xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thanh Lam-Lê Minh Sơn: Nhân duyên âm nhạc

Theo TTO

Khi họ xuất hiện trên sàn diễn, Lam quyến rũ, “là lạ” hơn; Sơn lại như một dòng sông đang uốn thêm khúc khác, ào ạt, dữ dội trong cả cảm xúc sáng tác lẫn ca từ.

Sau live show “Nắng lên”, Thanh Lam tiếp tục làm những live show mini, tung ra album Ru mãi ngàn năm (được bình chọn album của năm 2004), rồi thừa thắng làm tiếp CD Nắng lên đầu năm 2005. Không dừng lại, để kỷ niệm chặng đường 20 năm ca hát của mình vào giữa năm nay Thanh Lam tiếp tục ra album Này em có nhớ cũng với những ca khúc của Trịnh Công Sơn…

Năm nay Lam tròn 20 năm ca hát và đã nổi tiếng từ lâu, còn Sơn thì sáng tác đã nhiều năm nhưng mới xưng danh trong làng nhạc chỉ hai năm nay khi Thị Mầu Ngọc Khuê gây chao đảo người nghe với Bên bờ ao nhà mình tại Giải Sao Mai năm 2003.

Không có Sơn đương nhiên Lam vẫn là Thanh Lam, vẫn nồng nàn quyến rũ; ngược lại, Sơn cũng không phải là cái bóng của Lam bởi vì trước đó Sơn đã được biết đến với Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá… Nhưng Lam đã gọi ra nhạc Sơn đích thị là Lê Minh Sơn, còn Sơn khai thác giọng hát Thanh Lam ở một khía cạnh khác để nữ hoàng nhạc nhẹ không uổng phí một chặng hát ca đang hồi sung sức.

Nhưng cũng phải thẳng thắn trong khoảng thời gian trước khi đến với nhạc Lê Minh Sơn, Thanh Lam đang… chưa có gì mới hơn. Trên sân khấu chị thường hát những bài hát cũ. Ngay cả với những tình ca nồng nàn của Trịnh Công Sơn, chị chưa tạo được thế đứng mới của mình trên con đường âm nhạc đã đi suốt hai thập kỷ.

Một ca sĩ nhạc nhẹ hát bền bỉ suốt từng ấy năm, chưa kể là chị vẫn trẻ quá và đẹp quá nên khán giả vẫn nhìn về chị như nhìn một ca sĩ trẻ, và đòi hỏi nhiều ở chị là đằng khác. Ngược lại, trước khi có Lam hát nhạc mình, dù đã được phát hiện nhưng Lê Minh Sơn vẫn là một nhạc sĩ “bên bờ ao”, với những bài hát nhí nhảnh, ngúng nguẩy, dân gian đấy và cũng hiện đại đấy nhưng chưa “hồn” là mấy.

Sau live show “Nắng lên” của Thanh Lam, khán giả dù khó tính thế nào cũng phải nhìn khác về âm nhạc Lê Minh Sơn - “sâu hơn ta tưởng, đằm hơn ta tưởng và “quái” hơn ta vẫn tưởng”. Cái duyên âm nhạc của họ có lẽ là vậy.

Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình... Hơn một năm qua, Lam đã hát nhạc Sơn bằng “duyên ngầm” của mình. Vẫn là Lam thôi, bao giờ cũng dư thừa năng lượng, nhưng mỗi bài hát và mỗi lần hát đều không lặp lại. Chị hát Ôi quê tôi lúc da diết, lúc lại cồn cào, lúc lại như gào thét lên trong một nỗi nhớ khôn cùng.

Với Nắng lên khi hồn nhiên như một cô gái bắt đầu yêu, lúc lại trong trẻo như một phụ nữ qua hết bão dông để đón chờ một bình minh mới. Người ở người về lại khác nữa, lúc nhấn nhá, lúc thì chông chênh… hát xong rồi mà lời thề nguyền còn đọng lại để muôn đời tha thiết một mối tình bất tử dẫu chỉ là trong câu hát mà thôi.

Trước đây Thanh Lam hát “quậy” là thế, đôi lúc lại “phiêu” hơi phản cảm, thế mà gặp nhạc Lê Minh Sơn giọng hát ấy như cá lại gặp nước. Lam đã hát bằng cái tuổi đẹp nhất của một người đàn bà, bằng độ đằm của cái tuổi ấy, và bằng sự phiêu diêu đáng yêu cũng của chính cái tuổi ấy.

Cũng ngần ấy bài của Lê Minh Sơn thôi, khoảng gần 10 bài, hát đi hát lại, nhiều chương trình, ba live show cả lớn lẫn nhỏ nghe vẫn không chán. Không phải Lam có kinh nghiệm làm mới qua từng đó năm ca hát, mà khán giả vẫn yêu Lam như yêu cô gái tóc dài, mắt biếc thời Thanh Lam của Hoa sữa ngày xưa bởi sự nồng cháy, sự hết mình và sự mãnh liệt hiếm thấy ở những ca sĩ từng đó tuổi đời và tuổi nghề.

Vừa qua Aladin club ở Hà Nội tổ chức một live show mini của Thanh Lam với tên gọi Trăng khát, hơn 200 ghế của phòng trà hết sạch. Lam “phiêu” 14 ca khúc, giọng vẫn đầy đặn cho đến phút cuối cùng (Có lần được hỏi: chị có hát nhép không, Thanh Lam vẻ hơi khó chịu bảo rằng từ khi bắt đầu đi hát đến giờ chưa một lần biết đến hát nhép).

Trong chương trình ấy Lam thật ấn tượng với Rừng xưa đã khép, Này em có nhớ của Trịnh Công Sơn bên cạnh những Hồ trên núi, Không thể và có thể của Phó Đức Phương. Rồi vẫn là Lê Minh Sơn nhưng dường như chị đã thay đổi được thói quen nghe Người ở người về bấy lâu nay trên sân khấu.

Sơn xuất hiện bên Lam với cây guitar quen thuộc, “phiêu” cùng Lam từng giai điệu, say cùng những ca từ có thể là của anh, cũng không có thể là của anh. Sơn như tìm thấy mình trong giọng hát của Lam, còn Lam như đang hát về chính mình: “ngày xưa lạ thế, lời nguyền còn đó, quan họ không lấy nhau, xin hẹn nhau kiếp sau…”.

Người ta có thể nghĩ Thanh Lam dùng nhạc Lê Minh Sơn để làm mới; người ta cũng có thể nghĩ Lê Minh Sơn nhờ tiếng hát của Thanh Lam để tiến xa hơn cái bờ ao nhà mình. Nhưng mối lương duyên âm nhạc ấy không phải ai cũng có, và có không phải ai cũng giữ được. Đành rằng một người hát nhạc của một người là con dao hai lưỡi, bởi sự tẻ nhạt, nhàm chán là điều không tránh khỏi.

Thanh Lam vẫn thông minh và năng động trong cách xử lý ca khúc và giữ được độ nồng nàn, say đắm. Và có lẽ Lê Minh Sơn rất hiểu, dường như với anh mỗi thứ chỉ mới bắt đầu, một bắt đầu đầy thuận lợi, và để tồn tại và thăng hoa, đương nhiên anh phải đi tiếp. Như có lần anh bảo nếu không thành được cây cổ thụ, anh xin làm cây cỏ nhưng là cây cỏ thật, cỏ ra cỏ chứ không là cỏ tạp…

Có thể với nhạc Lê Minh Sơn, đó là dấu ấn sự trở lại của Thanh Lam sau một khoảng thời gian tạm vắng bóng. Để rồi khi trở lại chị đã tăng tốc mạnh mẽ, quyết liệt. Thanh Lam bảo chị đang ở cái tuổi rất sung sức về cả vóc dáng lẫn giọng hát, và chị sẽ hát hết mình với cái trời cho đó.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo