xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn học dịch: Thừa sách dở, thiếu sách hay!

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

Lần đầu tiên các dịch giả văn học Việt Nam cùng ngồi lại với nhau để mổ xẻ, nhìn nhận những yếu kém của mình

Hội nghị các dịch giả văn học Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Văn hóa – Thông tin, Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Phú Yên phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Phú Yên vào ngày 8-7. Gần 100 đại biểu là các dịch giả văn học, nhà lý luận phê bình văn học dịch trong cả nước, đại diện các NXB tham gia. Bên cạnh nhiều vấn đề về chuyên môn, về kỹ thuật của công tác dịch thuật, các đại biểu dành phần lớn thời gian của hội nghị, bàn luận, trao đổi về những khó khăn hiện nay của nền văn học dịch Việt Nam.

Tự phát, không theo định hướng lâu dài

Theo dịch giả Thúy Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, văn học dịch Việt Nam hiện nay có vẻ phong phú nhưng phát triển tự phát, không lựa chọn khoa học, không theo một định hướng lâu dài. Điều này dẫn đến tình trạng thừa sách dở nhưng hiếm sách hay; tình trạng sách đẹp mã nhưng nội dung quá nhiều sai sót về chữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt, về phiên âm do dịch ẩu, dịch theo đơn đặt hàng. Tình trạng “đạo” sách dịch hoặc NXB in sách không ghi tên người dịch, không trả nhuận bút đang phổ biến. Biên tập viên không đủ trình độ về ngoại ngữ và văn chương để đảm đương biên tập sách dịch trong khâu xuất bản là một trong những nguyên nhân dẫn đến sách dịch xuất bản có nhiều sai sót. Hiện nay Việt Nam chưa thành lập được hội nghề nghiệp dành cho những người dịch thuật để tạo điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nguồn sách... Văn học dịch Việt Nam lâu nay thiếu những tổng kết kinh nghiệm để xây dựng lịch sử dịch thuật Việt Nam, đúc kết thành lý thuyết dịch thuật Việt Nam.

Trì trệ vì bị coi như “con ghẻ”

Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá của dịch giả Thúy Toàn. Tuy nhiên nhìn nhận của mỗi người về mức độ “nóng” của từng vấn đề có sự khác nhau.

Văn học dịch đương đại: Đáng mừng hay đáng báo động?

Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng văn học dịch đang đứng ở làn ranh báo động khi mà những tác phẩm cao cấp, thuộc hàng kinh điển hiếm xuất hiện, trong khi những thứ dễ dãi thuộc các đề tài trinh thám, bạo lực, tình cảm... lại tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, dịch giả Trần Đình Hiến, người nổi tiếng với những tác phẩm dịch từ nguyên tác của Mạc Ngôn, đang “ăn khách” trên thị trường, nhìn nhận: “Văn học dịch Việt Nam đang mở rộng, và ở một mức độ nào đó thì đây là một hiện tượng đáng mừng. Độc giả Việt Nam đang có cơ hội tiếp nhận được nhiều nền văn hóa khác nhau của thế giới nhờ tinh thần của thời đại được phản ánh qua các tác phẩm văn học đương đại. Nhà báo - dịch giả Phan Quang gần đồng tình với ý kiến này: “Thị trường sách dịch hiện nay vẫn có rất nhiều tác phẩm tốt. Điều hiển nhiên là trong số lượng lớn đó có khá nhiều tác phẩm lớn. Tôi nghĩ không thể nói văn học dịch đang thụt lùi so với trước đây”.

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho rằng khó khăn lớn nhất của những người làm công tác văn học dịch hiện nay là vấn đề bản quyền. Ông nói: “Chúng ta đã ký các hiệp ước bản quyền với Mỹ, Thụy Sĩ và sắp tới sẽ gia nhập đầy đủ các công ước bản quyền khác của thế giới. Điều này đặt ra những khó khăn rất lớn, ngoài chuyện kinh phí mua tác quyền, chuyện giữ được nguyên vẹn nội dung của tác phẩm cũng là một vấn đề. Những trường đoạn không phù hợp về chính trị, về thuần phong mỹ tục... thì tính như thế nào khi không được quyền cắt xén? Rồi những tác phẩm nào, tác giả nào được dịch; những tác phẩm, tác giả nào thì không?”. Dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng một trong những lý do khiến tình trạng dịch sai, dịch ẩu gây tai tiếng cho giới dịch giả Việt Nam chính là sự yếu kém của khâu biên tập trong các NXB. “Nếu các biên tập viên đủ trình độ để hiệu đính tác phẩm dịch, đủ độ tinh để nhận ra đâu là tác phẩm “đạo dịch” thì thị trường không có nhiều ấn phẩm dịch kém chất lượng như báo chí từng lên tiếng. Thực tế cho thấy người đọc không thể kiểm tra chất lượng sách trước khi mua, mà chỉ nhìn cái bìa, cái tít là bỏ tiền ra, có khi mua về rồi lại bỏ vì tác phẩm quá tồi, dịch sai hoặc “chôm chĩa” đâu đó”.

Bức xúc hơn, dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng các ngành hữu quan coi văn học dịch như “con ghẻ”, đó chính là lý do dẫn đến sự trì trệ của loại hình văn học này. Theo ông, đến bây giờ mới có hội nghị văn học dịch đầu tiên là quá chậm.

Cần sự quản lý, đầu tư của Nhà nước

Đa số các dịch giả cho rằng hiện nay giới dịch giả Việt Nam đang thiếu một tổ chức thống nhất do Nhà nước quản lý. Nhiều đại biểu cho rằng cần phải có một tổ chức thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin hoặc Hội Nhà văn đủ năng lực lãnh đạo và quản lý đội ngũ dịch thuật. Theo dịch giả Phan Quang, Nhà nước phải có tác động vào lĩnh vực văn học dịch vì hoạt động này đang bị chi phối bởi quy luật thị trường, không thể thả lỏng như hiện nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo