xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Vườn hiện thực” Nam Cao bao giờ thực hiện?

Ý tưởng xây dựng Vườn hiện thực Nam Cao với những nhân vật, và những gì đặc trưng của làng Vũ Đại ngày ấy có trong các tác phẩm của nhà văn hiện thực nổi tiếng này sau 7 năm vẫn chỉ là ý tưởng

Làng Vũ Đại ngày ấy trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao chính là làng Đại Hoàng quê ông, nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nằm cách TP Nam Định khoảng chừng 7 km đường bộ, nơi có con sông Châu chảy qua. Ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đặt chân đến vùng đất này là chuối, những vườn chuối xanh tốt nối nhau chạy dọc theo bờ sông. Dân địa phương gọi giống chuối này là chuối ngự (chuối chỉ dành tiến vua). Có lẽ từ những vườn chuối truyền thống này mà cây chuối đã đi vào những tác phẩm của nhà văn Nam Cao, gắn bó mật thiết với con người và cuộc sống của một miền đất mà ông đã phản ánh trong đó.

Sự trùng hợp lạ kỳ

Làng Đại Hoàng hôm nay đã khoác lên mình dáng vẻ của một làng quê hiện đại, nhưng những âm thanh lách cách của tiếng thoi đưa có từ cái làng Vũ Đại ngày ấy vẫn rộn ràng. Nhà văn Nam Cao chắc sẽ toại nguyện, khi hài cốt của ông được tìm thấy và đưa về an táng trên mảnh đất quê nhà.

Vợ chồng bà Trần Thị Hồng, con gái của nhà văn Nam Cao, vất vả lắm mới tìm ra hài cốt của cha mình. Câu chuyện bà Hồng kể về việc đi tìm mộ cha thật lạ kỳ. Nhà văn Nam Cao hy sinh ngày 30-11- 1951 (theo giấy báo tử), sau một chuyến đi công tác vào vùng địch hậu, bị thực dân Pháp bắt và bắn chết. Nhân dân địa phương đã mai táng ông cùng với bốn người khác trong đó có ông Nguyễn Văn Thao, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, tại Gia Khánh, Gia Viễn, Ninh Bình. Năm 1956, nhân dân địa phương cải táng ngôi mộ chung này tập trung về nghĩa trang liệt sĩ Gia Viễn, ông nằm trong số 850 ngôi mộ vô danh. “Phải tìm cho được hài cốt của cha mình trước khi nhắm mắt xuôi tay”, đó là lời tâm niệm của bà Trần Thị Hồng và chồng - ông Nguyễn Côn. Sau hội thảo quốc gia về Nam Cao vào năm 1992, việc tìm kiếm mộ của ông bắt đầu được các tổ chức quan tâm. Ngày 24-11-1996 tổ chức UNESCO phối hợp với Hội Liên hiệp Khoa học Thông tin Ứng dụng đưa từ Hà Nội về 7 nhà ngoại cảm, với mục đích tìm kiếm cho được hài cốt của nhà văn Nam Cao. Trong số đó có nhà ngoại cảm trẻ tuổi Phan Thị Bích Hằng, cô đã đưa ra phương án tìm kiếm được mọi người đồng thuận nhất. Cô Hằng khẳng định hài cốt của nhà văn Nam Cao nằm trong ngôi mộ 306 trùng hợp với con số 36 tuổi hưởng dương của nhà văn. Cô Hằng cho biết nhà văn Nam Cao hy sinh ngày 28-11 chứ không phải ngày 30-11 như giấy báo tử. Ông hy sinh sau một đêm bị bọn địch tra tấn và bắn chết bằng một phát súng vào đầu. Hài cốt của ông được đưa về Viện Khoa học Hình sự để xác định. Quả thực những chứng cứ kết luận tại Viện Khoa học Hình sự về hài cốt của nhà văn đều trùng khớp với những thông tin mà cô Hằng đã phán đoán trước đó. UBND xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã dành cho ông một khu đất rộng 4 ha nằm cạnh bờ sông... Ngôi mộ của ông được xây dựng với kinh phí 100 triệu đồng do gia đình bỏ ra, trong đó tỉnh Hà Nam hỗ trợ 27 triệu đồng. Ba năm trước, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về thăm mộ ông đã quyết định xây dựng Nhà lưu niệm Nam Cao. Nhà lưu niệm xây xong cách đây 2 năm, đến nay, cũng chỉ là ngôi nhà trống trải. Ngôi mộ của nhà văn Nam Cao vẫn lạnh lẽo nằm cạnh ngôi nhà lưu niệm suốt ngày cửa im ỉm khóa.

Mong muốn tái hiện cảnh cũ, người xưa trong không gian nghệ thuật

Bà Trần Thị Hồng kể rằng những nhân vật trong truyện của Nam Cao đều là những con người thật từng sống ở cái làng Đại Hoàng này, như: “Chí Phèo” tên thật là Chí; “Thị Nở” tên thật là Thìn- nguyên mẫu là người em ruột của người anh cột chèo với nhà văn Nam Cao; “Dì Hảo” là cô em nuôi của mẹ nhà văn Nam Cao, bà là người phụ nữ xinh đẹp nhưng bất hạnh khi lấy phải ông chồng dính vào cờ bạc, rượu chè. Hay nhân vật “Bá Kiến” nguyên mẫu là ông Chánh Bính, từng là Nghị viên Bắc Kỳ...

 img
Tác giả bên ngôi mộ nhà văn Nam Cao

Nhà văn Nam Cao sử dụng những tư liệu qua những câu chuyện kể của vợ về những người thật, việc thật xảy ra trong làng để xây dựng tác phẩm của mình. Cũng từ những gì có thật ở làng Đại Hoàng và những nhân vật mang tính hiện thực trong những tác phẩm truyện ngắn của ông mà ý tưởng xây dựng Vườn hiện thực Nam Cao được Hội VHNT tỉnh Hà Nam, Viện Văn học Việt Nam và nhiều văn nghệ sĩ tán đồng. Ngay trong khu vườn tưởng niệm rộng 4 ha, những người bạn, gia đình của ông và chính quyền xã muốn dựng lại một cái lò gạch cũ trong tác phẩm Chí Phèo, ngôi nhà của Bá Kiến và các nhân vật có trong truyện của ông như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc... trong một không gian nghệ thuật.

UBND xã cũng lo không giữ nổi

Cho đến nay, ngôi nhà của ông Chánh Bính (nhân vật Bá Kiến) trong truyện ngắn Chí Phèo vẫn còn tại xóm 11, xã Hòa Hậu, với 200 năm tuổi. Đó là ngôi nhà 3 gian 2 chái có diện tích khoảng 60 m2. Chủ nhân ngôi nhà này đang tìm cách bán đi. Nhiều khách phương xa đã tìm đến đây đặt mua mang đi nhưng chính quyền xã kiên quyết không cho bán. Người đại diện của ủy ban xã tiếp chúng tôi nói trong thất vọng: Nếu cứ tiếp tục kéo dài thì chưa biết UBND xã có giữ nổi ngôi nhà lại hay không. Chưa nói đến vườn hiện thực mà ngay cả Nhà lưu niệm Nam Cao đã 2 năm qua vẫn chưa tổ chức khánh thành, vì ngôi nhà không có gì ngoài 4 bức tường. Hiện nay, gia đình nhà văn Nam Cao còn giữ được chiếc giường ngủ, bàn viết văn của ông và 30 đầu sách đã được xuất bản nhưng muốn đưa vào trưng bày cũng không thể được, phải chờ quyết định của ngành văn hóa tỉnh.

Cách Hà Nội khoảng dưới 90 km, khu vườn tưởng niệm nhà văn Nam Cao nằm kề cụm Di tích đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ các vị vua nhà Trần, chùa tháp Phổ Minh..., có thể trở thành một điểm đến du lịch văn hóa không kém phần hấp dẫn. Thế nhưng, bao giờ?

Bài và ảnh: Hữu Thân

--------------------------------------------------------

Ông nguyễn Côn - Con rể nhà văn Nam Cao:

Khả năng gia đình có hạn

Chúng tôi đều là những người sắp đến tuổi thất thập cổ lai hy, rất nóng lòng muốn hoàn tất những công việc phải làm cho ông cụ (nhà văn Nam Cao) trước khi mình xuôi tay nhắm mắt. Tỉnh huyện không làm thì gia đình với chính quyền xã sẽ làm. Vợ chồng tôi đã gởi thư đến các nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc để xin sách in các tác phẩm của nhà văn Nam Cao, kể cả tìm tới những người thân từng có quan hệ hoặc sinh sống với nhà văn để tìm xin những kỷ vật có liên quan đang được lưu giữ.

Khả năng gia đình chỉ có thể làm đến đó. Muốn xây dựng được Vườn hiện thực Nam Cao có khi phải trông chờ đầu tư của công ty kinh doanh du lịch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo