xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Viết kịch bản phim truyền hình - nghề hái ra tiền

Phương Trang

Hơn 400 triệu đồng là thu nhập từ công việc viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập của một nhà văn ở TPHCM trong năm qua

Có lẽ chưa bao giờ thị trường phim truyền hình sôi động như hiện nay, khi các hãng phim nước ngoài cũng vào cuộc và gần như mỗi tuần đều có thêm một vài bộ phim nhiều tập rục rịch lên lịch bấm máy.

Cơn sốt làm phim truyền hình nhiều tập

Dưới cờ đại nghĩa, Nghề báo, Xin lỗi tình yêu… - danh mục phim truyền hình nhiều tập dự kiến phát sóng trong năm nay và chuẩn bị khởi quay của TFS - đã vượt quá con số 20 đầu phim. Vừa ra mắt bằng 29 tập phim Đi về phía mặt trời, M&T Pictures đã rốt ráo triển khai hàng chục dự án nhiều tập tiếp theo. Đó là chưa kể sự góp mặt của gần 200 tập phim “đóng mác” Lasta (Thái Lan) dù hãng này ra đời chưa được một năm, và chưa tính đến 100 tập phim Mùi ngò gai do Hãng phim VIFA và Hãng FnC (Hàn Quốc) hợp tác sản xuất đang trên trường quay. Ngoài ra, dự án về một bộ phim truyền hình có thời lượng 500 tập cũng đang được 2 hãng này ráo riết chuẩn bị...

Phim truyền hình hiện được xem là mảnh đất màu mỡ mà các hãng tư nhân, các công ty quảng cáo tranh nhau nhảy vào bởi lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc đổi phim lấy quảng cáo. Kịch bản khan hiếm nên các nhà văn, nhà phê bình điện ảnh, sân khấu liên tục nhận được những lời mời “ngọt ngào” từ nhiều phía. Một nhà văn chuyên viết kịch bản phim cho biết, năm qua, thu nhập từ kịch bản phim của anh đã lên đến 500 triệu đồng, hơn 400 triệu đồng trong số đó thu được từ kịch bản phim truyền hình nhiều tập. Sự trở mình của thị trường phim truyền hình cùng nguồn thu hấp dẫn từ công việc viết kịch bản phim nhiều tập đang làm thị trường này nóng hơn bao giờ hết.

Săn lùng tác giả kịch bản

Hiện nay, không chỉ các hãng phim tư nhân mà các công ty quảng cáo cũng vào cuộc. Trước đây, kịch bản phim truyền hình nhiều tập chủ yếu được đặt hàng từ các nhà văn tên tuổi hoặc được chuyển thể từ truyện dài, tiểu thuyết. Một nhà văn - tác giả của nhiều bộ phim truyền hình được yêu thích, cho biết gần đây, trong số nhiều đơn vị đến đặt hàng ông, có cả công ty chuyên tổ chức sự kiện. Để có kịch bản, mới đây, ban biên tập Tạp chí Truyền hình và Trung tâm Sản xuất Phim THVN còn mở hẳn cuộc thi Tìm ý tưởng phim truyền hình VN, để từ những ý tưởng đó, các cây bút chuyên nghiệp sẽ viết thành kịch bản.

Cung vẫn không đủ cầu nên hàng loạt công ty đổ xô đi lùng kịch bản khiến không chỉ nhà văn mà các cây bút phê bình điện ảnh, sân khấu cũng trở nên có giá. Nhuận bút từ 3-5 triệu đồng, có khi lên đến 10 triệu đồng/tập phim đối với tác giả nổi tiếng, đang biến công việc viết kịch bản thành một nghề thời thượng. Hình thức viết kịch bản theo nhóm tác giả ra đời và phát triển khá nhanh. Bởi phương pháp này không chỉ làm cho kịch bản thật hơn, do câu chuyện được nhìn từ nhiều góc độ mà còn giúp đẩy nhanh tiến độ công việc.

Sau khi nhóm tác giả kịch bản Dollar trắng và nhóm Sói con (đồng tác giả kịch bản phim Đi về phía mặt trời) xuất hiện, các hãng phim bắt đầu mở chiến dịch gom những bạn trẻ có khả năng viết, tổ chức thành từng nhóm viết. Công ty Truyền thông Thằng Mõ của đạo diễn Cảnh Đôn còn đảm nhận cả dịch vụ cung cấp kịch bản phim truyền hình nhiều tập. Hãng phim HK đã tổ chức được 2 nhóm viết kịch bản, một quy tụ những sinh viên vừa tốt nghiệp lớp đạo diễn điện ảnh Trường Cao đẳng SKĐA TPHCM và một gồm 2 nhà văn trẻ: Phan Hồn Nhiên và Vũ Đình Giang. Hãng phim Gia đình Việt cũng đã có trong tay một nhóm tác giả trẻ là sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TPHCM...

Đào tạo chuyên nghiệp hóa

Nguồn dồi dào nhưng phim nhiều tập VN vẫn chưa lôi cuốn khán giả bởi nhiều lý do, trong đó, chủ yếu nằm ở khâu kịch bản. Dollar trắng, Đi về phía mặt trời... - những bộ phim đầu tiên có kịch bản được viết bởi nhóm tác giả - vẫn chưa tạo được dấu ấn do tính chuyên nghiệp chưa cao.

Không chịu khó đầu tư kịch bản, chủ yếu sử dụng các kịch bản cũ của Thái Lan biên tập lại, bất kể có phù hợp với văn hóa Việt hay không, các bộ phim do Hãng Lasta sản xuất liên tục vấp phải rào cản dư luận. Ngoài ra, theo một nhà viết kịch bản chuyên nghiệp, việc đoạn kết ở các tập phim của ta chưa đủ sức để khán giả háo hức chờ tập kế tiếp một phần là do sự thiếu chuyên nghiệp của tác giả kịch bản. Đôi lúc, do thói quen, các nhà viết kịch bản mang cả tư duy văn học, tư duy sân khấu vào kịch bản phim truyền hình.

Để chuyên nghiệp hóa đội ngũ này, một vài hãng phim bắt đầu tính đến việc đào tạo cho mình đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp. Điển hình trong số đó là Hãng HK. Từ khi ra đời đến nay, Hãng phim HK đã tổ chức 3 đợt đào tạo ngắn về kỹ thuật viết kịch bản. Mới đây, HK còn mạnh tay mời cả chuyên gia kịch bản nước ngoài - ông Kim Young Bo, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật - Phát sóng Hàn Quốc, tác giả gần 20 kịch bản phim truyền hình nhiều tập (cho các hãng KBS, SBS, MBC, HBS) và phim nhựa - sang đào tạo kỹ thuật viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập cho 2 nhóm tác giả của hãng.

Hy vọng với nỗ lực tìm cách chuyên nghiệp hóa việc sản xuất phim ngay từ khâu viết kịch bản của các nhà sản xuất, số lượng và chất lượng phim truyền hình VN sẽ sớm được nâng cao.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo