xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải thưởng Tôn Đức Thắng: Sống với đam mê sáng tạo

Bài và ảnh: THANH NGA

Sự đam mê sáng tạo và ý chí phấn đấu đã giúp họ vươn lên, thành công trong nghề nghiệp

Hơn 18 năm làm việc tại Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I; quận Thủ Đức, TP HCM), anh Trịnh Minh Đức - Phó Phòng Kỹ thuật sản xuất - luôn gây ấn tượng tốt với đồng nghiệp bởi sự khiêm tốn, đặc biệt là khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ. Năm nào anh Đức cũng để lại dấu ấn bằng những ý tưởng sáng tạo độc đáo, đem lại hiệu quả cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Anh Đức là 1 trong 11 cá nhân xuất sắc được LĐLĐ TP HCM đề nghị trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2018, giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh tinh thần sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân (CN) TP HCM.

Biến ước mơ thành hiện thực

Để có được vị trí như hiện nay, anh Đức đã trải qua không ít khó khăn, thử thách trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp. Quê anh Đức ở tỉnh Hòa Bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi xuất ngũ, anh bắt đầu cuộc sống xa nhà tự lập. Không nghề nghiệp, không bằng cấp nhưng anh vẫn nung nấu ước mơ trở thành người thợ máy giỏi. Anh tâm sự: "Điều đầu tiên tôi nghĩ đến sau khi xuất ngũ là đi học nhưng hoàn cảnh lúc đó không cho phép, tôi đành gác lại ước mơ để đi làm CN. Mỗi ngày làm việc hơn 12 giờ, sau gần 2 năm, tôi mới tích cóp được một khoản tiền và chuyển đến làm thợ máy tại Nissei để có thời gian đi học nghề (điện công nghiệp) vào buổi tối nhằm theo đuổi ước mơ của mình".

Giải thưởng Tôn Đức Thắng: Sống với đam mê sáng tạo - Ảnh 1.

Anh Trịnh Minh Đức, Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, hướng dẫn công nhân làm việc

Giải thưởng Tôn Đức Thắng: Sống với đam mê sáng tạo - Ảnh 2.

Anh Hứa Minh Tuấn - Công ty Môi trường đô thị TP HCM - một tấm gương lao động giỏi, sáng tạo

Mê máy móc, lại gặp được môi trường làm việc tốt, anh Đức đem hết nhiệt huyết và vốn kiến thức đã học áp dụng vào thực tiễn công việc. Chịu khó quan sát, phân tích và ghi chép tính năng kỹ thuật của từng loại thiết bị nên anh dễ dàng phát hiện những hạn chế của máy móc và lên ý tưởng cải tiến. Đề tài giảm chi phí sửa chữa máy được thực hiện thành công vào năm 2004 đã giúp anh khẳng định năng lực chuyên môn và uy tín với ban giám đốc lẫn đồng nghiệp. Thừa thắng xông lên, mỗi năm, anh Đức đều đặn cho ra đời vài ý tưởng sáng chế, cải tiến máy móc, góp phần làm lợi cho doanh nghiệp (DN). Điển hình là sáng kiến thiết kế, chế tạo máy kiểm tra dây điện silicon, giúp giảm chi phí nhập khẩu máy vào năm 2017. Thời điểm ấy, công ty mở nhà máy tại tỉnh Tiền Giang nên cần có nhiều thiết bị, máy móc mới, trong đó có máy kiểm tra dây điện. Giá nhập khẩu của chiếc máy này là khoảng 12.000 USD. Hiểu khó khăn ấy của DN, anh Đức bỏ công mày mò tìm hiểu cách chế tạo một chiếc máy "Made in Vietnam". Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng chiếc máy cũng được chế tạo thành công với những nguyên vật liệu sẵn có. Sáng kiến này của anh đã giúp DN tiết kiệm hơn 270 triệu đồng. Được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng nhưng anh Đức vẫn khiêm tốn: "Tìm ra những ý tưởng mới để áp dụng trong công việc là trách nhiệm của người thợ. Giải thưởng vừa là niềm vui vừa là vinh dự và đó cũng là động lực để tôi phấn đấu, trưởng thành hơn trong nghề".

Nỗ lực không ngừng

Một tấm gương vượt khó vươn lên để trở thành thợ giỏi là anh Hứa Minh Tuấn, Công ty Môi trường đô thị TP HCM. Xuất phát điểm là một CN sửa chữa máy nhưng sau quá trình nỗ lực phấn đấu, anh đã trở thành Phó xưởng Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn của công ty.

Điểm nổi bật ở người thợ kỳ cựu này chính là sự sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Suốt nhiều năm công tác, hầu như năm nào anh Tuấn cũng có sáng kiến cải tiến. Trong đó phải kể đến việc anh đã thiết kế và chế tạo thành công thiết bị bồn hút chân không tự hành vào năm 2016. Anh cho biết hiện nay đa số tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại có các đặc điểm thiết kế cơ bản gần giống nhau như gồm các hầm thu bùn, hầm thu tách mỡ và đều đặt ở tầng hầm (độ sâu so với mặt đất khoảng từ 12-16 m, khẩu độ của mỗi tầng từ 2 - 2,2 m). Với độ sâu ấy, khó có đơn vị nào có thiết bị hút trực tiếp từ mặt đất xuống dưới tầng hầm thứ 2 của các tòa nhà. Vì vậy, khi được giao trọng trách tìm giải pháp để thực hiện công tác hút bùn, anh đã mất rất nhiều thời gian mày mò suy ngẫm. Anh nảy ra ý tưởng thiết kế một thiết bị bồn hút chân không tự hành làm trạm trung chuyển bùn, chất thải trước khi di dời đi nơi khác. "Dù đã có ý tưởng nhưng chúng tôi phải tốn gần nửa năm để thử nghiệm, không ít lần thất bại nhưng tôi nghĩ đây là biện pháp khả thi nên động viên anh em trong xưởng phải kiên trì. Thật may, giải pháp này cuối cùng cũng thành công ngoài mong đợi" - anh Tuấn chia sẻ. Chỉ riêng với sáng kiến này, anh Tuấn đã giúp công ty tìm được nhiều khách hàng, ước tính tăng giá trị doanh thu trên 5 tỉ đồng/năm.

Theo ông Trương Thanh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn công ty, anh Tuấn xứng đáng là một tấm gương sáng cho thợ trẻ. "Nhiệt huyết và lòng yêu nghề đã giúp anh Tuấn tìm ra những giải pháp cải tiến thiết thực để giúp công ty vượt qua khó khăn. Tuấn còn là một đồng nghiệp, người anh luôn nhiệt tình kèm cặp, giúp đỡ thợ trẻ vươn lên, khẳng định tay nghề. Với tất cả những đóng góp ấy, anh Tuấn xứng đáng được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng" - ông Hoàng chia sẻ. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo