việt như vậy, các dịch giả có thể tìm được nhiều vị trí làm với mức thu nhập cao hơn hẳn việc dịch sách.

• Viết sách, báo dễ được phong học vị hơn dịch thuật

Không chỉ việc dịch thuật, mà ngay bản thân các dịch giả cũng không được đánh giá đúng mức. Nhiều người chỉ coi trọng việc sáng tác và xem thường việc dịch. Tôi không bao giờ coi sách dịch có ý nghĩa hơn sách viết mà ngược lại, cần phải viết, nghiên cứu và tìm ra các giải pháp, hướng đi cho các vấn đề ở Việt Nam. Điều này chỉ có người Việt Nam mới làm được, và nếu nhằm mục đích đó dù có dịch bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể thay thế được các tác phẩm do chính người Việt Nam viết. Nhưng đó phải là những cuốn sách có chất lượng, và muốn có được sách có chất lượng, trước tiên cần học và tiếp thu các tư tưởng tiên tiến của thế giới. Bản thân tôi đã từng tham gia nghiên cứu cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tôi tin rằng bất kỳ nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam đều hiểu nỗi khổ cực khi nghiên cứu vì thiếu tài liệu. Và không thể có được những tác phẩm sáng tác (kể cả văn học) có giá trị nếu thiếu đi những nền tảng kiến thức của nhân loại.

Không giống như trong dịch văn học, dịch các sách khoa học thường phải là công việc của các nhà chuyên môn. Đó phải là các dịch giả bán chuyên nghiệp, là các giảng viên, các nhà nghiên cứu, những người có kiến thức chuyên môn vững chắc và giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt…Nhưng những người này suy thế thế nào về công vịêc dịch thuật?

Ngoài nhuận dịch thấp, việc dịch không giúp ích cho việc xếp học hàm, học vị đã khiến nhóm dịch giả này không chú tâm đến việc dịch sách. Một giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội than vãn rằng, việc dịch sách không được tính điểm để đánh giá và xếp học hàm, học vị. Hiện nay, Bộ GD-ĐT qui định rất chặt chẽ trong việc phong Giáo sư, phó Giáo sư như sau: tính 1 điểm cho bài báo, tính 2 điểm cho một cuốn sách mỏng, 4 điểm cho một cuốn sách dày (nhưng phải là tác giả…). Còn việc dịch thuật thì không được tính điểm nào. Nếu được khoảng 10 điểm thì được vào danh sách phong Phó GS, được 30 điểm thì có thể phong GS. Vì thế họ thích viết những bài báo hơn vì chí ít một năm có thể “ra lò” 3-4 bài cho các tạp chí và một vài cuốn sách bất kể mỏng hay dày, hay hay dở. Phải chăng do quy định này mà nhiều sách viết hiện nay không có chất lượng? Trong khi dịch một cuốn sách có giá trị đòi hỏi nhiều công sức và mang lại nhiều lợi ích hơn là viết một cuốn sách kém chất lượng.

Những quy định quá máy móc như vậy hầu như không mang lại ý nghĩa tích cực nào. Và đó cũng là lý do giải thích vì sao trong suốt hàng chục năm qua, các sách cơ bản, tài liệu tham khảo đều rất thiếu và sinh viên vẫn tiếp tục phải học chay. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chính trị và luật hiến pháp, chỉ mới có 2 cuốn sách thuộc loại kinh điển được dịch là Khế ước Xã hội của Rouseau và Tinh thần Pháp luật của Montesquieu. Sinh viên vẫn thường được nghe giảng về Machiavelli, John Locke, J.S. Mill…nhưng chưa bao giờ được trực tiếp đọc các tác phẩm của họ. Trong khi hầu hết các sách này đã được dịch ở Nhật Bản trong giai đoạn đầu thời Minh Trị (khoảng 1865-1885), và muộn hơn một chút ở Trung Quốc, thời cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (khoảng 1900-1910).

500 cuốn sách kinh điển cho mọi ngành khoa học

Ngoài hai nguyên nhân trên thì còn khá nhiều nguyên nhân khách quan khác khiến cho không, hoặc khó có được một bản dịch đảm bảo các yếu tố tín, đạt, nhã. Trước hết, việc thiếu các tài liệu, thiếu nguồn tư liệu để dịch, thiếu kênh thông tin, hợp tác, trao đổi…đã cản trở rất nhiều công việc này. Để dịch được các tác phẩm nền tảng và kinh điển đó cần rất nhiều sách tham khảo, tra cứu, từ điển, thuật ngữ đều hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc có được một bản dịch có chất lượng, với các chú thích đầy đủ là không dễ dàng…

Ngoại ngữ cũng là trở ngại lớn cho các dịch giả hiện nay. Thế hệ giáo viên, nhà nghiên cứu nhiều tuổi (thế hệ 50-60 tuổi) hiện nay có kiến thức chuyên môn tốt, nhưng số người giỏi ngoại ngữ (trừ tiếng Nga) không nhiều, còn các giáo viên trẻ đã yếu chuyên môn mà cũng không thực sự giỏi ngoại ngữ. Rất tiếc là chúng ta đã hổng 1-2 thế hệ giáo viên, nhà nghiên cứu…

Mặt khác, các sách cơ bản, kinh điển đa phần được viết từ khá lâu, câu chữ đều cổ nên cũng khó dịch, và phải có kiến thức chuyên môn rất cao mới làm tốt công việc này. Bất kỳ ai dịch sách chuyên môn cũng đều biết khó khăn khi tìm các thuật ngữ tương đương ở tiếng Việt. Chính vì thế, tôi rất khâm phục học giả Hoàng Xuân Hãn khi cách đây 60 năm, ông đã giành ra gần 10 năm để biên soạn cuốn danh từ khoa học, làm nền tảng cho sự phát triển khoa học của nước nhà. Tôi cũng mong ước có được 10 nhà nghiên cứu trẻ cùng chung sức thiết lập một cuốn từ điển như vậy.

Một khó khăn khác là việc xin bản quyền từ phía các NXB thế giới. Việt nam hiện nay mới chỉ ký hiệp định bảo vệ bản quyền đối với Thụy Sĩ và Mỹ, nhưng đối với các quốc gia lớn khác thì trong thời gian ngắn sẽ diễn ra. Do eo hẹp về tài chính nên dịch giả và NXB không đủ tiền để trả bản quyền cho phía nước ngoài. Các NXB của thế giới khi thấy số lượng bản in, giá bán ở Việt nam quá thấp và ít ỏi cũng chẳng mặn mà gì với đề xuất của dịch giả. Tôi đã thử nghiệm xin bản quyền dịch của 3 NXB khác nhau thì thấy rất mất thời gian. Công việc này nên mang tính chuyên nghiệp vì các dịch giả của ta ít quen với vấn đề này.

Khó khăn nữa, sự vi phạm bản quyền trong nước với việc in lậu và đầu nậu xào xáo lại các tác phẩm vô tội vạ, không hề xin phép tác giả hay NXB. Ngay một số NXB cũng thiếu tôn trọng tác giả khi in nhiều mà ghi số lượng ít. Điều này trước mắt có lợi cho người tiêu dùng, cho độc giả vì sẽ mua được sách giá rẻ, nhưng về lâu dài, không làm chỗ dựa và nền tảng thúc đẩy nền dịch thuật.

Một nguồn khác là các sách tài trợ từ các tổ chức quốc tế hoặc của Việt Nam cho việc dịch và xuất bản. Nguồn tài chính này không phải là ít, nhưng việc xin không dễ dàng. Các thủ tục khá rườm rà, phức tạp khiến cho người có thể xin được tài trợ, thường là các quan chức, học giả có tên tuổi…thì không phải là người dịch, còn người trực tiếp dịch thì khó xin tài trợ. Thêm nữa, các cuốn tài trợ đều nhằm một mục đích nào đó, phù hợp với tiêu chí của nơi “cho tiền”.

Dẫu sao, đề xuất của nhà văn Ngô Tự Lập là rất chính xác, khi cho rằng thực sự chúng ta cần ít nhất 500 cuốn sách cơ bản, nền tảng, kinh điển cho mọi ngành khoa học. Không thể hình dung được rằng, đã sang thế kỷ thứ 21 mà tại Việt Nam hầu như chưa hề dịch bất cứ tác phẩm kinh điển nào của thế giới, trừ kinh điển về chủ nghĩa Mác-Lênin. Để so sánh ta có thể thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới đã làm xong việc này từ hàng trăm năm. Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã kết thúc việc này từ hơn 100 năm qua. Qua trao đổi, tôi biết từ hàng chục năm qua, các học giả và sinh viên của Hàn quốc và Thái Lan đã được tiếp xúc các tác phẩm kinh điển bằng chính ngôn ngữ của họ. Tôi tin rằng bất kỳ ai nghiên cứu khoa học nghiêm túc đều sẽ phải ghen tị với các đồng nghiệp quốc tế trong việc tìm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo