xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương”: Đứng dậy sau nỗi đau

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Tai nạn lao động khiến người lao động phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có sức khỏe và tương lai

Trong căn nhà nhỏ, đơn sơ tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP HCM, người đàn ông chỉ có một tay, một chân thoăn thoắt quét nhà, lau nhà, tưới rau. Đó là anh Nguyễn Hữu Khanh, nguyên công nhân (CN) Công ty TNHH Xây lắp điện Miền Đông, bị tai nạn lao động (TNLĐ) với tỉ lệ thương tật 92%.

Cố gắng sống có ích

Vụ tai nạn xảy ra vào năm 1997 khi anh Khanh mới vào làm việc tại Công ty TNHH Xây lắp điện Miền Đông được 1 năm. Thời điểm ấy, đơn vị anh đang xây lắp một tuyến đường điện tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Trước khi công trình hoàn thành, đội trưởng đội thi công đã mở một đường dây cho bà con địa phương sử dụng tạm nhưng quên báo lại cho đồng nghiệp. Xế chiều, khi anh Khanh leo lên lắp dây thì trụ điện phát nổ. Rơi từ trên cao xuống đất, cả người anh bị cháy đen và phải 2 ngày sau mới tỉnh lại. Bác sĩ phải cắt bỏ tay và chân trái để giữ lại mạng sống cho anh.

Ở tuổi 26 tươi đẹp cùng cô vợ trẻ và con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi, phút chốc, anh thành người tàn phế. Những ngày sau đó là khoảng thời gian nặng nề khi anh chỉ muốn tìm đến cái chết để nhẹ gánh cho vợ con. Nằm viện được 2 tháng, anh được bác sĩ cho về nhà và trong đầu vẫn nuôi ý định tự tử. Anh tự giam mình trong nhà, không muốn gặp bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. Một lần, phát hiện chồng quấn dây điện vào người và chuẩn bị kéo cầu dao tự tử, vợ anh - chị Phạm Thị Cựng - đã kịp lao vào can ngăn. Được vợ động viên, khuyên nhủ, anh mới bỏ ý định tự tử. Sau đó, anh học cách tự chăm sóc mình với 1 cánh tay và 1 chân còn lại.

Chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương”: Đứng dậy sau nỗi đau - Ảnh 2.

Sau tai nạn lao động, anh Đặng Ngọc Quý vẫn còn nợ hơn 20 triệu đồng chi phí phẫu thuật

Chị Cựng vừa làm ruộng vừa nhận sửa quần áo, đan lát để kiếm thêm tiền thuốc thang và có thời gian chăm sóc chồng, làm tất cả mọi việc để chồng có thể vui sống cùng vợ con. "Nhìn vợ vất vả, tôi tự dặn lòng phải cố gắng sống thật lạc quan và có ích" - anh Khanh kể.

Với quyết tâm ấy, anh gắng gượng tập đứng, tập đi và tự chăm sóc bản thân. Khỏe hơn một chút thì phụ vợ cắt chỉ, sửa quần áo, làm vài công việc vặt trong nhà. Chứng kiến sự đổi thay trong suy nghĩ lẫn hành động của người bạn đời, chị Cựng rất vui. Dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn nhưng mái ấm của họ luôn đầy tiếng cười và niềm hạnh phúc. Cô con gái lớn nay đã đi làm và cậu con trai nhỏ đang học lớp 12. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, anh Khanh, bộc bạch: "TNLĐ xảy ra đối với tôi là cú sốc quá lớn. Thế nhưng, tôi may mắn khi có người vợ hiền luôn cận kề chăm sóc và động viên. Nhờ cô ấy mà tôi hiểu được giá trị của cuộc sống và tự điều chỉnh mình".

Món quà ý nghĩa

Mới vừa trở lại làm việc sau gần 1 năm nghỉ điều trị vì TNLĐ, sức khỏe của anh Nguyễn Ngọc Quý (39 tuổi), CN tổ đóng gói Xưởng thịt hầm, Công ty CP Vifon (quận Tân Phú, TP HCM) vẫn còn yếu. Thấy anh xuất hiện, nhiều đồng nghiệp trong công ty liền đến thăm hỏi, động viên. Tình cảm ấy của họ khiến anh Quý ấm lòng.

Vụ TNLĐ xảy ra cách đây gần 1 năm vẫn còn ám ảnh anh Quý. Theo quy định, trước khi hết ca làm việc, CN trong tổ phải dọn dẹp, vệ sinh nhà xưởng. Trong lúc cùng anh em trong tổ làm vệ sinh sàn nhà, anh bị trượt chân và vỡ sụn gối, đứt dây chằng, tỉ lệ thương tật 25%.

Chỉ với sơ suất nhỏ nhưng cái giá anh Quý phải trả không hề nhỏ. Hai lần lên bàn mổ với chi phí phẫu thuật 60 triệu đồng. BHYT thanh toán 40 triệu đồng, còn lại gia đình anh phải vay mượn khắp nơi. Khoản trợ cấp TNLĐ ít ỏi mà anh được nhận không đáng là bao, do vậy cuộc sống gia đình thêm khó khăn. Trong thời gian anh ở nhà dưỡng thương, gánh nặng chi tiêu trong gia đình dồn hết lên vai người vợ (cũng là CN trong tổ). Vừa làm việc vừa trả nợ trong khi phải nuôi 2 con nhỏ (3 tuổi và 7 tuổi) nên vợ anh rất vất vả, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Cả năm trôi qua, số tiền nợ vẫn còn. Cả gia đình anh Quý đang ở nhờ nhà ba mẹ vợ. "Nhà nhỏ nhưng đông người nên sinh hoạt rất bất tiện. Nhưng nếu ra ngoài thuê trọ thì 2 vợ chồng không kham nổi vì thu nhập quá thấp, lại còn phải lo cho 2 con nhỏ" - anh Quý bộc bạch.

Khi nghe chúng tôi thông báo sẽ được nhận quà từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương", anh Quý rất vui. "Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc, lo cho con được học hành đến nơi đến chốn. Cảm ơn chương trình đã tiếp thêm động lực sống và làm việc cho những CN có hoàn cảnh không may như tôi" - anh Quý bày tỏ. 

Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn:

Đậm ý nghĩa nhân văn

Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" do Báo Người Lao Động khởi xướng nhằm san sẻ những mất mát về thể chất lẫn tinh thần với những CN không may bị TNLĐ, có hoàn cảnh khó khăn mang đậm dấu ấn nhân văn. Đồng hành cùng chương trình, mong muốn của chúng tôi là chung tay chăm lo cho những cảnh đời khốn khó, đặc biệt là những CN bị TNLĐ vốn đã tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.

Chúng tôi hy vọng các mạnh thường quân, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức ủng hộ chương trình nhằm đem đến một cái Tết thật ấm áp, ý nghĩa đối với CN bị TNLĐ tại TP HCM và một số tỉnh, thành khác.

Kỳ tới: Quyết không gục ngã

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo