xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tủi nhục ở xứ người

MAI CHI

Đóng tiền theo yêu cầu của công ty để được về nước nhưng nhiều tháng nay, người lao động vẫn phải mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng tại Ả Rập Saudi

"Tôi là mẹ đơn thân. Vì muốn con có cuộc sống tốt hơn, tôi đã cố nuốt nước mắt vào lòng gửi cháu cho bà ngoại để đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Song, số tôi không may mắn, gặp phải chủ không tốt, lại bị công ty đưa đi bỏ rơi. Giờ tôi chỉ cầu mong các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ để tôi sớm được trở về nhà chăm sóc đứa con gái mới hơn 3 tuổi". Đây là lời cầu cứu của chị Nguyễn Thị Thúy (31 tuổi; quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - một lao động đang bị mắc kẹt tại Trung tâm Bảo trợ Khadimat của Ả Rập Saudi - đến Báo Người Lao Động.

Vỡ mộng

Tháng 8-2016, chị Thúy được Công ty CP Phát triển nguồn lực và dịch vụ Dầu khí Việt Nam (Petromanning JSC; quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đưa đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Saudi trong thời gian 2 năm, thông qua ông Phùng Văn Hiến, người tự xưng là giám đốc trung tâm đào tạo của công ty này.

Tủi nhục ở xứ người - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thúy (ngoài cùng bên trái) cùng một số lao động Việt Nam tại Trung tâm Bảo trợ Khadimat - Ả Rập Saudi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo hợp đồng lao động, chị Thúy sẽ được chủ trả lương 1.500 SR/tháng, được nghỉ ngơi ít nhất 9 giờ/ngày, nghỉ phép 15 ngày/năm và được cung cấp đầy đủ thức ăn, nơi ở… Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày nhận việc, do bất đồng ngôn ngữ, chị Thúy bắt đầu bị vợ con chủ nhà hành hạ, đánh đập và bị ông chủ sàm sỡ nhiều lần. Chưa hết, mỗi ngày chị phải làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm nhưng chỉ được chủ cho ăn 1 bữa/ngày, đồng thời tiền lương cũng không được trả đúng hạn, 2 tháng mới trả một lần. Đau đớn, tủi nhục và sức khỏe suy kiệt, chị Thúy đã nhiều lần gửi hình ảnh chụp vết thương và gọi về cho ông Hiến yêu cầu đổi chủ nhưng không được chấp nhận. "Trước khi đi, ông Hiến hứa sẽ được đổi chủ thoải mái. Thế nhưng, khi tôi yêu cầu đổi chủ thì ông Hiến thuyết phục tôi cố gắng làm hết thời gian thử việc (3 tháng), nếu vẫn không thích nghi được sẽ đổi chủ. Hết 3 tháng thử việc, tôi tiếp tục lặp lại yêu cầu trên thì ông Hiến lật lọng nói đã hết thời gian thử việc nên không đổi chủ được nữa" - chị Thúy bức xúc.

Không còn cách nào khác, chị Thúy phải cắn răng chịu đựng, tiếp tục làm việc. Đến tháng 8-2017, khi sự chịu đựng vượt quá giới hạn, chị Thúy tiếp tục cầu cứu ông Hiến và yêu cầu được trở về nước. Lần này, ông Hiến ra điều kiện nếu muốn về nước phải nộp phí 75,5 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Hiến đã bày cách cho chị Thúy bỏ trốn khỏi gia đình chủ vào ngày 21-8-2017. "Khi đó, ông Hiến cho người đến đón tôi trước cửa nhà. Do bỏ trốn, nên tôi chỉ kịp mang theo 2 bộ quần áo và giấy tờ tùy thân, riêng hộ chiếu bị chủ nhà giữ. Lấy lý do tôi không đủ giấy tờ để làm thủ tục về nước, người được ông Hiến cử đến đã bỏ tôi ngay trước cổng Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ả Rập Saudi" - chị Thúy kể.

Tiền mất tật mang

Gần 1 tháng ở ĐSQ, chị đã nhờ các cán bộ nơi đây thông báo với Công ty Petromanning JSC để lo thủ tục về nước, đồng thời tiếp tục yêu cầu ông Hiến thực hiện cam kết. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không có kết quả, thậm chí ông Hiến còn chặn mọi phương tiện liên lạc với chị. Ngày 12-9-2017, sau khi được ĐSQ cấp giấy thông hành, chị vào Trung tâm Bảo trợ Khadimat từ đó đến nay.

Theo biên bản làm việc giữa anh Nguyễn Tài Trọng, anh của chị Thúy, với Công ty Petromanning JSC vào ngày 15-9-2017, ông Hà Văn Dũng, đại diện công ty, khẳng định chị Thúy là do công ty đưa đi. Trong thời gian làm việc tại Ả Rập Saudi, văn phòng đại diện của công ty thường xuyên kiểm tra và xác nhận chị được trả lương, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và không phản ánh có tranh chấp gì với chủ nhà (!?). Ông Dũng cũng cho biết ông Hiến không còn là nhân viên của công ty; đồng thời công ty cũng không chỉ đạo thu bất cứ khoản tiền nào của người lao động (NLĐ) nên không chịu trách nhiệm về khoản tiền gia đình chị Thúy đã đưa cho ông Hiến. Mặt khác, do chị Thúy vi phạm pháp luật nước sở tại nên công ty sẽ không chịu trách nhiệm với việc chị bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Mới đây, anh Trọng tiếp tục đến để hỏi thăm tình hình em gái thì công ty không còn ở địa chỉ cũ nữa, cũng không biết công ty đã dời đi đâu. Chúng tôi cũng đã gọi vào số điện thoại đăng trên website của công ty nhưng không có tín hiệu. Trong khi đó, ông Hiến cáo bận rồi cúp máy sau khi nghe phóng viên đề cập trường hợp của chị Thúy. 

Yêu cầu công ty xác minh, xử lý

Ông Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Tây Á - Hàn Quốc - châu Phi Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: Tháng 3-2017, cục đã ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty Petromanning JSC do đơn vị này không làm thủ tục đổi giấy phép hoạt động sau khi được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định, sau khi bị thu hồi giấy phép, công ty vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực. "Do vậy, sau khi nhận được đơn của gia đình chị Thúy, chúng tôi đã gửi công văn đến công ty yêu cầu xác minh, xử lý và báo cáo kết quả cho cục. Trong trường hợp công ty cố tình không thực hiện, cục sẽ có biện pháp xử lý đối với công ty và hỗ trợ NLĐ về nước" - ông Hà nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo