xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Thượng điền” và “hạ điền”

HOÀNG TUẤN CÔNG

"Thượng điền" và "hạ điền" "Thượng điền" là nghi lễ nông nghiệp của những cư dân trồng lúa nước.

"Hán Việt từ điển" của Đào Duy Anh giải thích rõ ràng như sau: "thượng điền上田: Đám ruộng tốt nhất, khác với trung - điền, hạ - điền; Tục lệ nhà nông khi bắt đầu ra làm ruộng, mỗi năm có lệ tế Thần - nông, tế xong mới rủ nhau ra cày ruộng, gọi là lễ Thượng - điền". Về nghĩa thứ nhất của "thượng điền", không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, cách giải thích nghĩa thứ hai, theo chúng tôi là ngược với thực tế. Vì "thượng điền" là lễ cúng khi vụ cày cấy đã xong chứ không phải "bắt đầu ra làm ruộng". Chúng ta có thể tham khảo cách giảng đúng của các từ điển sau đây: - "Từ điển Hán - Việt" (Nguyễn Văn Khôn): "thượng điền 上田 Ruộng tốt nhứt. Lễ cúng thần nông khi đã cấy xong". - "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức): "thượng điền dt. Hạng ruộng tốt nhứt (theo bản sắp của nhà - nước để đánh thuế)": Tên cuộc lễ tế Thần - nông sau khi cấy xong: Lễ thượng - điền". - "Từ điển Việt Nam phổ thông" (Đào Văn Tập): "thượng - điền (tl. Thượng - đẳng điền) Ruộng tốt nhất. Lễ cúng Thần - nông khi đã cấy xong (đối với Hạ - điền)". - "Việt Nam tự điển" (Hội Khai trí Tiến đức): "thượng - điền: Lễ tế Thần - nông khi đã cấy xong <> Làm lễ thượng - điền". - "Từ điển tiếng Việt" (Trung tâm Từ điển học Vietlex): "thượng điền d. lễ cúng thần nông sau khi cấy xong, theo phong tục thời trước: "(...) nhân ngày "thượng điền" làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui." (Ngô Tất Tố)". Trái với "thượng điền" là "hạ điền", tức lễ xuống đồng bắt đầu một vụ cày cấy. "Hán Việt từ điển" (Nguyễn Văn Khôn) giảng: "Hạ điền 下田: Lễ bắt đầu làm ruộng. Ruộng xấu". Các cuốn từ điển mà chúng tôi dẫn trên đây cũng có cách giải nghĩa tương tự. Thông thường, lễ "hạ điền" làm long trọng hơn "thượng điền" song trong thực tế cũng có khi người ta chỉ tổ chức "hạ điền" mà không làm "thượng điền" hoặc thu hoạch xong mới "thượng điền", cảm tạ Thần - nông, trời đất (cần phân biệt với lễ "thường tân" cúng cơm mới, tạ ơn thần thánh, tổ tiên). Bài "Nghi thức rước sắc và hồi sắc trong lễ Kỳ yên ở Cần Thơ" của Trần Phỏng Diều (Báo Cần Thơ, 29-5-2010) cho chúng ta biết thêm: "Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Do lễ Kỳ yên và lễ Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở Cần Thơ đã nhập hai kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ Kỳ yên Hạ điền". Ở Thanh Hóa, "thượng điền" (còn gọi "lên đồng"), có khi được dùng với nghĩa "cấy xong" chứ không gắn gì với lễ nghi. Ví dụ, nông dân hỏi thăm nhau: "Nhà bà đến hôm nào thì thượng điền?". Có lẽ, đây chỉ là một trong những "sự cố", nhầm lẫn của học giả Đào Duy Anh trong "Hán Việt từ điển", bởi ở mục "hạ điền下田", chính sách này lại đưa ra lời giảng "Cái lễ cúng Thần - nông ngày đầu năm để bắt đầu làm công việc nhà nông". Vấn đề đáng nói ở chỗ, sau "Từ điển Hán Việt" của Đào Duy Anh (1931), ít nhất có thêm 3 cuốn từ điển nữa lặp lại nhầm lẫn này. Thứ nhất, "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, 1991) giảng: "Thượng điền lễ hằng năm tế Thần - nông để bắt đầu làm ruộng (cũ)". Đây là cuốn từ điển mà GS Nguyễn Lân cùng Nguyễn Văn Đạm, Lê Khả Kế, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngô Thúc Lanh, Ngụy Như Kon Tum, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thạc Cát, Đoàn Hựu, Trần Văn Khang, Long Điền, Hoa Bằng tham gia biên soạn, xuất bản lần đầu năm 1967. Hơn 20 năm sau (năm 1989), nhầm lẫn của "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên) lại được GS Nguyễn Lân chép gần như nguyên xi vào sách "Từ điển từ và ngữ Hán Việt": "Thượng điền (thượng: trên; lên cao; tiến lên; điền: ruộng) Nói buổi lễ cúng Thần - nông đầu năm trước khi làm ruộng (cũ): Theo truyền thuyết, ngày xưa, trong ngày lễ thượng điền, vua ra ruộng cày tượng trưng, sau đó nhân dân mới làm ruộng". Hơn 10 năm sau (2000), phần ghi chép này lại được chính GS Nguyễn Lân sử dụng vào "Từ điển từ và ngữ Việt Nam": "Thượng điền dt (H. điền: ruộng) nói buổi lễ cúng Thần-nông đầu năm trước khi bắt đầu làm ruộng: Ngày xưa, trong ngày lễ thượng điền, vua ra ruộng cày tượng trưng, sau đó nhân dân mới làm ruộng". Cũng cần nói thêm, ở đây, nghĩa giảng này của GS Nguyễn Lân về chữ "thượng" chưa đúng, bởi "thượng" trong "thượng điền" là bước lên, chứ không phải "dâng lên, ngồi lên". Mặt khác, lễ "hạ điền" (tức "thượng điền" theo sự nhầm lẫn) và lễ "tịch điền" ("vua ra ruộng cày tượng trưng" như cách giảng của GS Nguyễn Lân) là hai nghi lễ khác nhau chứ không phải là một. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo