xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm nên cơ nghiệp từ gánh bún bò

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Quán Ngọc Dung nằm trên đường Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, quận 9-TPHCM mới sáng sớm mà bãi xe đông nghẹt. Ngoài những xe mang biển số của TPHCM, nhiều xe ở Hà Nội, Hải Phòng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai... cũng tìm đến đây. Gần cả trăm bàn nhưng khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được chỗ ngồi.

Tuổi thơ cơ cực

Những tô bún bò nóng hổi được mang ra. Bún bò Ngọc Dung rất khác biệt bởi sợi bún nhỏ, màu trắng đục, nước không béo cũng không đậm màu nhưng khi nếm vào, vị thật đậm đà, thơm nồng mùi ruốc Huế. Khoanh giò trắng muốt, kèm những lát thịt bò, khoanh chả đủ cho thực khách ấm lòng trong tiết trời se lạnh. Dĩa rau với các loại rau muống, bắp chuối được bào nhỏ đi cùng giá và rau sống rất tươi ngon. Chủ quán - bà Nguyễn Thị Ngọc Dung với 30 năm nấu bún bò được bắt đầu bên gian bếp có mùi ruốc Huế, có hương sả thơm nồng và cả vị ớt cay cay.

Sinh ra và lớn lên tại xã Phú Thái, huyện Phú Vang, Thừa Thiên -Huế, tuổi thơ của bà là những chuỗi ngày cơ cực. Mẹ qua đời khi bà vừa tròn 6 tuổi. Người cha với cảnh “gà trống nuôi con” ngày càng trở nên cáu gắt khi phải đối diện với cái ăn, cái mặc cho hơn 10 người con. Chưa đến 10 tuổi, bà phải kiếm sống phụ giúp gia đình. Tuổi thơ của bà trôi qua cùng những chiếc nón bài thơ tinh xảo và những bữa ăn nghèo cho cả gia đình. “Có lúc, trong nhà không có thứ chi ăn, gạo chỉ còn một ít. Rinh nồi cơm mà lòng buồn rười rượi”- bà kể. Năm 16 tuổi, bà lấy chồng. Lần lượt 7 người con ra đời, cái nghèo càng bám riết gia đình. Đến một ngày, không chịu được cảnh cơ cực, gia đình bà quyết định vào Nam.

Bún bò của má căng tin

Ông Nguyễn Vương, chồng bà, nhớ lại: “Vào Sài Gòn, vợ chồng tôi tìm được một chân bán căng tin cho một xí nghiệp Bulgaria đóng tại Thủ Đức (nay là quận 9). Nhờ nấu ăn ngon, cung cách phục vụ chu đáo, sạch sẽ nên căng tin lúc nào cũng đông khách. Nhưng kinh doanh chưa đầy một năm, mặt bằng bị lấy lại. Sau bao ngày lặn lội tìm kiếm, vợ tôi tìm được chân bán căng tin tại Trường Trung ương Đoàn - Thủ Đức”. Những món ăn bà nấu lúc bấy giờ ngoài cơm, canh, bao giờ thực đơn sáng cũng có món bún bò. Nhiều học viên cứ trầm trồ: “Má ơi sao bún bò ngon thế”. Anh Nguyễn Quang Vinh, con trai bà hiện là kiểm sát viên VKSND quận Thủ Đức - TPHCM, nhắc lại những tháng ngày cơ cực: “Để có được tô bún bò, mẹ phải thức đến khuya, dậy từ lúc 2 giờ sáng. Lúc ấy, vừa nuôi con vừa buôn bán, mẹ gầy trơ xương nhưng không một tiếng than van. Bà thường khuyên chúng tôi phải cố gắng học hành”.

Cuối năm 1981, một lần nữa, mặt bằng bị lấy lại. Lúc ấy, bà cũng không biết đi đâu, về đâu. Trước ngày dọn đi, nhiều học viên còn nhắn: “Má về đâu cho các con biết để các con ủng hộ”. Từ câu hưởng ứng của học viên, gia đình bà bàn bạc trở về ấp Giãn Dân, Thủ Đức dồn hết tiền kiếm được, mua miếng đất cất tạm quán lá bán bún bò. Bún bò Ngọc Dung xuất hiện từ đó và khách ghé thường xuyên nhất vẫn là học viên Trường Trung ương Đoàn.

Hướng về cố hương

Từ quán lá với số khách là những học viên ban đầu, đến nay cơ ngơi của bún bò Ngọc Dung là biệt thự trị giá vài chục tỉ đồng với lượng khách không dưới vài trăm người mỗi ngày. Những ngày cao điểm, khách đến cả ngàn người. Không chỉ khách trong nước mà khách nước ngoài cũng tìm đến đây. Ngoài bún bò, quán còn có thêm những loại bánh bèo, bột lọc, bánh nậm, bánh lá... đậm đà hương vị Huế. Anh Tống Ngọc Quang, người được bà Dung cưu mang 11 năm qua, tạo công ăn việc làm, cưới vợ và hỗ trợ một ngôi nhà yên ấm, kể: “Hằng năm, khi nghe có tin bão, lụt dì đều lặn lội về quê giúp đỡ mọi người”.

Hiện bốn trong số bảy người con của bà đều có công ăn việc làm ổn định. Bà cũng luôn dặn các con luôn nhớ về quê cha, đất tổ. Cũng chính sự định hướng của bà mà người con Nguyễn Thanh Tùng, hiện là chuyên viên kỹ thuật Bưu điện TPHCM, sau khi du học từ Pháp trở về đã đầu tư, xây dựng Ngự Lãm Viên (cung đình Huế thu nhỏ) cạnh quán. Tại đây, thực khách có thể nhìn thấy sông Hương uốn lượn, lăng vua các thời kỳ như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, chùa Thiên Mụ... “Tôi muốn giúp mẹ cũng như những người con xa Huế tìm được hình bóng quê nhà khi đến quán thưởng thức những món ăn do mẹ tôi làm”- anh Tùng nói.

Bà Dung cho biết, để nước bún ngọt cần có nhiều xương. Nhưng để nồi bún thêm thơm phải có mực và đặc biệt là mắm ruốc Huế. Để luộc chân giò cho trắng mà không quá dai hoặc quá mềm thì phải nấu nước thật sôi mới cho giò vào. Luộc khoảng 20 phút vớt bọt, tắt lửa. Cứ để nồi thịt trên bếp với lửa than khoảng hai giờ, khi vớt ra, giò sẽ trắng tự nhiên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo